Hàng loạt mã tăng trần, nhà đầu tư hưng phấn

Anh Vũ
Anh Vũ
06/04/2020 16:08 GMT+7

Vn-Index tăng gần 5% trong một phiên giao dịch thăng hoa. Hàng loạt mã tăng trần , nhà đầu tư vỡ oà cảm xúc, đua nhau chụp ảnh bảng điện tử ngập tràn "sắc tím hoa sim" làm kỷ niệm.

Buổi sáng thứ 2 không có ca nhiễm Covid-19, cùng với chứng khoán toàn cầu hồi phục là nguyên nhân chính khiến Vn-Index bùng nổ trong phiên giao dịch ngày 6.4.
Ngay từ khi mở cửa, phái sinh đã tăng trần. Hiệu ứng tâm lý trên thị trường cơ sở cũng đầy tích cực. Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường với tổng khối lượng giao dịch phiên này lên tới hơn 4.600 tỉ đồng. Bất chấp việc khối ngoại bán ròng gần 700 tỉ đồng, khối nội vẫn ra sức “hốt hàng”, khi Vn-Index mất gần 30% trong quý 1, nhiều mã trong rổ VN30 đang có mức giá khá thấp.
Đầu tàu phiên giao dịch này vẫn là nhóm các cổ phiếu có vốn hoá lớn trong rổ VN30. Đáng chú ý là dầu khí, với đà hồi phục mạnh mẽ từ giá dầu thế giới, PVD, PVS mở cửa đóng ngay giá trần. GAS có dao động đôi chút trong sắc xanh, nhưng cũng đã hoàn thành việc tăng kịch biên độ vào cuối phiên.
Phía sau, nhóm ngân hàng sau phiên sáng co kéo đến cuối giờ chiều, phiên đóng cửa ATC cũng đã chìm trong sắc tím. Nhà đầu tư vỡ oà cảm xúc. “Ai còn hàng không, em xin cân hết”; “Tím rịm hoa sim rồi ông giáo ạ”; “Chứng khoán như chưa hề có chị Cô Vy”… là những ngôn từ hết sức mỹ miều, lạc quan mà nhà đầu tư đua nhau giật “tút” trên các diễn đàn chứng khoán.
Cuối phiên, một loạt mã tăng trần, bảng điện tử ngập trong sắc tím, nhiều nhà đầu tư tranh thủ chụp hình lưu lại khoảnh khắc. “Phải để lại cho hậu thế biết, chúng ta đã vượt qua tâm bão Covid-19 phiên này dư nào”, anh T.M.Đ, một nhà đầu tư vừa “vào hàng” tuần trước, phấn khởi chia sẻ.

Bảng điện ngập tràn sắc tím khi cổ phiếu đua nhau tăng trần

Ảnh chụp màn hình

Phiên hôm nay ghi nhận chỉ số VN-Index tăng 4,98%, tương đương 34,95 điểm, lên mức 736,75 điểm. Toàn sàn có tới 330 cổ phiếu tăng giá và chỉ 59 cổ phiếu giảm. Trong đó, có hàng chục mã tăng trần từ ngân hàng BID, VPB, MBB, CTG đến dệt may (TCM, TNG); họ VinGroup có VHM và VRE, VIC. Đặc biệt, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (mã HVN) dù ngập trong khó khăn, cắt giảm 10.000 nhân viên nhưng vẫn có phiên tăng kịch trần. Phiên này, hơi buồn cho VietJetAir (VJC) khi đóng cửa đứng im ở tham chiếu.
Tăng một phiên, rõ ràng chưa nói lên được điều gì, nhưng “mưa đến đâu mát mặt đến đó”. Nhiều nhà đầu cơ chấp nhận khẩu vị rủi ro cao đã có mức lợi nhuận tương đối khá. Với nhịp hồi từ mức 650 điểm, nhiều mã đã cho lợi suất khoảng 10 - 15%.
Tuy nhiên, theo cảnh báo, phiên tăng điểm hôm nay chủ yếu mang nhiều yếu tố kỹ thuật. Một tín hiệu kém lạc quan là khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong những phiên gần đây, lên tới gần 700 tỉ đồng. Rủi ro vẫn còn tiềm ẩn.
Thêm vào đó, chiều 6.4, Hà Nội vừa tiếp tục công bố thêm ca dương tính virus SARS-CoV-2 liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, cho thấy tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp. Số liệu mới nhất Bộ KH-ĐT công bố chiều nay cho thấy, có tới gần 35.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể và dự báo sẽ có hàng triệu lao động mất việc thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.