TP.HCM phải là "thiên đường mua sắm"
Trong văn bản vừa gửi UBND TP.HCM, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của tỉ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết công ty đã làm việc với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) để trao đổi về đề xuất hợp tác kinh doanh tại tòa nhà Parkson Saigon Tourist Plaza (35bis-45 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1).
Theo đó, Tập đoàn IPPG mong muốn được tiếp nhận toàn bộ mặt bằng tòa nhà để hai bên phối hợp lên kế hoạch đầu tư, nâng cấp, trang thiết bị, thiết kế chi tiết. Ngoài phần mặt bằng Parkson đã khai thác, phía IPPG đề xuất được khai thác thêm các mặt bằng tại tầng trệt, đặc biệt là mặt bằng góc đường Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi, để làm cửa hàng miễn thuế dưới phố, biến khu vực trung tâm TP.HCM trở nên sầm uất hơn nữa và nâng tầm tòa nhà Saigon Tourist Plaza, đảm bảo lợi ích kinh tế cho cả đôi bên.
Ý tưởng của IPPG là xây dựng Parkson Saigon Tourist Plaza thành trung tâm thương mại mua sắm kết hợp với các dịch vụ ăn uống, giải trí tích hợp (all-in-one destination) sang trọng, đẳng cấp quốc tế. Về cơ bản, các bên đều thể hiện thiện chí và IPPG đang chờ Saigontourist cung cấp thêm thông tin về pháp lý, quy hoạch hiện trạng, thỏa thuận với các thương hiệu, khách thuê hiện hữu tại tòa nhà.
Ngay sau khi nhận được thông tin và tài liệu do Saigontourist cung cấp, IPPG sẽ nhanh chóng hoàn tất đề xuất phương án hợp tác khai thác hiệu quả đối với Parkson Saigon Tourist Plaza.
"Hiện nay, với tư cách là nhà phân phối thời trang hàng đầu VN với hơn 108 thương hiệu quốc tế, chúng tôi có nhu cầu mặt bằng kinh doanh tại trung tâm TP.HCM để mở cửa hàng miễn thuế nội đô (downtown duty free) và mở các boutique thời trang cao cấp. Từ đó, tiến tới việc các thương hiệu đồng thuận cho mở factory outlet tại TP.Thủ Đức nhằm kích cầu du lịch cho TP.HCM", lãnh đạo IPPG nêu rõ.
Theo tìm hiểu, khu factory outlet tại TP.Thủ Đức mà IPPG nhắc tới nằm trong tổng thể đề án "Khu đô thị thương mại dịch vụ Premium Outlet" đã được doanh nghiệp (DN) này gửi tới UBND TP.Thủ Đức, UBND TP.HCM. Khu đô thị dự kiến rộng 145 ha tại P.Trường Thọ, bao gồm khu mua sắm Premium Outlet đẳng cấp thế giới; tổ hợp các chức năng thương mại, du lịch dịch vụ tập trung các chi nhánh công ty tài chính, ngân hàng, văn phòng, cửa hàng mua sắm, tổ hợp giải trí…
Trong đó, trục chính khu phố này sẽ được phát triển theo hình mẫu của trục đường thương mại nổi tiếng Orchard Road ở Singapore với các điểm mua sắm đa dạng từ đồ hiệu cho đến ẩm thực quốc tế đẳng cấp. Ngoài ra, còn có phố ẩm thực về đêm theo mô hình phố Clarke Quay ở Singapore; phố giải trí với các bar, pub, các mô hình siêu bar, pub, cool bar hay party sauna… lần đầu tiên xuất hiện tại Thủ Đức.
Thực tế, từ năm 2020, "vua hàng hiệu" đã bắt đầu tham vọng mở các trung tâm mua sắm lớn, các cửa hàng miễn thuế dưới phố cho du khách khi ký kết hợp tác với Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) và Lotte PK Duty Free để phát triển các chuỗi cửa hàng miễn thuế trên khắp VN. Cuối năm 2022, cửa hàng miễn thuế dưới phố đầu tiên của VN chính thức mở cửa đón khách ở Đà Nẵng, đánh dấu bước ngoặt lớn cho thị trường du lịch mua sắm.
Lý giải rõ hơn về mục tiêu hình thành các khu mua sắm đẳng cấp tại TP.HCM, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói: Không có mua sắm thì không thể phát triển được du lịch và kinh tế đêm. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030) đã xác định phương hướng, nhiệm vụ là thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Nghị quyết đã được HĐND TP thông qua cùng chiến lược mời gọi DN quốc tế hợp tác. Hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai xây dựng với quy mô 100 triệu khách/năm, trở thành hub của khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, DN như IPPG đã đàm phán với các nhà cung cấp để đạt được mức giá bán bằng giá tại Pháp, tại Singapore và thấp hơn ở Trung Quốc dù bán lẻ và phải chịu thuế. Nếu được tạo điều kiện để hình thành những khu factory outlet, cửa hàng miễn thuế dưới phố thì VN sẽ là "thỏi nam châm" hút khách quốc tế tới tiêu tiền.
