Những ngày cuối tháng tư nắng như đổ lửa, vậy mà ở xã Phú Khánh (H.Thạnh Phú, Bến Tre) không khí lại mát mẻ lạ thường nhờ hàng cây sao, cây dầu cao vút.
Hàng cây xanh cổ thụ vào xã Phú Khánh do ông Sáu Đấu khởi xướng trồng - Ảnh: An Lạc
|
Cương quyết trồng cây xanh
Người khởi xướng phong trào trồng cây xanh ở Phú Khánh là ông Nguyễn Văn Chơi (Sáu Đấu), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Khánh. Ông Đấu tham gia cách mạng từ năm 1960, là thương binh hạng 4/4 và từng 2 lần được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Phú Khánh trước năm 1975 và năm 1979. Ông Sáu Đấu kể năm 1980, ông bị bệnh viêm đại tràng mãn tính, phải lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị. “Suốt ngày ở bệnh viện quá bứt rứt nên chiều xuống, tôi hay đi lang thang trên các con phố để ngắm cảnh thư giãn… Tôi nhận thấy TP.HCM đất hẹp người đông, xe cộ ì xèo, nhà cửa san sát mà đi đâu cũng thấy cây xanh; trong khi ở nông thôn đất rộng bao la, đường làng thẳng tắp, tại sao không trồng cây để che mát. Thế là tôi âm thầm đi nhặt hạt cây sao, dầu cho vào túi ni lông chờ khi ra viện mang về trồng”, ông Sáu Đấu nhớ lại.
Sau khi xuất viện, ông Sáu Đấu trở về xã Phú Khánh và điều đầu tiên ông làm là tổ chức họp Đảng ủy xã để thống nhất chủ trương mở rộng đường trồng cây xanh. Lúc đầu, có ý kiến ủng hộ nhưng cũng còn nhiều ý kiến nghi ngờ nhưng ông Sáu Đấu đứng ra chịu trách nhiệm. Đến khi đó, tập thể mới thống nhất và quyết định vận động người dân mở rộng con đường vào trung tâm xã từ 3 m lên 6,5 m để trồng cây xanh.
Ông Đấu trực tiếp ươm 5.000 cây sao, dầu và dự kiến trồng 2.500 cây, số cây còn lại sẽ thay thế nếu bị chết. Kế hoạch là vậy nhưng khi bắt tay mở rộng con đường đã gặp sự phản đối gay gắt, vì bà con luyến tiếc hàng cây tạp đang trồng 2 bên đường. Thậm chí nhiều hộ làm đơn gửi lên huyện, tỉnh để kiện ông Sáu Đấu. Thế là tỉnh cử cán bộ xuống kiểm tra và thấy mục đích trồng cây là làm lợi cho xã hội, cho dân… nên vận động bà con ủng hộ chủ trương thay cây tạp bằng cây sao, dầu có giá trị cao.
Cộng đồng cùng hưởng lợi
Giải thích là vậy nhưng khi trồng xong, đêm đầu tiên hơn 300 cây giống bị nhổ bỏ. Sang đêm thứ 2 hơn 100 cây tiếp tục biến mất khiến ông Sáu Đấu xót xa. Ông đã yêu cầu công an và xã đội thay phiên nhau tuần tra trên đoạn đường dài gần 3 km. Tuy nhiên, số cây giống bị mất vẫn tiếp tục xảy ra. Không nản chí, ông Sáu Đấu tìm cách giữ hàng cây bằng việc họp dân. Ông đề nghị những cây trồng trước cửa nhà nào thì nhà đó phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo quản; ai làm tốt sẽ được thưởng. Đến lúc tỉa nhánh sẽ cho hộ dân được lấy làm củi, gọi là công chăm sóc. Ngược lại, nếu hộ nào vô ý để cây chết, bị mất phải đền. Mặt khác, khoảng cách giữa các cây sao, cây dầu được trồng bạch đàn, khi thu hoạch chia cho dân 30%. Nhiều hộ dân thấy có lợi nên đồng tình ủng hộ và không nhổ bỏ cây.
Ông Đấu tâm sự: “Bảo vệ được hàng cây là công sức của cả tập thể vì lúc đó chăm sóc cây chiếm đến 1/3 công việc hành chính ở địa phương. Sau giờ làm việc, anh em xắn tay áo đi tưới, bón phân cho cây. Ngoài ra, chúng tôi còn trồng 10.500 cây bạch đàn và dừa ở các tuyến đê, tuyến thủy lợi nội đồng. Sau hơn 10 năm, địa phương bán số cây bạch đàn lấy tiền xây dựng 2 trường học, cất cơ quan Đảng ủy xã 1 trệt 1 lầu khang trang, bắc 2 cây cầu bê tông và làm 15 căn nhà gỗ cho gia đình liệt sĩ”. Trận bão năm 2006 làm hơn 100 cây sao, dầu bị trốc gốc. Số cây này được chính quyền bán gỗ lấy tiền sửa chữa lại chợ.
Hiện nay, hàng cây “nghĩa tình” của ông Sáu Đấu đã gần 35 năm tuổi, đang che bóng mát cho con đường vào trung tâm xã. Bà Nguyễn Ngọc Linh, Phó chủ tịch UBND xã Phú Khánh, cho biết: “Xã rất tự hào về hàng cây cổ thụ mà ông Đấu trồng nên nỗ lực giữ gìn và phát triển. Cái khó hiện giờ là cán bộ xã không có chuyên môn để theo dõi quá trình phát triển của cây cũng như việc mé nhánh cây như thế nào cho phù hợp vào mùa mưa bão. Vì vậy, xã rất mong Công ty cây xanh Bến Tre, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh hỗ trợ việc chăm sóc và phân cấp quản lý để giữ hàng cây được tốt…”.
Bình luận (0)