Sự kiện này là một phần trong kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan. Buổi đạp xe nhấn mạnh sự tham gia của Việt Nam và Hà Lan cho các vấn đề về phát triển xanh và di chuyển bền vững, giao thông vận tải trong thành phố.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, Việt Nam và Hà Lan thời gian qua có nhiều hoạt động bổ ích gắn liền với bảo vệ môi trường.
"Sáng nay đạp xe từ cơ quan đến Nhà hát TP.HCM, tôi rất vui, nhìn thấy mọi người tham gia đều phấn khởi, có tinh thần thể thao và tạo hiệu ứng lan tỏa rất tốt. Hy vọng qua sự kiện này Việt Nam sẽ thắt chặt mối quan hệ tốt hơn với Hà Lan, đồng thời thúc đẩy người dân tham gia sử dụng xe đạp", ông Bằng chia sẻ.
Sự kiện đi xe đạp thu hút hơn 400 người tham gia, gồm đội ngũ cán bộ Lãnh sự quán Hà Lan, công dân Hà Lan đang sinh sống tại Việt Nam và người dân ở TP.HCM. Người tham gia đạp xe sẽ mặc áo thun thân thiện với môi trường được làm từ 50% bã cà phê và 50% nhựa tái chế.
Chị Phương (32 tuổi, TP.HCM) hào hứng chia sẻ, chị cùng các bạn trong nhóm đạp xe từ Q.Phú Nhuận đến Nhà hát TP.HCM từ sớm. Bản thân từng đạp xe đạp đi làm và sử dụng túi vải thay thế túi ni lông khi đi chợ để bảo vệ môi trường, chị Phương cho biết bản thân hưởng ứng sự kiện đạp xe này "hết mình".
"Vừa đạp xe tăng cường sức khỏe, thân thiện môi trường vừa góp phần tăng cường mối quan hệ 2 nước, đây là sự kiện có ý nghĩa với không chỉ bản thân mình mà còn của cộng đồng", chị Phương nói.
Để TP.HCM trở thành thành phố đạp xe như Amsterdam
Ở TP.HCM, xe đạp không phải là phương tiện đi lại phổ biến nhất trong thành phố. Khi nghĩ về tương lai của phương tiện giao thông đô thị, hầu hết mọi người thường nghĩ đến các phương tiện tự động và điện, thậm chí là phương tiện bay. Tuy nhiên, những giải pháp này không cung cấp câu trả lời tối ưu cho các câu hỏi thực sự về phương tiện giao thông bền vững trong thế kỷ 21.
Thách thức lớn nhất đối với tính bền vững trong khu vực đô thị thường là không gian hạn chế trong thành phố và nguy cơ tắc nghẽn với việc sở hữu xe ô tô tăng lên. Sự kết hợp giữa giao thông công cộng và xe đạp, xe đạp điện là giải pháp lành mạnh và có thể không gây khí thải, mang lại hạnh phúc cho cư dân thành phố.
Hàng trăm người hào hứng tham gia đạp xe đạp
PHAN THU HOÀI
Trong bối cảnh này, Lãnh sự quán Hà Lan tại TP.HCM phối hợp Sở GTVT TP.HCM và các đơn vị tổ chức một chuyến đi xe đạp quanh Q.1 để nâng cao nhận thức về việc sử dụng xe đạp như một lựa chọn nghiêm túc cho việc đi lại hàng ngày và đi làm ở TP.HCM.
Đồng thời, cố gắng đưa TP.HCM thành một thành phố đạp xe và di chuyển bền vững, giống như các thành phố Amsterdam, Rotterdam (Hà Lan) và Paris (Pháp).
Xe đạp không chỉ góp phần làm đa dạng hóa các phương pháp giao thông đô thị ở trung tâm thành phố mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe cho người sử dụng, giá cả hợp lý hơn, giảm ô nhiễm môi trường và chất lượng không khí.
Từ đó, góp phần tạo ra một ngành du lịch mới, đóng góp cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Song song với sự kiện xe đạp này, từ ngày 5 - 7.4, Lãnh sự quán Hà Lan đã tổ chức các hội thảo xe đạp cùng Đại sứ xe đạp Hà Lan (Dutch Cycling Embassy)...
Các chuyên gia từ Đại sứ xe đạp Hà Lan đã thảo luận với chính quyền địa phương, chuyên gia và sinh viên đại học về việc quảng bá việc sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại; phát triển cơ sở hạ tầng, đường đi cho xe đạp...
Bình luận (0)