Tìm cách tăng tốc du lịch Việt
Mảnh đất màu mỡ còn bỏ ngỏ
Ủng hộ đề án của IPPG, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), đánh giá du lịch mua sắm là thị trường rất lớn, là mảnh đất màu mỡ mà VN đang còn bỏ ngỏ. Các "tín đồ du lịch" có thể dành hơn nửa thời gian của chuyến đi cho hoạt động mua sắm. Bản thân người Việt khi đi du lịch nước ngoài cũng đầu tư rất nhiều thời gian cho shopping. Song, ở VN, các khu mua sắm miễn thuế, khu factory outlet đã được nói đến từ hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được.
Mô hình cửa hàng miễn thuế tại VN xưa nay chỉ bó trong không gian sân bay quốc tế, gặp giới hạn nhất định khi khách đến và đi tại sân bay đôi khi chưa có nhu cầu hoặc thời gian eo hẹp để mua sắm. Công tác hoàn thuế GTGT cho khách du lịch mua sắm khi trở về nước thì đang ở mức độ rất sơ khai, còn nhiều bất cập, ít người tận dụng được.
Trong khi đó, các quốc gia du lịch như Singapore, Nhật Bản, Thái Lan… đang làm rất tốt và ngày càng cải thiện các chính sách, giải pháp hoàn thuế cho khách du lịch bằng một hệ thống tiện lợi. Nhờ đó, nhắc đến thiên đường mua sắm, du khách nghĩ ngay tới Singapore, Thái Lan, thậm chí là Trung Quốc, nhưng không ai nhắc tới VN.
Thực tế, mỗi năm, các công ty du lịch của VN tổ chức hàng vạn tour đưa khách Việt sang Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… chỉ để kích cầu tiêu dùng cho nước bạn. Nhiều bài học trên thế giới đã chỉ ra rằng chính các cửa hàng miễn thuế ngay trong TP là cơ hội để thu hút khách du lịch có tiền.
Nhiều nước đã xây dựng thành công các cửa hàng miễn thuế ngay trong các trung tâm thương mại, ở rất xa các cảng biển, cảng sân bay và đã thu về hàng tỉ ngoại tệ mỗi năm từ hoạt động kinh doanh này dù… không phải thu thuế.
Đơn cử, ở Hàn Quốc, quy mô của thị trường hàng miễn thuế đạt hơn 17 tỉ USD, Trung Quốc đạt 6 tỉ USD vào năm 2018. Tại Singapore, chỉ riêng sân bay Changi, nơi được xem là thiên đường mua sắm, doanh thu năm 2018 với hàng miễn thuế trong sân bay đạt 1,5 tỉ USD và nằm trong tốp 3 sân bay có mức chi tiêu của khách du lịch lớn nhất.
Tại Nhật Bản, du học sinh Nguyên Vũ cho biết các cửa hàng miễn thuế là điểm hoạt động chính trong khu mua sắm điện tử Akihabara của Tokyo. Ở đó luôn tấp nập khách nước ngoài mua sắm vì giá rẻ nhờ không phải trả thêm tiền thuế tiêu thụ. Philippines có một trung tâm mua sắm được gọi là Duty Free Philippines Fiestamall. Hàng hóa được bán trong trung tâm mua sắm này là hàng nhập khẩu từ các nước trên thế giới và điều đặc biệt là các mặt hàng này sẽ không được bán tại bất kỳ trung tâm mua sắm nào khác trong nước. Tương tự, quốc đảo Singapore được coi là "thiên đường mua sắm" của khách du lịch do hệ thống cửa hàng miễn thuế trong các khu trung tâm.
Theo ông Lương Hoài Nam, với ngành du lịch, phải xác định dịch vụ, thương mại là sản phẩm mũi nhọn. Chỉ có hệ thống dịch vụ mới có thể thẩm thấu vào người dân, thúc đẩy các ngành nghề cùng phát triển theo du lịch. Muốn du lịch phát triển thì phải có những cụm tổ hợp dịch vụ vui chơi, giải trí vô cùng đa dạng, tạo ra sức hút rất lớn và doanh thu "khủng" như Marina Bay và Sentosa của Singapore. VN đang rất thiếu những nơi như vậy để đáp ứng nhu cầu giết thời gian và tiêu tiền của du khách một cách an toàn, văn minh.
Để TP.HCM và VN trở thành thiên đường mua sắm, phải giải quyết tổng thể các bất cập hiện nay, từ các quỹ đất để hình thành các điểm bán trong TP, hệ thống factory outlet gần TP hoặc vùng ngoại ô… cho tới chính sách miễn thuế, giảm thuế, hệ thống hoàn thuế GTGT tại chỗ ở những điểm mua sắm với những thủ tục đơn giản, dễ dàng.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch
Bình luận (0)