Sau các sự cố cây xanh tét nhánh, gãy đổ trong mùa mưa bão ảnh hưởng đến người đi đường, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Công Phương - Giám đốc Công ty Cây xanh về các vấn đề chăm sóc, quản lý cây xanh đang được dư luận quan tâm.
Đốn cây là bị phản ứng!
Xin hỏi ông, hiện Công ty đang quản lý bao nhiêu cây cổ thụ trên địa bàn TP. Đặc điểm của những cây này là gì?
Hiện nay, Công ty đang thực hiện duy tu, chăm sóc bảo dưỡng gần 88.000 cây xanh đường phố và trong công viên. Trong đó có khoảng 6.800 cây xanh phân loại 3, tức là cây có đường kính tại vị trí chiều cao 1,3m so với mặt đất lớn hơn 50cm. Các cây này chủ yếu được trồng trên một số tuyến đường như: Trần Hưng Đạo, Ngô Gia Tự, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thị Minh Khai… Các cây đều là cây có kích thước lớn và được trồng lâu năm.
|
Chúng tôi thực hiện công tác tuần tra phát hiện hệ thống cây xanh bao gồm cả cây cổ thụ, cây loại 3 lâu năm nhằm phát hiện kịp thời các cây xanh có nguy cơ mất an toàn; cây bị chết khô; cây bị khiếm khuyết, hư hại như sam, mục, bọng,… các hành vì xâm hại đến hệ thống cây xanh đường phố và trong các công viên để đề xuất xử lý kịp thời.
Công ty thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh đường phố và trong các công viên đối với khối lượng đang thực hiện duy tu, chăm sóc bảo dưỡng để đề xuất Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thực hiện các công tác như; cắt thấp, đốn thay thế các cây chết khô, sâu bệnh.
|
Bằng các kinh nghiệm chuyên môn, chúng tôi có thể phát hiện cây bị sam, mục, bọng, nghiêng… Từ đó công ty làm đề xuất để Trung tâm cấp phép rồi mới xử lý.
‘Bắt bệnh’ bằng mắt thường đủ thuyết phục?
Xin hỏi ông hiện trạng của các cây lâu năm, cây cổ thụ trồng ở đường phố TP.HCM hiện nay thế nào?
TP.HCM có nhiều hàng cây cổ thụ đã được trồng cách đây 50 năm hoặc hơn. Khi trồng, người ta đã tính toán đặc điểm sinh trưởng, phát triển cây cần thổ nhưỡng, điều kiện thế nào.
Nhưng nay do quá trình đô thị hóa, xây dựng nhiều nhà cao tầng, ngầm hóa lưới điện, cấp thoát nước, làm vỉa hè ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của hệ rễ cây ở bên dưới, rễ cây có thể bị xén rễ trong quá trình thi công. Đặc điểm chung là khi bị xâm hại rễ, cây không chết liền mà từ từ vài ba năm sau mới có biểu hiện hoặc gãy đổ khi gặp mưa bão.
|
Ngoài ra, việc xây dựng nhiều nhà cao tầng đã tạo ra những luồng gió lốc cục bộ, tác động rất lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển cũng như sức chống chịu của hệ thống cây xanh.
Ông có thể ví dụ cụ thể các trường hợp cây xanh được đề xuất đốn hạ thời gian gần đây?
Qua công tác tuần tra, kiểm tra và chăm sóc cây xanh, công ty đã đề xuất biện pháp xử lý đốn hạ với một số cây xanh. Ví dụ như cây dầu được đánh mã số T18, thuốc cây phân loại 3 ở đường Ngô Gia Tự (Q.5). Biểu hiện sinh trưởng của cây này bình thường nhưng bị sam, mục phần thân và gốc. Sau khi đốn hạ công ty đề xuất trồng lại cây dầu con rái tại vị trí cũ.
Cây này tại thời điểm kiểm tra có chu vi ngang ngực là 285cm, kích thước vết sam mục là 1mx0.3m và 1mx0.1m.
|
Hoặc như cây sọ khỉ mã số 2170, là cây phân loại 3 được trồng trong công viên Gia Định, khu C (Q.Gò Vấp). Cây có biểu hiện sinh trưởng bình thường nhưng thân cong nghiêng nên được đề xuất đốn hạ. Tuy nhiên, không đề xuất trồng lại cây mới vì khu vực này có mật độ cây xanh hiện hữu khá dày.
Xin hỏi ông, đội ngũ đánh giá, kiểm tra cây xanh của công ty được tập huấn thế nào để có thể đánh giá được “sức khỏe” của cây xanh?
Công ty có đội ngũ tuần tra viên, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra các cây loại 3 nhằm phát hiện hư hại, khiếm khuyết của cây. Công tác kiểm tra, khảo sát được thực hiện chủ yếu bằng trực quan, áp dụng các kiến thức về sinh lý, sinh thái của cây và bằng kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm trong sóc cây xanh.
Cứ đến mùa mưa là lại có một vài sự cố liên quan đến cây xanh tét nhánh hoặc gãy đổ, ông có đề xuất gì để đảm bảo an toàn thời gian tới?
|
Trước mùa mưa bão, công ty tăng cường đi cắt nhánh nặng tàn, cây sam mục đề xuất xử lý nhưng thiên tai dông lốc đến bất ngờ cũng khó lòng tránh khỏi các sự cố. Khi có chuyện xảy ra, chúng tôi đều hỗ trợ hết sức trong khả năng của mình. Chúng tôi có hỏi và vài công ty bảo hiểm về vấn đề bảo hiểm cây xanh nhưng không đơn vị nào bán.
Công ty đề xuất cấp thẩm quyền chuyên môn mời các chuyên gia về cây xanh để có đánh giá cây cần bảo tồn hay đốn hạ, trồng thay thế. Và khi thay thế thì phải thay thế dần dần các cây cổ thụ chứ không thể làm đồng loạt. Các buổi hội thảo được tổ chức nhưng chưa ai quy định được tuổi thành thục của cây bao nhiêu.
Tôi nghĩ cần có đề tài khoa học dẫn nhập giống cây, các loại cây mới trồng phù hợp điều kiện hiện nay, khả năng hấp thụ CO2 thế nào, điều kiện sinh trưởng, thổ nhưỡng ra sao,… Sau đó phải bắt tay vào làm luôn vì cây vừa trồng thì không thể sau vài tháng cho ngay bóng mát được.
Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định về tuổi thành thục của cây xanh trong đô thị nên công ty kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền phối hợp với cơ quan chuyên môn sớm xây dựng, ban hành tuổi thành thục của từng chủng loại cây trong đô thị.
Xin cảm ơn ông!
Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM (gọi tắt là Công ty Cây xanh) là một trong những đơn vị thực hiện duy tu chăm sóc cây xanh đường phố và trong các công viên, mảng xanh trên địa bàn các Q.1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, Tân bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, H.Bình Chánh, Nhà Bè theo hình thức đầu thầu, chủ đầu tư là Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. Trên địa bàn TP còn nhiều đơn vị duy tu chăm sóc cây xanh như: Công ty Dịch vụ Công ích các quận, các công ty tư nhân…
|
Bình luận (0)