Bất thường triều cường giữa mùa khô
Sáng qua (12.3), một số tuyến đường ở trung tâm TP.Cần Thơ bị ngập nước khiến việc đi lại gặp trở ngại. Dù nước chỉ cao hơn mặt đường một chút, nhưng đây vẫn là sự kiện hiếm có giữa cao điểm mùa khô ở vùng đất Tây Đô.
Nghiêm trọng hơn, tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) nhiều nơi nước ngập sâu đến vài ba tấc. Dọc quốc lộ 60, nước ngập lênh láng khiến việc đi lại hết sức khó khăn đối với cả ô tô, xe tải. Nhiều nơi vỉa hè cũng bị ngập gần tới đầu gối.
Đợt triều cường không chỉ cao bất thường ở các tỉnh ĐBSCL mà còn được ghi nhận ở miền đông Nam bộ, đặc biệt là TP.HCM. Cập nhật chiều 12.3, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Mực nước cao nhất ngày ở nhiều trạm trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai vượt mức báo động 3. Cụ thể như tại trạm Nhà Bè trên kênh Đông Điền vượt báo động 3 là 0,4m. Bên cạnh tình trạng ngập thì triều cường cao cũng khiến mặn xâm nhập sâu các nhánh sông. Đến ngày 10.3, tại trạm Cát Lái trên sông Sài Gòn, độ mặn cao nhất đo được là 9,2‰, cao hơn cùng kỳ năm 2023 tới 3,2‰. Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu khoảng 75 - 80 km. Mức độ rủi ro thiên tai ở cấp 3. Mặn xâm nhập sâu dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước sạch cho người dân TP.HCM. Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) chủ động ứng phó cũng như lên các kịch bản cho tình huống mặn xâm nhập sâu từ trước, nên vẫn đảm bảo đủ nước sạch cung cấp cho người dân TP.HCM.
Chuyên gia khí tượng - thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan giải thích: Đợt triều cường hiện nay tăng mạnh vì ngoài Biển Đông gió chướng mạnh cấp 4 - 5, sóng biển khá cao, từ 1,5 - 2,5m. Sóng cao gió lớn kết hợp triều cường đẩy nước biển lấn sâu vào các nhánh sông. Vào mùa khô, nước từ thượng nguồn về ít nên nước biển càng có điều kiện xâm nhập sâu. Đợt triều cường này theo dự báo sẽ đẩy mặn 4‰ vào sâu 70 - 80 km trên hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn.
Xem nhanh 12h: Xâm nhập mặn ở ĐBSCL cao hơn nhiều năm, có nơi 80 - 90 km
Mặn vượt sức chịu đựng của cây trồng
Trong khi người dân các đô thị lớn đang vật lộn với "con nước rong" bất thường thì khó khăn cho sản xuất ở vùng ven biển cũng không kém. Từ TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) xuôi về hướng biển tới H.Châu Thành (Bến Tre), người dân đang khốn khổ vì xâm nhập mặn lấn sâu, độ mặn tăng vọt.
Nông dân sản xuất giỏi Phan Hoàng Tân chia sẻ: Tôi có 4 vườn sầu riêng rộng 3,5 ha thì 3 vườn nằm ở xã Tân Phú trong vùng đê bao ngăn mặn nên đến thời điểm này vẫn an toàn. Riêng vườn còn lại ở TT.Tiên Thủy (H.Châu Thành, Bến Tre) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn. "Ngày 20.2, tại Tiên Thủy nước mặn mới chỉ 0,1‰ , trong ngưỡng an toàn với cây sầu riêng. Vậy mà ngày 12.3 nước biển theo triều cường vào sâu khiến độ mặn lên tới 4,1‰, vượt rất xa so với sức chịu đựng chỉ 0,2‰ của cây sầu riêng. Đầu mùa, gặp thời tiết bất lợi, đặc biệt là nắng nóng gay gắt, khiến tỷ lệ cây ra bông chỉ khoảng 1/3 so với bình thường", ông Tân lo lắng.
Là người có nhiều kinh nghiệm, ông Tân phải đắp bờ bao quanh vườn để ngăn nước mặn tràn vào. Tuy nhiên, do lực nước bên ngoài quá mạnh, ông Tân đang lo sẽ không giữ được bờ bao cũng như nước mặn thấm vào tầng nước ngầm. "Với độ mặn hiện tại ngoài sông, chỉ còn cách duy nhất là bơm nước ngầm lên để tưới cây chống hạn và làm loãng nước mặn thấm vào đất vườn", ông Tân nói.
