Bệnh viện tổn thất lớn
Theo Yonhap, tính đến ngày 28.3, hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập trên cả nước đã đình công để phản đối việc chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y thêm 2.000 suất kể từ năm 2025, so với mức 3.058 suất như hiện tại. Phía chính phủ cho biết đưa ra mức tăng này để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ ở nông thôn và các lĩnh vực thiết yếu, khi dân số già đi nhanh chóng. Nước này dự kiến sẽ thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Tuy nhiên, các bác sĩ lập luận việc tăng chỉ tiêu sẽ làm giảm chất lượng đào tạo và dịch vụ y tế, đồng thời tạo ra tình trạng dư thừa bác sĩ.
Tình trạng bất ổn đã khiến 5 bệnh viện đa khoa lớn của Hàn Quốc thiệt hại hơn 1 tỉ won (gần 18,4 tỉ đồng) mỗi ngày, trong khi toàn bộ hệ thống y tế gần như tê liệt. Điều này buộc nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe tạm đóng một số khu khám bệnh và bố trí lại đội ngũ nhân viên. Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul đóng cửa 10 trên tổng số 60 khu. Tình hình càng thêm báo động khi nhiều khoa cấp cứu và điều trị bệnh nhân ung thư cũng nằm trong danh sách phải tạm ngưng hoạt động.
Theo đại diện các bệnh viện, đây là giải pháp duy nhất để đội ngũ y bác sĩ tập trung tốt hơn vào các bệnh nhân cấp cứu và bệnh nặng, khi nhân lực ngày một giảm đi. Một số cơ sở y tế thậm chí chấp nhận đơn xin nghỉ phép không lương của nhân viên trong nỗ lực cắt giảm chi phí và hoãn quá trình tuyển dụng điều dưỡng. Nhiều bệnh viện cũng phải huy động một khoản tín dụng trị giá 100 tỉ won để đối phó những khó khăn tài chính tiếp theo.
Chưa tìm thấy lối ra
Khi được hỏi về thời điểm khủng hoảng được giải quyết, một số quan chức y tế giấu tên nói họ không thể đưa ra câu trả lời chính xác, sau khi hàng loạt giáo sư đầu ngành tại hầu hết trong số 40 trường y trên toàn quốc đã bắt đầu nộp đơn từ chức trong tuần này.
Trước tình hình trên, tờ The Korea Times đưa tin chính phủ Hàn Quốc đang có xu hướng chuyển sang đối thoại với các bác sĩ. Theo đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã mời các bác sĩ tham gia thảo luận về ngân sách y tế của chính phủ. Mặc dù ông Yoon vẫn nhấn mạnh "sẽ không có sự thỏa hiệp nào trong việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y", ngày càng có nhiều tiếng nói trong đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền thúc giục ông nên "linh hoạt" về số chỉ tiêu bổ sung.
Bác sĩ đình công, các bệnh viện lớn của Hàn Quốc thiệt hại nặng
Theo lãnh đạo lâm thời của PPP Han Dong-hoon, sức khỏe cộng đồng là ưu tiên hàng đầu nên không có giới hạn nào về chủ đề của các cuộc đàm phán giữa chính phủ và bác sĩ. Phát biểu trước báo giới, ông nói bản thân tin rằng các bên sẽ đạt được đồng thuận thông qua đối thoại mang tính xây dựng. Ông cũng ngụ ý rằng chính phủ và các bác sĩ có thể thỏa hiệp quanh con số 2.000 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, triển vọng đàm phán có chiều hướng xấu đi khi Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), liên minh bác sĩ lớn nhất đất nước, bầu ông Lim Hyun-taek làm tân lãnh đạo. Ông Lim là một trong những người phản đối mạnh mẽ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ. Ông thậm chí còn khẳng định rằng chỉ tiêu hiện tại nên giảm từ 500 đến 1.000.
Nhiệm kỳ 3 năm của ông Lim sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 1.5. Tuy nhiên, ông đã ra cảnh báo rằng KMA sẽ phát động một cuộc tổng đình công nếu bất kỳ bác sĩ thực tập, giáo sư y khoa hoặc sinh viên nào bị ảnh hưởng bởi các quyết định của chính phủ. Điều kiện tiên quyết ông đặt ra để đối thoại với giới chức bao gồm việc Tổng thống Yoon đưa ra lời xin lỗi chính thức vì đã thúc đẩy chính sách này, cũng như sa thải Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong và Thứ trưởng Y tế Park Min-soo.
Bác sĩ chết vì kiệt sức ?
Tờ The Korea Herald đưa tin một bác sĩ nhãn khoa tại khoa cấp cứu của Bệnh viện Đại học quốc gia Pusan được cho là đã chết tại nhà riêng vào cuối tuần trước. Trước các đồn đoán cho rằng cái chết của vị bác sĩ là do làm việc quá sức, cảnh sát cho biết việc khám nghiệm tử thi sẽ được tiến hành để xác định chính xác nguyên nhân. Theo người thân, người này từng nhiều lần cho biết bản thân đuối sức sau khi phải làm việc vào ban đêm và phải thực hiện các ca phẫu thuật khẩn cấp.
Reuters dẫn báo cáo từ Hiệp hội Thực tập sinh Hàn Quốc cho biết các bác sĩ thực tập và nội trú nước này làm việc theo ca 36 giờ, nhiều hơn đáng kể so với mức 24 giờ ở Mỹ. Trong khi đó, các số liệu cũng cho thấy đội ngũ y tế ở quốc gia châu Á phải làm việc lên đến hơn 100 giờ mỗi tuần.
Bình luận (0)