Hạn chế rủi ro nhưng phải tạo cơ hội để thị trường bất động sản phát triển

Mai Phương
Mai Phương
07/06/2022 09:18 GMT+7

Sáng 7.6, Báo Thanh Niên cùng Viện Kinh tế Xanh tổ chức tọa đàm "Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản " với sự tham gia của nhiều chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cùng doanh nghiệp .

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, chia sẻ: Chúng ta ngồi với nhau tại đây để cùng thảo luận và tìm giải pháp cho một vấn đề gây tranh cãi cũng như xáo trộn trong suốt hơn 2 tháng qua: Tín dụng cho thị trường bất động sản.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên

Độc Lập

Thực tế đã có nhiều bài báo phản ánh vấn đề này. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và một số đại biểu Quốc hội cũng đưa những lo ngại về việc kiểm soát tín dụng có thể tác động lên sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 ra nghị trường Quốc hội ngay những phiên đầu tiên của kỳ họp đang diễn ra hiện nay. Việc này xuất phát từ thực trạng giao dịch trên thị trường bất động sản đang có dấu hiệu bị ngưng trệ do dòng tín dụng bị siết đột ngột. Trong bối cảnh đó, Báo Thanh Niên, vốn luôn coi việc phản biện chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã quyết định tổ chức hội thảo này. "Chúng tôi mong muốn gởi tới các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là nghị trường Quốc hội đang thảo luận nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp để phục hồi nền kinh tế một cái nhìn toàn diện hơn về vai trò, đóng góp của thị trường bất động sản trong giai đoạn vô cùng quan trọng hiện nay, giai đoạn mà mọi ngành nghề lĩnh vực đều hướng tới mục tiêu: phục hồi và tăng trưởng kinh tế", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ.

TỌA ĐÀM: Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản

Bản thân Báo Thanh Niên luôn ý thức rằng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng để an toàn cho nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. Hệ quả của tín dụng tăng trưởng nóng, cho vay dưới chuẩn dẫn đến nợ xấu hơn 1 thập kỷ trước, đến giờ vẫn chưa xử lý xong. Nhưng kiểm soát như thế nào để hạn chế được rủi ro, phải tạo cơ hội để thị trường bất động sản phát triển, đóng góp vào chương trình phục hồi kinh tế đất nước là vấn đề quan trọng. Thực tế, không chỉ bất động sản mà tất cả các lĩnh vực kinh tế nói chung, khi Nhà nước "siết" để xử lý một bất cập cục bộ hay mang tính thời điểm thì ngay lập tức, các ngành nghề liên quan bị ngưng trệ vì hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế không ít thì nhiều đều liên quan mật thiết với nhau. Ngay trong đại dịch chúng ta đã chứng kiến, hàng không hắt hơi thì du lịch bệnh nặng; Cầu, đường không thông thì vận tải gặp khó. Tương tự với bất động sản. Những dự án dang dở không thể về đích, tiền của mà doanh nghiệp bỏ vào đó sẽ biến thành xà bần, sắt vụn. Dự án mới không thể khởi công sẽ khiến nguồn cung nhà ở trên thị trường thiếu hụt, giá cả tiếp tục bị đẩy lên cao, giấc mơ an cư của rất nhiều người dân ngày càng trở nên xa vời. Thiếu vắng những công trình thì hàng loạt các ngành khác như sắt, thép, nội thất, xây dựng... chắc chắn bị đình trệ.

Tọa đàm Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản diễn ra sáng 7.6

Độc Lập

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cơ quan quản lý tiền tệ không có chủ trương siết tín dụng bất động sản, mà là kiểm soát chặt rủi ro cho vay trong lĩnh vực này. Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn nêu vấn đề: Vậy có hay không việc chưa hiểu nhau thấu đáo giữa chủ trương của ngành ngân hàng với đối tượng vay là doanh nghiệp - người dân để gây ra những xáo trộn không đáng có trên thị trường trong thời gian vừa qua? Quan điểm của Báo Thanh Niên cho rằng, tất cả các phân khúc bất động sản từ cao cấp, trung cấp, nhà xã hội, nhà tái định cư, bất động sản thương mại, công nghiệp, nghỉ dưỡng hay nhà ở... đều bình đẳng như nhau trong vấn đề tiếp cận các chính sách. Nếu nhà nước muốn ưu tiên lĩnh vực nào, thì khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực đó bằng ưu đãi thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ như giảm lãi suất, giảm thuế. Cụ thể ở đây là nhà ở xã hội, nhà tái định cư. Tuy nhiên, không vì thế mà có hạn chế phân khúc này, siết phân khúc kia. Trong khi đó, ngành ngân hàng có rất nhiều quy định về an toàn vốn mà người dân, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ như có tài sản thế chấp, chứng minh được dòng tiền trả nợ... "Vậy cứ chiếu theo luật để thực hiện, những chủ đầu tư uy tín, những dự án khả thi thì phải được vay vốn để triển khai, tăng nguồn cung, từ đó góp phần giảm giá bất động sản. Thị trường bất động sản nói riêng và hàng hóa nói chung đều cần đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Và đó cũng chính là sự minh bạch, bình đẳng theo đúng nguyên tắc của kinh tế thị trường. Tôi cũng tin rằng, việc anh Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có mặt ở đây ngày hôm nay đã là một sự "khơi thông" rất lớn những vướng mắc giữa tín dụng và bất động sản trong thời gian qua", nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nói.

Hội thảo đang tiếp tục diễn ra với tham luận, ý kiến của các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cùng nhiều doanh nghiệp bất động sản...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.