Cạnh đó, H.Chợ Lách (Bến Tre), cái nôi của cây trái và hoa kiểng, TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT, cho biết đến thời điểm này nước mặn đã phủ hết toàn bộ địa phận huyện. Nay nước rong về nên mặn cũng tăng và độ mặn phổ biến lên đến 4‰, hoàn toàn không thể tưới cây. "May mắn là toàn huyện đã có đê bao khép kín. Chúng tôi theo dõi mặn thường xuyên, khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép bộ phận vận hành sẽ đóng cống ngăn mặn, trữ ngọt. Bên cạnh đó, ở vùng này bà con cũng có nhiều kinh nghiệm "sống chung" với hạn mặn nên đã chủ động ứng phó bằng cách trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất ngay từ trong mùa mưa. Do đó, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận thiệt hại nào do hạn mặn", ông Liêm nói.
TS Liêm cho biết Sở NN-PTNT của tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân ứng phó với hạn mặn trên từng đối tượng cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình liên tục cập nhật các diễn biến của thời tiết, xâm nhập mặn, kèm theo đó là các giải pháp xử lý cho từng loại đối tượng. "Chúng tôi phát đi phát lại những thông tin này hằng ngày trên đài truyền thanh địa phương để bà con dễ nhớ. Điều quan trọng là người dân phải thường xuyên đo kiểm tra mẫu nước nơi sông rạch mà mình thường sử dụng phục vụ sản xuất để biết độ mặn cần lấy nước tích trữ hoặc tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, thiết kế hệ thống tưới phù hợp nhất để tránh thất thoát nước", ông Liêm nhấn mạnh.
Bán đảo Cà Mau sạt lở, thiếu nước ngọt nghiêm trọng
Trong khi đó, ở vùng bán đảo Cà Mau nhiều nơi đang xoay xở đối phó với tình trạng nắng nóng và khô hạn gay gắt. Ông Lê Tuấn Anh, ngụ xã Biển Bạch (Thới Bình, Cà Mau) cho biết: Mùa này khổ nhất là thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Do nước ngọt không có, nhiều người vận chuyển từ nơi khác đến đổi với giá 40.000 - 50.000 đồng/m³. Nhà tôi có 3 người, xài tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng tốn gần 500.000 đồng tiền nước. Phần lớn các sinh hoạt thường nhật phải sử dụng nước mặn, nước ngọt đổi về dùng để tráng (xả) lại cho sạch. Còn nấu ăn và nước uống thì sử dụng nước mưa tích trữ từ trước. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có hơn 3.742 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, Sở đã đề xuất UBND tỉnh triển khai việc cấp nước cho nhóm dân cư sinh sống ở khu vực thưa thớt, phân tán (1.344 hộ). Trong đó khoảng 758 hộ đặc biệt khó khăn sẽ được cấp phát một bồn nhựa loại 1 m3 để trữ nước ngọt, còn 586 hộ còn lại sẽ thiết lập 46 điểm cấp nước tập trung cho người dân sử dụng. Đối với nhóm sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng (977 hộ), tỉnh đang nhanh chóng mở rộng mạng đường ống cấp nước để cung cấp nước sạch. Đối với nhóm dân cư sinh sống ở khu vực hệ thống nước nối mạng bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước sinh hoạt và nhóm đối tượng sinh sống tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước (tổng số 2.442 hộ), trước mắt các đơn vị cấp nước cần chủ động cấp nước luân phiên theo tuyến, theo giờ để đảm bảo người dân có nước sử dụng.
Ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời (Cà Mau), bổ sung: Hạn hán khiến nhiều tuyến kênh rạch cạn khô dẫn đến tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và giao thông. Đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra sạt lở, sụt lún tới 550 vị trí trên tổng số 131 tuyến, với tổng chiều dài 14,5 km; ước tính thiệt hại trên 19 tỉ đồng. Nắng nóng khiến nước bốc hơi nhanh, cộng với việc người dân bơm, tát nước phục vụ sản xuất khiến hầu hết các tuyến kênh rạch vùng ngọt khô cạn, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún. Dù thiếu nước nhưng do giá lúa cao nên một số người dân vẫn sản xuất vụ 3 không theo khuyến cáo của ngành chức năng trên diện tích khoảng 60 ha. Phần diện tích này đang đối mặt nguy cơ thiệt hại nặng.
Ngoài sạt lở, còn có hơn 80 tuyến kênh, rạch bị khô cạn, thậm chí trơ đáy. Nhiều tuyến kênh mương khô cạn ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và vận chuyển hàng hóa của người dân. Để vận chuyển lúa đến nơi tập kết bán, người dân chỉ còn cách chở bằng xe máy, ước tính chi phí vận chuyển là 400.000 đồng - 500.000 đồng/tấn.
