7.500 học sinh bậc tiểu học rút học bạ về quê
Chia sẻ về tình trạng này, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, dựa vào dữ liệu thống kê, khảo sát do các trường, phòng giáo dục quận huyện cung cấp vào cuối học kỳ vừa qua, Sở đã ghi nhận 7.500 học sinh rút học bạ, chuyển trường.
Theo khảo sát, học sinh tiểu học chuyển trường phần lớn là con em công nhân và người lao động tự do. Lý do chuyển trường nhiều nhất là thời gian học trực tuyến kéo dài trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm, không thể trông coi, sát sao việc học của học sinh nên phải gửi con em về quê cho người thân hỗ trợ. Một lý do khác là vì tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua dẫn đến làn sóng hồi hương.
Ngoài bậc tiểu học, tính đến ngày 4.1, tỷ lệ học sinh từ lớp 7 - 12 đi học trực tiếp trở lại đạt hơn 85% cả hai cấp THCS và THPT. Cụ thể, khối lớp 10 là hơn 85%, lớp 11 hơn 92%, lớp 12 hơn 98%; lớp 7 và 8 đạt tỷ lệ hơn 87%, lớp 9 là 98,7%. Số học sinh còn ở quê, không nhiều.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm qua, việc đi học của học sinh TP.HCM có rất nhiều biến động |
ẢNH MINH HỌA: NGUYỄN LOAN |
Hàng ngàn học sinh TP.HCM rút học bạ, chuyển về quê học |
Sẽ tạo mọi điều kiện tiếp nhận nếu học sinh quay trở lại
Nói về tình trạng học sinh rút học bạ về quê, ông Trần Trọng Khiêm, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cho biết nhiều học sinh có thể đã theo gia đình về quê trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Khiêm cho biết Phòng giáo dục Q.Tân Phú vẫn yêu cầu các trường tạo mọi điều kiện cho những em nào còn đang ở quê tiếp tục học trực tuyến. Còn việc học sinh chuyển trường là tình trạng chung từ trước tới nay, năm nào cũng có em rút hồ sơ, học bạ nhưng có thể năm nay do tác động của dịch bệnh nên số lượng nhiều hơn, theo ông Khiêm.
"Tùy tình hình của các trường, nếu phụ huynh có nhu cầu xin chuyển trường (chuyển đến - chuyển đi) thì nhà trường được chủ động trong việc tiếp nhận hoặc chuyển hồ sơ đi cho học sinh. Nếu học sinh nào muốn rút hồ sơ về tỉnh thì cần có thêm giấy giới thiệu của Phòng giáo dục nơi các em đang học", ông Khiêm lưu ý.
Riêng bậc THCS, ông Khiêm cho biết tỷ lệ học sinh từ lớp 7 trở lên đi học lại đạt hơn 90%.
Học sinh bậc tiểu học ở TP.HCM hiện vẫn đang học trực tuyến |
NGUYỄN LOAN |
Trong khi đó, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân, cho hay, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng số lượng học sinh tiểu học năm nay của quận vẫn tăng khoảng 2.000 em, nâng tổng số lên 58.000 em.
Theo ông Tuyên, các trường tiểu học được quyền tự quyết về việc rút học bạ, chuyển trường nên Phòng giáo dục Q.Bình Tân chưa có số liệu thống kê cụ thể. "Vẫn còn có rất nhiều học sinh ở quê nhưng vẫn vào học trực tuyến với trường tại TP.HCM. Tôi nghĩ rằng dưới tác động của các làn sóng về quê trước đó, việc học sinh rút học bạ về quê năm nay sẽ nhiều hơn so với trước đây”, ông Tuyên chia sẻ.
Thủ tục nhập học hay rút hồ sơ của học sinh tiểu học cũng đã được đơn giản hóa tối đa để phụ huynh dễ dàng tìm chỗ học phù hợp cho con, theo ông Tuyên. Nếu học sinh tiểu học đáp ứng đủ điều kiện có thường trú, tạm trú là các trường phải tạo mọi điều kiện nhận các em.
Còn ở bậc THCS, trong học kỳ vừa rồi, Q.Bình Tân có khoảng 100 học sinh rút hồ sơ, chuyển trường, tương đương những năm trước đây. Ông Tuyên cho hay: “Vào thời điểm này, học sinh từ lớp 7 trở lên đã đi học trở lại. Nếu các em còn mắc kẹt ở quê thì buộc lòng phải lựa chọn trở lại TP.HCM hoặc chuyển trường về quê".
Dù vậy, việc chuyển trường của học sinh THCS cần phải được thực hiện theo quy định, cụ thể là học sinh phải học hết học kỳ 1 hoặc 2 mới được xin chuyển. Tuy nhiên, do nhiều học sinh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên ông Tuyên cho biết phải linh động trong việc giải quyết trường lớp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em đi học.
Tương tự, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12 cho biết số lượng học sinh năm nay có biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù Q.12 là một trong những quận có số lượng học sinh đông nhất TP.HCM nhưng ông Hùng cho biết sẽ tạo mọi điều kiện cho những em có nhu cầu quay trở lại thành phố học tập.
Bình luận (0)