Hàng không, tàu xe tăng tốc

24/04/2020 06:22 GMT+7

Sau thời gian “đóng băng” vì giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid -19, ngành giao thông - mạch máu của nền kinh tế - đã bắt đầu chuyển động trở lại.

Nới lỏng tàu xe, mở lại bầu trời

Ngay sau khi Thủ tướng có quyết định tạm dừng lệnh cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tối 22.4, Bộ GTVT là cơ quan đầu tiên gửi công văn hỏa tốc cho lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, các cục Hàng không, Hàng hải, Đường sắt, Đường thủy nội địa, Sở GTVT địa phương về phương án vận tải hành khách từ 23.4.
Theo đó, thay vì chỉ có 6 - 7 chuyến bay 1 ngày trong thời gian giãn cách xã hội đợt 2 (từ 16 - 22.4), chặng “hot” nhất Hà Nội - TP.HCM sẽ được khai thác với tổng tần suất 20 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay Hà Nội/TP.HCM - Đà Nẵng khai thác tăng lên tối đa 6 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. Đường bay Hà Nội/TP.HCM đi các địa phương khác, mỗi hãng được khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay; đường bay TP.HCM - Côn Đảo và ngược lại khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày. Mạng lưới các chặng nội địa khác có điểm đi/đến không phải Hà Nội/TP.HCM cũng đã được nối lại, mỗi hãng được phép khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày.
Ngay lập tức, sáng 23.4, cả 4 hãng hàng không thương mại của Việt Nam đã nhanh chóng phát đi thông tin lịch bay cụ thể. Trong đó, Hãng hàng không Vietjet còn “tung” khuyến mãi giá rẻ để kích cầu, thu hút hành khách bay trở lại.
Sau hàng không, ngành đường sắt cũng rậm rịch tăng chuyến. Cụ thể, chính thức chạy thêm một đôi tàu khách Thống Nhất SE1/SE2 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, nâng tổng số lên 3 đôi/ngày gồm: SE3/4, SE5/6 và SE1/2. Đối với tàu địa phương, trước mắt, tổ chức chạy lại tàu NA1/2 (tuyến Hà Nội - Vinh) và LP5/6 (tuyến Hà Nội - Hải Phòng). Đặc biệt, hành khách mua vé tàu tuyến Hà Nội - Vinh sẽ được giảm giá 10 - 30%. Các tuyến: Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Đà Nẵng, Hà Nội - Đồng Hới, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Yên Bái, Hà Nội - Lào Cai... cũng được “hứa hẹn” chạy lại tàu trong những ngày tới, căn cứ vào nhu cầu đi lại của hành khách. Trước đó, trong thời gian giãn cách xã hội, Tổng công ty đường sắt Việt Nam dừng toàn bộ tàu khách địa phương, chỉ duy trì chạy 2 đôi tàu khách Thống Nhất.
Từng địa phương cũng đã lên phương án mở lại các phương tiện vận chuyển hành khách phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Thủ đô Hà Nội cho phép xe buýt toàn mạng lưới được hoạt động trở lại với tần suất hoạt động giới hạn trong khoảng 20 - 30%, các loại hình vận tải khác như taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ cũng được khôi phục với tần suất hạn chế. Dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, be cũng được quay lại hoạt động tại tất cả tỉnh, thành.
Tại TP.HCM xe taxi, xe công nghệ đã được cho phép hoạt động bình thường. Xe khách, xe khách liên tỉnh chỉ hoạt động tối đa 30 - 50% theo biểu đồ nhóm nguy cơ của từng tỉnh. Các bến phà hoạt động bình thường, riêng xe buýt tiếp tục ngưng hoạt động đến 3.5 tới.

Mở đường hồi phục kinh tế

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, khẳng định hoạt động hàng không nội địa Việt Nam được khai thác gần như không hạn chế từ ngày 23.4 là sự kiện kinh tế lớn.
Trong bối cảnh gần như toàn bộ đội bay thương mại trên thế giới “đắp chiếu”, ngành vận tải hàng không toàn cầu tiếp tục đóng băng, các máy bay thương mại Việt Nam cất cánh với số lượng lớn là sự kiện rất đáng tự hào, chứng minh cách chống dịch của Việt Nam trong suốt thời gian qua là rất tốt. Đặt mục tiêu an toàn của người dân lên trên hết cũng chính là phương án hiệu quả nhất để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, cho các hoạt động kinh tế sớm quay trở lại.
Theo ông Nam, hệ thống kinh tế muốn hoạt động, khôi phục trở lại thì con người phải đi lại, hàng hóa phải dịch chuyển. “Nói cách khác, hàng không nói riêng cũng như ngành giao thông nói chung là điều kiện cần để phục hồi tất cả hoạt động kinh tế khác. Giao thông vận động nghĩa là kinh tế, xã hội đã bắt đầu chuyển mình trở lại”, vị này nói.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nhận định: “Khi dịch bệnh tới, hàng không là ngành chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất. Khi dịch bệnh đi qua, hàng không, giao thông phải quay trở lại trước nhất. Đây là nhu cầu thiết yếu và tiên quyết”.
Tuy nhiên, CEO Vietnam Airlines cũng lo ngại thị trường hàng không sẽ không thể sớm phục hồi bởi Covid-19 đã thay đổi rất mạnh mẽ thói quen của người tiêu dùng và để khôi phục lại rất khó. Sau một thời gian dài bị cản trở đi lại, nhiều người sẽ có tâm lý “bật ra”, ồ ạt di chuyển trở lại, song, hiện tượng này sẽ chỉ xảy ra ở một giai đoạn ngắn lúc đầu.
Khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa hết hẳn, chưa tìm ra vắc xin chữa bệnh thì người dân sẽ còn tâm lý e dè, di chuyển chỉ phục vụ nhu cầu thiết yếu. Giai đoạn này có thể kéo dài tới hết 2021.
“Chưa kể trước khi dịch bệnh bùng phát là thời điểm bùng nổ hàng không giá rẻ. Đối tượng khách nhạy cảm về giá cũng chính là lực lượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh, bị mất việc, mất thu nhập. Cùng với đó, các tổ chức, doanh nghiệp cũng sẽ cắt giảm chi phí đi lại, giảm bớt liên hoan, hội họp. Ngành hàng không nói riêng cũng như kinh tế nói chung, ở cả Việt Nam cũng như thế giới chắc chắn cần thời gian tương đối dài để có thể hồi phục trở lại”, ông Thành dự báo
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.