Ở phía tây bán đảo Cà Mau, tình hình xâm nhập mặn cũng diễn ra gay gắt. Trên sông Cái Lớn (Kiên Giang), độ mặn 4‰ khả năng xâm nhập sâu 45 - 47 km. Để ứng phó, ngày 12.3 Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III thông báo: Từ ngày 14 - 17.3, các phương tiện giao thông đường thủy nội địa tại khu vực cống Cái Lớn trên sông Cái Lớn và cống Cái Bé trên sông Cái Bé bị hạn chế, do tất cả các cửa cống sẽ đóng hoàn toàn để ngăn mặn. Các phương tiện thủy chỉ được lưu thông qua 2 cống này bằng cửa âu thuyền.
Đề xuất dẫn nước sông Sài Gòn chống hạn mặn cho miền Tây
Ngày 12.3, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu làm việc tại tỉnh Bến Tre. Cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre cho biết: Do nguồn nước trên sông rạch bị nhiễm mặn, độ mặn tại một số nhà máy hiện ở mức 0,1 - 5,1‰ khiến hơn 10.000 hộ dân phải xài nước máy có độ mặn vượt ngưỡng cho phép 0,5‰.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nhận định: Hiện nguồn nước sông Mê Kông đang bị các nước phía thượng nguồn chi phối, nên có thể tận dụng hệ thống sông trong nước như Sài Gòn, Đồng Nai để giải quyết nhu cầu cấp bách của các tỉnh ĐBSCL mùa hạn mặn. "Miền Đông có địa hình cao nên có thể khơi một dòng kênh hoặc dùng hệ thống ống dẫn nước từ khu vực này về Long An, Tiền Giang, sau đó đến Bến Tre với khoảng cách mỗi tỉnh chỉ vài chục kilomet. Nếu chưa đủ chi phí đầu tư hệ thống ống dẫn nước sản xuất thì triển khai trước hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt", ông Tam đề xuất.
Ưu tiên cấp nước ngọt cho người dân
PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) nhận xét: Đợt triều cường hiện tại cho chúng ta thấy một mặt khác của các công trình ngăn mặn trữ ngọt. Mặt tích cực của nó là bảo vệ các diện tích đất sản xuất lúa và vườn cây ăn trái. Nhưng ngược lại, khi triều cường lên cao, khu vực ven biển bị đê bao ngăn lại, không có chỗ thoát nên đi sâu vào các nhánh sông chính. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều nơi ở vùng giữa của ĐBSCL bị ngập và xâm nhập mặn sâu hơn các năm trước. Đây là bài toán mà chúng ta cần phải nhìn thấy và vì sao Nghị quyết 120 về việc sống thuận thiên ở ĐBSCL lại quan trọng đến thế.
"Tôi đã đi thực tế ở một số địa phương ven biển, thấy nhiều nơi ở Sóc Trăng hay Bạc Liêu là vùng ngọt - mặn theo mùa. Ở những vùng này thay vì cố sản xuất lúa vào mùa hạn mặn thì người ta nuôi tôm hoặc trồng cây năn tượng và các loại cây trồng chịu hạn mặn khác. Bên cạnh đó, chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào phát triển các sản phẩm, ngành nghề thủ công từ các loại cây trồng chịu mặn này, qua đó cải thiện thu nhập và đời sống người dân", ông Tuấn phân tích.
Ông Tuấn cũng đề xuất thêm: "Còn với thực tế cao điểm hạn mặn hiện nay thì chúng ta chỉ có thể triển khai các biện pháp ngắn hạn như ưu tiên cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân ở những vùng thiếu nước".
Mặn đạt đỉnh, nước sinh hoạt của 30.000 hộ dân bị ảnh hưởng
Theo Bộ NN-PTNT, tính từ đầu mùa khô đến nay xâm nhập mặn đã đạt mức cao nhất và cao hơn trung bình nhiều năm. Có khoảng 30.000 hộ dân ĐBSCL gặp khó khăn do nước sinh hoạt không đảm bảo. Mùa khô năm nay sẽ còn 2 đợt xâm nhập mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nhưng độ mặn sẽ thấp hơn.
Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 9.3, tại ĐBSCL có hơn 29.000 ha lúa và 43.300 ha vườn cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng vì hạn mặn. Theo số liệu đo đạc đến ngày 6.3 (trước đợt triều cường hiện tại) trên nhiều nhánh sông chính ở ĐBSCL, ranh mặn 4‰ vào sâu hơn cùng kỳ năm 2023 từ 2 - 16 km.
Bình luận (0)