Lăng kính bạn đọc:

Hạn chế xe máy vào nội đô cần lộ trình cụ thể

Đ.Huân
(tổng hợp)
16/06/2023 06:17 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng việc hạn chế xe máy vào nội đô cần có lộ trình cụ thể, làm từng bước, đồng thời phải phát triển hệ thống giao thông công cộng mạnh hơn nữa.

Như Thanh Niên thông tin, UBND TP.Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đô thị, trong đó nêu cụ thể về mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đô thị TP.Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Hạn chế xe máy vào nội đô cần lộ trình cụ thể - Ảnh 1.

Hình ảnh xe máy chen chúc di chuyển cùng ô tô trên trục đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội)

NGUYỄN TRƯỜNG

Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, Hà Nội vạch ra 33 nhiệm vụ, dự án, đề án và các chương trình ưu tiên thực hiện. Trong đó, Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào, Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện trong giai đoạn 2023 - 2025. Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, được giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì, phối hợp công an thành phố. Việc hạn chế xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 quận trong nội thành Hà Nội, gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.

Hà Nội tiến tới cấm xe máy ở 12 quận nội thành vào năm 2030

Giao thông công cộng có đủ đáp ứng?

Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ hạn chế, cấm xe máy vào nội đô. "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cấm xe máy đi vào các quận nội thành ở Hà Nội và các thành phố khác. Việc này làm càng sớm càng tốt", BĐ Văn Cảnh ý kiến.

Tương tự, BĐ Văn Bắp cho rằng: "Nếu cấm được xe máy thì bộ mặt thành phố sẽ thay đổi hẳn, sạch sẽ, văn minh hơn. Tuy vậy phải tính toán thật kỹ bài toán về giao thông nội đô và các tỉnh xung quanh. Hệ thống dịch vụ, kinh doanh, tác động kinh tế, xã hội...".

Còn BĐ Hanh Phuc viết: "Một xã hội phát triển cần phải có hệ thống giao thông thuận lợi và xanh sạch đẹp, cấm xe máy vào nội đô là hoàn toàn đúng đắn. Cấm xe máy không phải là chúng ta không có xe nào để đi mà ngược lại có rất nhiều là khác xe điện, xe đạp, xe buýt…".

Trong khi đó, BĐ Nghi Trịnh đặt vấn đề với hạ tầng giao thông công cộng (GTCC) của thành phố liệu có đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nếu hạn chế xe cá nhân. "Nếu cấm xe cá nhân nhưng hệ thống GTCC vẫn giậm chân, phát triển èo uột thì đề án này sẽ phá sản. Chúng ta muốn hạn chế xe cá nhân thì phải có giải pháp thay thế chứ không phải cứ dùng biện pháp hành chính là xong", BĐ này góp ý thêm.

Sớm công bố lộ trình chi tiết

Ủng hộ và cho rằng nếu Hà Nội cấm được xe máy ở 12 quận nội thành vào năm 2030 thì quá tốt, BĐ Thanh Bình mong cơ quan chức năng có lộ trình triển khai và thay thế như thế nào, GTCC đáp ứng ra sao, cần phải đưa ra sớm. "Theo tôi từ đây đến 2030, mỗi năm giảm 10 - 15% xe máy, tăng 10 - 15% xe công cộng, trong vòng gần 10 năm là hoàn thành", BĐ này gợi ý.

Còn BĐ Lê Sang ý kiến: "Việc rất khó nhưng chỉ cần sự đồng thuận của người dân thì ổn hết. Giải pháp đưa ra cần được nghiên cứu kỹ. Nếu làm thì vận động đơn vị nhà nước làm trước xong đến đơn vị tư nhân và cuối cùng đến người dân mưu sinh bằng xe máy... Cần phải có lộ trình rõ ràng và chính sách linh hoạt".

"Cứ hoàn thiện hạ tầng GTCC cho thật tốt, giá cả đi lại hợp lý, dịch vụ chu đáo thì không cấm người dân cũng dần dần bỏ xe máy chuyển qua đi xe công cộng. Cần có lộ trình phát triển GTCC đáp ứng nhu cầu giao thông trong nội đô của người dân", BĐ Nghia Hanh phân tích. Tương tự, BĐ Dung góp ý: "Nên hạn chế hoặc cấm. Trước đó phải đảm bảo GTCC: tàu điện, xe điện, xe buýt và chuẩn bị những nơi gửi xe máy cạnh những trục đường chính vào nội thành".

* Chừng nào GTCC chưa đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân thì cấm xe máy khó hiệu quả.

Giang Pham

* Rất hợp lý đối với các khu vực đông dân cư. Người dân có thể mua ô tô điện loại nhỏ, vừa che được mưa, nắng, vừa bảo vệ được môi trường, chống biến đổi khí hậu...

Nguyen Van

* Cứ khi nào dịch vụ công cộng đáp ứng được nhu cầu của người dân, lên các phương tiện công cộng cảm thấy thoải mái và xứng đáng với số tiền mua vé, không bị lườm, mắng chửi, không bị trộm cắp móc túi... thì tức khắc người dân dần chuyển sang đi dịch vụ công cộng, tự khắc phương tiện cá nhân giảm.

T.Nhan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.