Hàng không bán tết cũng đua tăng giá

08/01/2020 06:31 GMT+7

Theo khảo sát của phóng viên, kể từ đầu tháng chạp âm lịch đến nay, giá một số thực phẩm tại các chợ ở TP.HCM hay Hà Nội đã tăng giá.

Không kể thịt heo đã tăng giá mạnh tháng qua thì mới đây thịt bò các loại đã tăng thêm khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg như bò phi lê từ 290.000 đồng lên 320.000 đồng/kg, thăn bò từ 250.000 đồng lên 260.000 đồng/kg, đùi bò lên 250.000 đồng/kg hay thịt bò phi lê Úc cũng tăng lên gần 400.000 đồng/kg...
Không chỉ vậy, một số nhà hàng, quán ăn từ tháng 12.2019 đến nay cũng lần lượt tăng giá. Nhiều món ăn dù không liên quan đến thịt heo nhưng cũng thông báo tăng giá vì giá thịt heo tăng. Chẳng hạn một quán phở trên đường Lâm Văn Bền (Q.7, TP.HCM) từ khi bước sang năm mới 2020 đã thông báo tăng giá bán ra từ 40.000 đồng lên 45.000 đồng/tô dù là chuyên bán phở bò và phở gà. Thậm chí theo chị Khanh, bánh sừng bò (croissant) chị hay mua tại một cửa hàng nhỏ gần nhà tại Q.4 cũng đã tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng và vừa tăng lên 12.000 đồng/cái trong sáng hôm qua (7.1). Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng qua chiếc bánh này đã tăng giá đến 50%. Hay một quán bún bò trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11, TP.HCM) treo bảng “Do thịt heo tăng giá mạnh nên quán tăng giá bán lên 32.000 đồng/tô” trong khi giá bán trước đó là 28.000 đồng/tô.
Tại thị trường Hà Nội, nhiều loại hàng hóa đã tăng giá trong vòng 2 tháng qua. Một ổ bánh mì tăng thêm 5.000 đồng hay các loại bánh giò, chả giò cũng tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/cái. “Bà bán nước chè tươi ở vỉa hè tưởng chừng không liên quan gì đến giá thịt heo nhưng cũng phải tăng giá. Có lẽ vì bà và gia đình cũng phải mua thịt heo, thịt bò để ăn và các loại này đã tăng giá nên bà cũng phải tăng giá chén chè tươi để bù vào khoản chi phí này. Trong việc tăng giá thì hiệu ứng dây chuyền là rõ nhất. Hơn nữa, tăng giá tâm lý đang lan rộng cũng cực kỳ nguy hiểm. Chỉ có thể giải quyết bài toán tăng giá này bằng cách tổ chức phân phối để giảm bớt khâu trung gian, tìm cách đưa sản phẩm từ trang trại đến tay người tiêu dùng nhanh nhất thì mới giảm được việc tăng giá phi lý và quá mức”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong phân tích giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ được quyết định theo cung - cầu. Sản phẩm nào khi nhu cầu tăng cao thì khả năng tăng giá là rất lớn, đặc biệt trong dịp Tết âm lịch. Hơn nữa, nguồn cung thịt heo trong nước đang thiếu hụt sau cơn dịch bệnh kéo dài vừa qua nên khả năng giảm giá trong ngắn hạn của thịt heo không nhiều. Còn đối với việc các sản phẩm khác “ăn theo” giá thịt heo thì phải có sự kiểm soát, tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước.
Riêng người tiêu dùng cũng nên thể hiện được quyền lực của mình, nếu nơi nào tăng giá quá bất thường thì không chấp nhận mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ. Đồng thời nhà nước phải kiểm soát và theo dõi các doanh nghiệp đầu ngành để kịp thời có giải pháp điều tiết cung - cầu hợp lý, chống sốt giá hàng hóa. Chẳng hạn nếu dự báo Tết âm lịch này thiếu thịt heo nhiều thì đẩy mạnh nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Bên cạnh đó vẫn tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp tết...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.