Hàng loạt kiến nghị về lương, chính sách cho nhà giáo

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
16/08/2023 06:07 GMT+7

Dù biết Bộ GD-ĐT không quyết được chuyện tiền lương, phụ cấp cho nhà giáo nhưng tại buổi gặp gỡ trực tuyến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với giáo viên sáng 15.8, nhiều ý kiến chia sẻ nỗi khó khăn khi đồng lương không đủ sống và mong Bộ trưởng kiến nghị giải pháp.

Lương không đủ sống, giáo viên không yên tâm với nghề

Báo cáo tổng hợp ý kiến của giáo viên (GV), cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở giáo dục trước sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" sáng qua 15.8, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn giáo dục VN, cho biết có gần 2.000 ý kiến liên quan đến chế độ tiền lương, phụ cấp của nhà giáo. Theo ông Ân, mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng GV bỏ nghề và có thể còn bỏ nghề trong thời gian tới.

Hàng loạt kiến nghị về lương, chính sách cho nhà giáo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trong buổi gặp gỡ trực tuyến với giáo viên vào sáng qua 15.8

MẠNH NGUYỄN

Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, Trường Mầm non xã Thanh Nưa (Điện Biên), nói: "Theo quy định thời gian làm việc của GV mầm non là 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế chúng tôi thường làm việc ở trường từ 10 - 11 giờ/ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn nên chúng tôi không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. còn về công việc thì do thiếu GV nên có những lớp, một cô giáo đang phải một mình nuôi dạy hơn 30 trẻ. Không thể kể hết những nhọc nhằn của GV mầm non ra đây nhưng tin chắc rằng, nếu ai đó chỉ cần có một ngày trải nghiệm làm GV mầm non tại vùng sâu, vùng xa thì chắc chắn sẽ có sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những vất vả. Tuy chế độ tiền lương của GV mầm non đã được quan tâm nhưng vẫn còn ở mức thấp (như đối với GV mới ra trường chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/tháng), chưa tương xứng với thời gian và công sức mà chúng tôi đang làm, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống".

Cô giáo Dương Thị Thanh Hồng, Trường Mầm non 1 (Hà Tĩnh), nêu thực tế hiện nay đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác hành chính trong các cơ sở giáo dục mức lương được hưởng còn thấp. Bởi ngoài lương thì đối tượng này không được hưởng chế độ ưu đãi, chế độ thâm niên và cũng không có thu nhập gì ngoài lương, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều nhà giáo mong muốn được giữ nguyên tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi), nhất là GV mầm non. Đề nghị Bộ tham mưu Chính phủ có chính sách này hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo được nghỉ hưu nhưng không bị thiệt so với chính sách chung.

Hàng loạt kiến nghị về lương, chính sách cho nhà giáo - Ảnh 2.

Dù có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên nhưng mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra

NHẬT THỊNH

Về vấn đề bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với GV mầm non, cô Hồng cũng cho rằng: Theo quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của GV mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của GV tiểu học hạng 3. "Bản thân tôi là một ví dụ, hiện lương tôi là bậc 5 nhưng hệ số lương của tôi là 3,65; còn lương bậc 5 của GV tiểu học hạng 2 lại có hệ số là 5,36. Như vậy, bậc lương giữa 2 cấp học quá chênh lệch. Trong khi mỗi bậc học đều có những vai trò, khó khăn riêng. Chúng tôi cũng được đào tạo cơ bản, trình độ CĐ, ĐH. Công việc đặc thù riêng, vất vả, ngoài giờ; luôn phải đối mặt với rủi ro về đảm bảo an toàn cho các cháu. Kính mong Bộ trưởng quan tâm về việc xếp hạng cũng như chính sách tiền lương GV mầm non được xếp tương quan với GV các cấp học khác", cô Hồng phát biểu.

Bà Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện Trường THCS Thị trấn Trần Văn Thời (Cà Mau), cho biết với nhân viên trong trường học hiện tại chỉ có lương chính, không có phụ cấp hoặc có chăng cũng rất thấp, không được hưởng phụ cấp thâm niên nên hầu hết chưa đảm bảo được cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Giáo viên mầm non than lương thấp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói gì?

