Hàng vạn tấn nông sản phía bắc chờ tiêu thụ

18/12/2021 11:20 GMT+7

Sáng 18.12, Bộ NN-PTNT phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố phía bắc tổ chức diễn đàn trực tuyến "Kết nối thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau quả nông sản phía bắc".

Trái cây có múi đang vào vụ thu hoạch rộ ở các tỉnh phía bắc

quang thuần

13 điểm cầu chính của diễn đàn là Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Nam Định, Phú Thọ.

Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Lào Cai cho biết: Tỉnh có nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, những sản phẩm thế mạnh gồm chuối, chè, dứa, rau ôn đới và quế. Ngoài ra, do đặc điểm khí hậu, Lào Cai còn tiềm năng phát triển cá nước lạnh, với sản lượng khoảng 700 tấn. Vấn đề của tỉnh Lào Cai hiện là dứa, với diện tích khoảng 1.600 ha và sản lượng khoảng 40.000 tấn. Tuy nhiên, mặt hàng này chưa được xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Trong khi, các nhà máy chế biến dứa hiện mới tiêu thụ khoảng 1/3. Tỉnh đang phải phân phối qua các kênh bán hàng nhỏ lẻ ở trong nước. Trước mắt, Lào Cai đã chủ động đẩy mạnh nội tiêu, nhiều sản phẩm đã được đưa xuống Hà Nội tiêu thụ nhưng vẫn cần thêm nhiều kênh phân phối. Về lâu dài Bộ NN-PTNT cần có chính sách điều chỉnh để tránh ùn ứ cục bộ các sản phẩm từ phía Nam ra, đồng thời sớm đàm phán để tỉnh đưa sản phẩm dứa, quế xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Khoai tây là nông sản đang cần hỗ trợ tiêu thụ

quang thuần

Ông Vi Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Vigia (tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Hiện nay, công ty đang thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm khoai tây, khoai lang, thạch đen cho người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Về khoai tây, mỗi năm công ty có 700 - 1.200 tấn có nhu cầu tiêu thụ. Hiện, khoai tây bắt đầu vào vụ gieo trồng, dự kiến tháng 3 - 5 sẽ cho thu hoạch, sản lượng sẽ tăng cao hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, kênh tiêu thụ chủ yếu hiện nay của công ty là thông qua các chợ đầu mối nông sản, nên việc tiêu thụ bị phụ thuộc và không ổn định. Do đó, công ty rất mong muốn được liên kết với các đơn vị để công tác tiêu thụ thuận lợi, ổn định hơn.

Hơn 1.000 container nông sản xuất sang Trung Quốc đang mắc kẹt ở Cửa khẩu Móng Cái

Về khoai lang, năng lực sản xuất của công ty có thể cung cấp 1.000 - 2.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đầu ra còn rất hạn chế nên chưa thúc đẩy sản xuất mạnh mẽ. Đây là tiềm năng các đơn vị có nhu cầu có thể khai thác.

Đối với thạch đen, đơn vị có thể cung cấp 2.000 - 5.000 tấn/năm. Hiện, công ty đã đăng ký mã cơ sở đóng gói nhưng hải quan Trung Quốc chưa chấp thuận. Do đó, thông qua diễn đàn công ty mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ công tác tiêu thụ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng cơ sở đóng gói, kho bảo quản sau thu hoạch

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổ trưởng Tổ hội trồng cây ăn quản và dịch vụ nông nghiệp Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho biết, tổ đã trồng khoảng 35 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam. Hiện tổ còn tồn khoảng 100 tấn cam các loại, trong đó có cam Vinh, cam giấy Vân Đồn, cam V2, cam Bản Sen. Giá bán của các loại cam tại tổ của ông Nhân dao động từ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Tổng diện tích trồng cam trên địa bàn huyện Vân Đồn là khoảng 200 ha. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam. Do đó, ông Nhân kiến nghị các cơ quan ban, ngành, địa phương hỗ trợ để sản phẩm cam Vân Đồn được biết đến và tiêu thụ rộng rãi hơn nữa trên cả nước.

Tại hội thảo, một số đơn vị thu mua phân phối đã ký kết hợp tác, mua bán với địa phương và hợp tác xã. Các doanh nghiệp và hợp tác xã đã chia sẻ một số giải pháp kinh doanh trực tuyến theo chuỗi và trình diễn mô hình kinh doanh trực tuyến trên đa nền tảng công nghệ thông tin, chuyển đổi hình thức kinh doanh qua mạng để đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Thông qua diễn đàn, một số đơn vị thu mua phân phối đã ký kết hợp tác, mua bán với địa phương và hợp tác xã.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.