Hàng miễn thuế “tiếp sức” du lịch

Nguyên Nga
Nguyên Nga
26/12/2020 06:22 GMT+7

Liệu Việt Nam có thể trở thành trung tâm bán hàng hiệu miễn thuế , hấp dẫn du khách sau khi chuỗi bán lẻ miễn thuế khắp lãnh thổ Việt Nam.

Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vừa ký kết hợp tác kinh doanh với Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) và Lotte PK Duty Free để phát triển các chuỗi cửa hàng miễn thuế trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Dự kiến, đến khoảng quý 4/2021, cửa hàng miễn thuế đầu tiên của liên doanh này sẽ được mở. Như vậy, ít nhất phải một năm nữa thì cửa hàng đầu tiên của chuỗi cửa hàng Duty Free (miễn thuế) này sẽ xuất hiện, tạo nhiều kỳ vọng cho ngành bán lẻ du lịch trong tương lai.

Tiềm năng từ hơn 20 triệu du khách

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, đại diện IPPG, cho rằng với tiềm năng phát triển lớn mạnh của ngành du lịch Việt Nam, tập đoàn và các đối tác liên doanh đang có kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng miễn thuế tại sân bay và dưới phố (downtown duty-free) tại các thành phố lớn với mục tiêu là đưa khách du lịch trên thế giới đến mua sắm tại Việt Nam. Dự kiến, các liên doanh của IPPG sẽ đem đến hơn 20 triệu du khách mỗi năm sau khi dịch Covid-19 được khống chế.

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia chống dịch Covid-19 thành công. Từ trước đến nay, du lịch Việt Nam đã không làm tốt (cả về sản phẩm, dịch vụ và con người), nên chuỗi bán hàng miễn thuế sẽ được xem là một sản phẩm mới cho du lịch Việt Nam, thu hút đáng kể khách du lịch mua sắm hàng hiệu tại Việt Nam. Đây chính là cơ hội mới cho ngành công nghiệp không khói.   

Ông Robert Trần

Tập đoàn Lotte đang kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có mảng bán hàng miễn thuế (Duty Free) và Lotte PK Duty Free được coi là công ty bán lẻ du lịch số 1 tại châu Á và số 2 thế giới với doanh thu năm 2019 đạt 9 tỉ USD. Tại Việt Nam, IPPG đã hợp tác với Lotte PK Duty Free mở các cửa hàng miễn thuế tại các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng và Cam Ranh (Khánh Hòa). Riêng năm 2019, liên doanh này đã phục vụ hơn 13 triệu lượt du khách ghé thăm và mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế.
Theo đại diện của IPPG, du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh, mạnh với lượng du khách quốc tế tăng trưởng cao. Trong giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch quốc tế đạt 12,8% mỗi năm và Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á sẽ được coi là lợi thế trong kinh doanh phát triển cửa hàng miễn thuế. Còn Tổng cục Du lịch nhận định việc ký kết này đã đánh dấu một bước phát triển mới, mang tính đột phá, mang lại giá trị, lợi ích cho nhà kinh doanh. Quan trọng hơn giúp gia tăng nhiều khách du lịch quốc tế, phân khúc cao cấp mạnh tay mua sắm hàng hiệu khi đến Việt Nam. Điều này sẽ góp phần tăng chi tiêu, kéo dài thời gian đi du lịch của du khách nhiều hơn.

