Nhiều ông chủ lớn bị mạo danh
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa phát đi thông báo về việc nhiều cá nhân, tổ chức mạo danh đơn vị này để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng các thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án. Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát bị các đối tượng làm giả hồ sơ, chữ ký và con dấu cùng hình ảnh thương hiệu của tập đoàn để tạo ra các trang web như http://hoaphat.cc/mobile/index.html; https://hptrading.site/ với những lời kêu gọi đầu tư đầy hấp dẫn. Đơn cử, các đối tượng đưa ra dự án phát triển sản xuất thép nội địa quy mô 253 tỉ đồng (đã đạt tiến độ tới 48%), chỉ cần đầu tư mức tối thiểu 2 triệu đồng, sau 15 phút sẽ được hưởng ngay mức lợi nhuận 1,32%.
Trên các website này, người dùng còn có thể tìm thấy các văn bản được đóng dấu mộc đỏ và có cả chữ ký của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long. Không chỉ giả mạo thông tin doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư, hàng loạt trang fanpage trên mạng xã hội đang đăng tải rất nhiều thông tin tuyển dụng của Hòa Phát mà mục đích đều dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các nhóm để làm nhiệm vụ chơi game hoặc nạp tiền để hưởng hoa hồng.
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát đã phải lên tiếng cảnh báo: "Thời gian gần đây, Hòa Phát thường xuyên bị các đối tượng xấu mạo danh, lợi dụng thương hiệu, sử dụng thông tin, hình ảnh trái phép để lừa đảo, trục lợi. Riêng trong hoạt động tuyển dụng, các đối tượng xấu đã mạo danh Hòa Phát lập các fanpage đăng tuyển việc làm, yêu cầu ứng viên tham gia vào nhiều hội nhóm trên nền tảng Telegram/Workchat để thực hiện phỏng vấn, dàn dựng buổi kiểm tra online chuyên nghiệp khiến ứng viên mất cảnh giác… Sau đó, yêu cầu ứng viên tải thêm nhiều ứng dụng khác, tạo tài khoản trên các trang web xổ số, các trang thương mại điện tử… để thực hiện chuyển tiền trực tuyến vào tài khoản của các tổ chức, cá nhân mạo danh. Vì vậy, Công ty khuyến nghị đến mọi người nên hết sức lưu ý, cảnh giác, tìm hiểu kỹ tất cả các thông tin trước khi ứng tuyển tại các website, fanpage chính thống".
Tương tự, Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng bị một số đối tượng cá nhân, tổ chức giả mạo, lập website na ná giống hệ sinh thái Vingroup để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng nhiều thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án. Theo thống kê của Vingroup, có hơn 17 website mạo danh tập đoàn này, trong đó có những trang web có tên gần giống dễ gây nhầm lẫn như vingroup.ink, vingroupventures.top, vingroupventures.site, vingroupventures.vip, vingroupglobal.com, vingroupvnn.com, vingroupp.net…
Quá quắt hơn, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, còn bị kẻ xấu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ghép mặt vào video clip "nóng" để tống tiền và đe dọa tung lên mạng nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp này.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang fanpage giả mạo thương hiệu của hệ thống Anh ngữ quốc tế Ocean Edu khiến doanh nghiệp này phải lên tiếng cầu cứu và cảnh báo. Cụ thể, các trang fanpage này sử dụng logo, tên gọi các cuộc thi và hình ảnh của Ocean Edu để truyền thông và kêu gọi phụ huynh, học sinh đăng ký tham gia qua các trang/form giả mạo được lập ra với mục đích lừa đảo, thu phí, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Ocean Edu.
Trước đó, nhiều lãnh đạo UBND địa phương, hàng loạt doanh nhân nổi tiếng cũng bị mạo danh để lừa đảo bằng nhiều hình thức khác nhau. Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn sử dụng cả hình ảnh, âm thanh giọng nói của cán bộ cao cấp, lãnh đạo ngành tòa án, công an, viện kiểm sát để vay mượn tiền hoặc huy động vốn.
