Hàn Quốc đã công bố những hình ảnh đầu tiên của mảnh vỡ tên lửa trong vụ Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh, giúp phần nào phanh phui những bí ẩn của chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Phụ kiện của tên lửa Triều Tiên được Hàn Quốc trục vớt - Ảnh: AFP |
Theo Yonhap, vệ tinh Kwangmyongsong-4 của Bình Nhưỡng được phóng lên ngày 7.2 đã vào quỹ đạo và đi ngang bầu trời Hàn Quốc 4 lần/ngày, nhưng chưa rõ nó có phát tín hiệu và hoạt động bình thường hay không.
“Đường kính và độ dài tên lửa lần lượt là 2,4 m và 30 m, tương đương với tên lửa trước”, Yonhap dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 9.2, và tên lửa trước ở đây có nghĩa là dòng Unha-3 đã được Bình Nhưỡng phóng vào tháng 12.2012. Khi đó, không có phần tên lửa nào được trục vớt.
Seoul hiện tiến hành phân tích các mảnh vỡ thu được, và vị trí trục vớt cũng được triển khai tại nơi phần thứ nhất, thứ hai và phụ kiện của tên lửa Unha-3 từng rơi xuống.
Một tàu khu trục trang bị hệ thống phòng không Aegis của Hàn Quốc đã phát hiện tên lửa tách phần đầu tiên xuống Hoàng Hải sau khi rời bệ phóng đúng 2 phút, và phần phụ kiện rơi xuống vùng biển ở tây nam đảo Jeju khoảng 4 phút sau.
Sau khi nghiên cứu phi đạo của các mảnh vỡ, Seoul kết luận đây là tên lửa tầm xa, xuất phát từ bãi phóng Dongchang-ri ở tây bắc Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng xác nhận vệ tinh và phần thứ ba của tên lửa đang xoay trên quỹ đạo, với phần sau sẽ nhanh chóng mất độ cao và bị tiêu hủy khi rơi trở về mặt đất.
Hiện Triều Tiên vẫn chưa sở hữu công nghệ gọi là “tái nhập”, vốn là khâu cần thiết để mang tên lửa đạn đạo từ không gian quay lại tầng khí quyển, theo Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên.
Bình luận (0)