Những cổ phiếu mất thanh khoản nghiêm trọng tập trung đa số trên sàn giao dịch UPCoM. Có thể kể đến như cổ phiếu BHT của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC từ cuối tháng 1.2019 đến nay hoàn toàn không có giao dịch. Công ty này đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM từ giữa năm 2018 và trong năm vừa qua, số lượng giao dịch chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giá cổ phiếu BHT từ mức 4.800 đồng nay giảm còn 2.700 đồng. Trước đó, BHT đã niêm yết trên sàn Hà Nội từ năm 2011 nhưng bị thua lỗ liên tục nên bị buộc hủy niêm yết.
Tình trạng chuyển từ sàn Hà Nội sang UPCoM do thua lỗ cũng rơi vào nhiều trường hợp khác như cổ phiếu của Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT). Và gần 4 tháng qua kể từ cuối tháng 5.2019 đến nay, STT hoàn toàn bị mất thanh khoản. Giá cổ phiếu STT đang ở mức 8.500 đồng, giảm 1.000 đồng so với đầu năm.
Hay BTC - Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu - thì từ giữa tháng 12.2018 đến nay không có cổ phiếu nào được mua hay bán. Dù vậy giá cổ phiếu BTC vẫn đứng ở mức cao lên 58.000 đồng. Đây là một trong những cổ phiếu lâu đời trên sàn UPCoM khi bắt đầu giao dịch từ giữa năm 2009. Tuy nhiên tính thanh khoản của BTC vẫn chưa được cải thiện mà vẫn èo uột.
Hàng loạt cổ phiếu khác vẫn đang ghi tên trên bảng điện tử UPCoM nhưng không có giao dịch nhiều tháng qua còn có MTG (Công ty cổ phần MT Gas), YTC (Công ty XNK Y tế TP.HCM) và nhiều cổ phiếu nhóm họ Sông Đà như SD1, SDX, S72, SD8...
Theo nhiều công ty chứng khoán, điều kiện, tiêu chuẩn niêm yết và nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp trên UPCoM thấp hơn nhiều so với hai sàn niêm yết, trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng công khai, minh bạch, nên thông tin về hoạt động kinh doanh của đa số doanh nghiệp trên sàn này đều thiếu và không được cập nhật. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Tình trạng “vàng thau lẫn lộn” trên sàn UPCoM khiến nhà đầu tư ít quan tâm đến cổ phiếu trên sàn này, dẫn đến tính thanh khoản thấp, hoặc không có giao dịch.
Thực tế với hàng trăm cổ phiếu mất thanh khoản cũng như doanh nghiệp sau cổ phần hóa chây ì lên sàn chứng khoán được cho là lý do dẫn đến việc Nhóm Thị trường vốn tại Hội nghị Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối năm 2016 nêu kiến nghị nên bỏ sàn UPCoM và yêu cầu các doanh nghiệp đại chúng đưa cổ phiếu lên niêm yết.
Bình luận (0)