Nhiều nước thành công

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư du lịch, mô hình cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam xưa nay chỉ bó trong không gian sân bay quốc tế và có một số giới hạn nhất định khi khách đến và đi tại sân bay, đôi khi chưa có nhu cầu và thời gian eo hẹp để mua. Trong khi quá trình du lịch làm việc của họ tại Việt Nam kéo dài, muốn mua lại không có nhiều cơ hội để trải nghiệm. Chính các cửa hàng miễn thuế ngay trong thành phố là cơ hội để thu hút khách du lịch có tiền. Trên thế giới, nhiều nước đã xây dựng thành công các cửa hàng miễn thuế ngay trong các trung tâm thương mại, ở rất xa các cảng biển, cảng sân bay và đã thu về hàng tỉ ngoại tệ mỗi năm từ hoạt động kinh doanh này dù… không phải thu thuế.
Chẳng hạn các nước có mô hình chuỗi cửa hàng miễn phí dưới phố, trong trung tâm thương mại thành công lớn như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc, Philippines, Thái Lan… Ở Hàn Quốc, quy mô của thị trường hàng miễn thuế đạt hơn 17 tỉ USD, Trung Quốc đạt 6 tỉ USD vào năm 2018. Tại Singapore, tuy không có số liệu cụ thể, song chỉ riêng sân bay Changi, nơi được xem là thiên đường mua sắm, doanh thu năm 2018 với hàng miễn thuế trong sân bay đạt 1,5 tỉ USD và nằm trong tốp 3 sân bay có mức chi tiêu của khách du lịch lớn nhất.
Tại Nhật Bản, bất kỳ du khách nào có hộ chiếu đã ở trong nước dưới 6 tháng có thể mua các mặt hàng tại các cửa hàng này mà không phải trả thuế tiêu thụ, miễn là tổng giá trị mua vượt quá 5.000 yen Nhật. Tất nhiên, các mặt hàng này sẽ được kiểm soát để không bị đưa vào tiêu thụ tại Nhật Bản. Tại Tokyo, du học sinh Chang Nguyen (Tokyo) cho biết các cửa hàng miễn thuế là một hoạt động chính trong khu mua sắm điện tử Akihabara của Tokyo. Ở đó luôn tấp nập khách nước ngoài mua sắm vì giá rẻ do không phải trả thêm tiền thuế tiêu thụ. Philippines có một trung tâm mua sắm được gọi là Duty Free Philippines Fiestamall. Hàng hóa được bán trong trung tâm mua sắm này là hàng nhập khẩu từ các nước trên thế giới và điều đặc biệt là các mặt hàng này sẽ không được bán tại bất kỳ trung tâm mua sắm nào khác trong nước, ngoài các trung tâm miễn thuế.
Tương tự, quốc đảo Singapore được coi là “thiên đường mua sắm” của khách du lịch do hệ thống cửa hàng miễn thuế trong các khu trung tâm. Hàng ngàn thương hiệu quốc tế cũng như các nhãn hàng lớn tại địa phương, từ mỹ phẩm, nước hoa, bia rượu, đồng hồ, thực phẩm và nhiều mặt hàng chính hãng đều được mua tại các cửa hàng miễn thuế có mặt trên khắp đảo quốc. Không tính hệ thống cửa hàng miễn thuế rộng lớn tại sân bay Changi là The Shilla Duty Free có hơn 140 thương hiệu quốc tế và thương hiệu nội địa các nước, ngay trong trung tâm thành phố, trên đường Orchard, các bến phà, trung tâm du thuyền đều có các cửa hàng miễn thuế với hàng trăm nhãn hàng hiệu nổi tiếng thế giới.

Kinh nghiệm Singapore

Singapore là đất nước có nhiều thành công trong mô hình kinh doanh cửa hàng miễn thuế. Đảo quốc này có thể coi là một trong các trung tâm thương mại lớn của thế giới và là trung tâm tài chính lớn thứ tư, có cảng biển bận rộn trong tốp 5 thế giới. Kinh tế nước này phụ thuộc vào làm dịch vụ và đây cũng là quốc gia được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế liên quan đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sự minh bạch của chính phủ, và tính cạnh tranh kinh tế, mua bán và dịch vụ chiếm 40% tổng thu nhập quốc dân. Dân số ít, nhưng quốc đảo này đã có đến 400 trường đại học, cao đẳng và trung học, hằng năm thu hút lượng lớn sinh viên quốc tế đến đây học tập và nhiều du học sinh chọn nơi đây để sống, làm việc. Đây là lực lượng hùng hậu giúp kinh doanh hàng miễn thuế tại quốc đảo tăng mạnh.
Ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn RBNC phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, đặt vấn đề: “Tại sao họ lại bỏ ra số tiền học bổng nhiều để thu hút sinh viên về nước họ học vậy? Một cách rất tự nhiên, họ tạo nơi thu hút người khắp nơi đến sống và làm việc, trở thành trung tâm giao thương và giao thoa các nền văn hóa toàn cầu một cách rất tự nhiên. Nhưng những khoản lợi lớn sau đó từ chính phủ nước này là thu được nhiều hơn thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp từ những du học sinh thế giới chọn Singapore khởi nghiệp… Mô hình kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại đây khiến từ lâu, đất nước này được mệnh danh là thiên đường mua sắm và có không ít những tour du lịch mua sắm đến Singapore được hình thành từ hơn 15 năm trước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.