Cần biện pháp mạnh tay hơn
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn an ninh mạng Athena, chia sẻ: "Những doanh nhân nổi tiếng, doanh nhân thành đạt có một mức độ uy tín nhất định, có thể dễ dàng tạo dựng niềm tin và thu hút sự chú ý, vì vậy thường xuyên bị mạo danh thông qua các kênh mạng xã hội. Bên cạnh việc mạo danh lừa đảo, các đối tượng này còn có thể chờ đợi thời cơ tung ra các tin xấu, tin đồn thất thiệt để trục lợi trên thị trường chứng khoán. Không chỉ ở VN mà các nước khác cũng bị tình trạng tương tự, nhưng bộ phận an ninh mạng ở các nước phát triển ngăn chặn và cảnh báo hiệu quả hơn. Trong khi đó ở VN, tình trạng mạo danh doanh nghiệp, tổ chức để lừa đảo diễn ra rất nhiều, nhưng việc xử lý còn quá nhẹ và chưa kịp thời, nên vẫn còn nhiều người bị lừa".
Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo: "Người dùng internet cần cẩn trọng trước các thông tin kêu gọi đầu tư, thông tin tuyển dụng, lời mời hấp dẫn của các cuộc thi trên mạng xã hội. Cần xác minh tính xác thực của bất kỳ trang web hoặc email nào bằng cách kiểm tra địa chỉ URL, liên hệ trực tiếp với thương hiệu hoặc tổ chức qua các kênh chính thức, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức. Ngoài ra, người dùng cũng nên đảm bảo rằng máy tính hoặc thiết bị của mình được bảo vệ bằng phần mềm chống vi rút và phần mềm bảo mật khác".
Theo lãnh đạo Công an TP.HCM, mặc dù bùng phát tình trạng lừa đảo qua mạng nhưng tỉ lệ phá án tội phạm này chưa cao vì quá trình tương tác với các đối tượng bị lôi kéo, dẫn dụ thì bản thân người dân không biết mình bị lừa, không biết rõ đối tượng là ai, đến khi tài sản bị chiếm đoạt rồi mới trình báo công an. Hiện nay đã có một số ứng dụng sử dụng công nghệ AI để cảnh báo, phòng chống lừa đảo, người dân cần chủ động cảnh giác, nâng cao kiến thức nhận diện hành vi lừa đảo để tự bảo vệ mình.
Lợi dụng việc sắp tắt sóng 2G để bán điện thoại dỏm
Theo Cục An toàn thông tin, lợi dụng chính sách ngừng phát sóng 2G và nhu cầu đổi điện thoại từ 2G sang 4G của một bộ phận người dân (đa số là người cao tuổi có nhu cầu sử dụng máy phím bấm 4G), một số đối tượng đã lừa đảo người dân mua máy 2G nhưng "đội lốt" 4G với giá 400.000 - 500.0000 đồng/máy.
Cụ thể, kẻ xấu sử dụng mạng xã hội hoặc thông qua bán trực tiếp để tiếp cận, lừa đảo bán điện thoại giả 4G cho người dùng. Tại đây, đối tượng đăng tải những bài đăng với nội dung rao bán điện thoại di động 4G giá rẻ. Không chỉ vậy, một số kẻ xấu còn rao bán những loại smartphone 3G đã qua sửa chữa với lời rao "3G hay 4G đều xài thoải mái" với giá chưa đến 1 triệu đồng. Sau khi bán sản phẩm, những kẻ xấu này sẽ xóa tài khoản bán hàng hoặc chặn tài khoản của người mua trên mạng xã hội. Không ít người dùng ham rẻ, thiếu kiến thức đã đặt mua điện thoại của những kẻ lừa đảo; đến khi nhận máy, lắp SIM mới phát hiện mua nhầm điện thoại 2G. Hay smartphone 3G cũng nằm trong diện không sử dụng được khi chuyển lên sóng 4G sắp tới.
Do người tiêu dùng khó phân biệt được điện thoại 2G và điện thoại giả mạo 4G, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên lựa chọn các địa chỉ mua hàng uy tín, không mua những mặt hàng trôi nổi trên mạng. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Bình luận (0)