Như tại điểm Trường tiểu học thôn Đăk Giá 2 (xã Đăk Ang, H.Ngọc Hồi) có 3 phòng học bị xuống cấp, dột nát từ nhiều năm nay. Tương tự, điểm trường mầm non thôn 4 (xã Đăk Tơ Lung, H.Kon Rẫy) cũng đang trong tình trạng bỏ hoang. Điểm trường này có 2 phòng học nhưng hơn 3 năm qua không hoạt động. Theo chị Y Hoan (ở thôn 4, xã Đăk Tơ Lung), điểm trường này được xây dựng từ năm 2015, sau khi hoạt động được vài năm thì đóng cửa. Lý do được đưa ra là trẻ em trong thôn ít, không đủ để mở lớp.
“Điểm trường bỏ hoang đã hơn 3 năm nay. Từ khi điểm trường đóng cửa, gia đình tôi phải đưa các cháu ra gửi tại trường chính cách nhà hơn 2 km”, chị Hoan cho biết.
Theo Phòng GD-ĐT H.Tu Mơ Rông, trên địa bàn huyện có 13 điểm trường mầm non, tiểu học và THCS không còn sử dụng. Nguyên nhân chủ yếu là số lượng học sinh quá ít, không thể mở lớp theo quy định nên phải dồn học sinh về điểm trung tâm. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như điểm trường hư hỏng, dột nát, xuống cấp, nằm trong khu vực sạt lở hoặc đi lại khó khăn.
Theo bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, thời gian trước đây do đường sá khó khăn, chưa có chính sách hỗ trợ nên việc xây dựng các điểm trường lẻ ở các bậc học nhằm phổ cập giáo dục đến từng thôn bản. Thời gian gần đây khi cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng nên UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục tiến hành sáp nhập quy mô mạng lưới trường lớp, giảm các điểm lẻ để nâng cao chất lượng học sinh.
“Hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 160 điểm trường tiểu học và 19 điểm trường mầm non bị bỏ trống. Hiện việc quản lý những phòng học này thuộc trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố. Chính quyền địa phương sẽ sử dụng những trường học này làm nhà văn hóa của các thôn, làng”, bà Trung cho biết.
Bình luận (0)