Ông Nguyễn Bá Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (H.Đắk Glong, Đắk Nông), nêu thực tế chương trình giáo dục phổ thông mới quy định cấp tiểu học phải học 2 buổi/ngày trong khi định mức GV không thay đổi, phụ cấp không thay đổi. Do vậy, thầy Dũng đề xuất đối với cấp tiểu học, cơ sở thực hiện dạy học 2 buổi/ngày bố trí định mức GV là 1,7 GV/lớp để đảm bảo đủ số người làm việc. Bên cạnh đó, có chế độ tiền lương phù hợp đối với nhân viên thư viện, văn thư, y tế trường học. Hiện nay, lương thấp, nhân viên thiếu, nên học sinh cũng không đăng ký ngành học để tuyển dụng. Vì vậy, mong Bộ trưởng quan tâm, phối hợp các bộ ngành đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ này yên tâm công tác.

Dự kiến tăng phụ cấp giáo viên mầm non, tiểu học

Chia sẻ với vấn đề lương, phụ cấp của GV, Bộ trưởng nhấn mạnh, Nghị quyết 29 của T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có nêu tiền lương GV phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. "Mong muốn của chúng ta là vậy, nhưng con đường để hiện thực hóa còn nhiều việc phải làm và cần thuyết phục các bộ, ngành và cơ quan hữu quan. Trách nhiệm của chúng ta là thuyết phục và rất cần sự đóng góp của xã hội", Bộ trưởng nói.

Hàng loạt kiến nghị về lương, chính sách cho nhà giáo - Ảnh 3.

Giáo viên tham dự cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sáng qua

MẠNH NGUYỄN

Về đời sống GV mầm non "lãnh đạo Bộ GD-ĐT thấu hiểu điều này", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ và cho biết, thời gian qua Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đến GV mầm non. Theo đó, ngoài lương, GV mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với GV vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của GV mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.

Theo Bộ trưởng Sơn, lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong nhiều diễn đàn, nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành đã có ý bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non, tiểu học. Bước đầu, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non lên 10%, GV tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho GV mầm non, tiểu học.]

Ông Sơn cũng cho biết mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho GV các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học; sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác. Ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý.

Liên quan độ tuổi nghỉ hưu của GV mầm non, ông Sơn cho biết Chính phủ đang điều chỉnh luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý luật này, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa GV mầm non và đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Tại Diễn đàn người lao động năm 2023, việc này tiếp tục được Bộ GD-ĐT nêu kiến nghị.

Về ý kiến liên quan đến phụ cấp nhân viên trường học, người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng chia sẻ "đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp", dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn. Do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai. Nếu thời gian tới sắp xếp lương theo chuẩn trình độ đào tạo theo luật Giáo dục 2019, có thể là dịp điều chỉnh cho các đối tượng này.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT khẳng định: "Chắc chắn trong thời gian tới Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách. Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho GV, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo".

Bộ sẽ quyết định sớm việc điều chỉnh môn tích hợp

Trước nhiều ý kiến của nhà giáo nêu khó khăn, bất cập về dạy học một số môn học tích hợp ở THCS, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: "Đây là điểm mới nhưng cũng là điểm khó, điểm vướng, điểm nghẽn" trong việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thời gian qua, đồng thời thông tin: căn cứ vào thực tế, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thời gian ngắn sắp tới sẽ quyết định xem xét điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS. Có thể vẫn kiên trì ở tiểu học nhưng với THCS sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao sẽ đưa ra điều chỉnh đối với môn tích hợp. Dù điều chỉnh thế nào cũng cố gắng để không gây xáo trộn đội ngũ hiện nay, nhất là đội ngũ đã được đào tạo, bồi dưỡng; việc thay đổi chỉ tốt hơn, hiệu quả hơn cho việc đổi mới. Nếu có đó sẽ là điều chỉnh lớn nhưng phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.