Hàng Việt ngày càng lên ngôi

Nguyên Nga
Nguyên Nga
07/05/2022 06:45 GMT+7

Sự tàn phá khốc liệt từ đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021 đã đẩy không ít doanh nghiệp vào thế phá sản, đóng cửa.

Thế nhưng, cũng có nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ tái cấu trúc, mở rộng thị trường, phát triển rực rỡ sau đại dịch nhờ thị trường nội địa.

Thành quả đó phần lớn nhờ vào những cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những đợt cao điểm, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch. TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong chương trình vận động này một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

Giúp doanh nghiệp nội địa ổn định sản xuất, lớn mạnh sau đại dịch

Sáng 6.5, TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021.

Báo cáo kết quả hoạt động, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhận xét cuộc vận động ngày càng có sự lan tỏa lớn, được nhiều người biết đến và hưởng ứng tích cực tại TP.HCM. Trong năm 2021, TP đã vận động toàn dân thực hiện hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, phát động phong trào tiết kiệm toàn hệ thống chính trị và xã hội nhằm góp phần dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế. Muốn vậy, công tác chỉ đạo phải được triển khai thường xuyên, điều chỉnh để phù hợp hoàn cảnh.

90% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt

Khả Hòa

Nhận xét sau một năm triển khai vận động chương trình, đại diện Q.Bình Tân nhấn mạnh: “Chương trình đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và thói quen tiêu dùng của người Việt trên địa bàn quận. Không chỉ là câu chuyện kêu gọi ủng hộ hàng nội địa, mà chương trình có ý nghĩa kích thích sự sáng tạo, nghiên cứu của doanh nghiệp (DN) cho ra những sản phẩm chất lượng mà người tiêu dùng quan tâm”.

Bên cạnh đó, nhờ hàng Việt mà TP duy trì, mở rộng chương trình bình ổn giá hiệu quả và thiết thực trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết hệ thống phân phối tại chợ, siêu thị đã hoạt động hết công suất, duy trì được mức giá thấp, phù hợp thu nhập của người dân. Chương trình bình ổn giá chiếm 30 - 40% thị trường, song đóng góp vô cùng quan trọng, giúp điều tiết thị trường, góp phần giảm chi phí tiêu dùng cho người dân, cho DN.

Hàng việt chiếm 80 - 90% trong siêu thị

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh - một trong những DN kiên cường vượt bão Covid-19, cạnh tranh trực diện với các đối thủ nước ngoài với sản phẩm tương ứng, bộc bạch: “Chúng tôi phải nghĩ ra trăm phương ngàn kế để vượt dịch, tồn tại và phát triển. Có những sự cố chưa bao giờ nghĩ đến, nhưng nó đã xảy ra, đứt gãy chuỗi cung ứng thời gian dài, rồi cố gắng làm hàng nhưng phân phối nội địa giảm sút thê thảm. Hôm nay, chúng tôi tự tin đứng đây để nói rằng, DN đã vượt bão, giữ được thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, phục hồi nhờ vào uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm mà chúng tôi miệt mài xây dựng bao năm qua. Số người tiêu dùng Việt biết đến sản phẩm của công ty ngày một nhiều và đa dạng hơn”.

Với hệ thống phân phối, khảo sát tại các siêu thị, chợ cho thấy, tỷ trọng hàng Việt vào siêu thị đang ngày một tăng, người tiêu dùng chọn hàng Việt để mua sắm ngày một nhiều. Nếu cách đây 5 - 10 năm, lượng hàng Việt trong siêu thị chiếm khoảng 60 - 70% thì nay số liệu cho thấy, lượng hàng Việt vào trong siêu thị ngày một lớn, hàng Việt ngày càng thắng thế so với mặt hàng cùng loại từ Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, cho biết tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống bán lẻ của Central Retail (bao gồm chuỗi đại siêu thị GO!, Big C và chuỗi siêu thị Tops Market) là trên 90%. Để làm được điều này, bà Vân phải kiên trì với các chương trình “sinh kế cộng đồng” hỗ trợ các sản phẩm tiêu biểu của các làng, xã, địa phương. Siêu thị chính là kênh quảng bá xúc tiến thương mại quan trọng, đưa các sản phẩm địa phương từ chỗ không ai biết, nâng nó lên đúng vị trí và chất lượng của nó. Qua đó, tăng cường hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế cho nhóm các hộ nông dân, ngư dân và các hộ gia đình qua chương trình “sinh kế cộng đồng”.

“Chúng tôi cũng là một trong chuỗi siêu thị nước ngoài sớm tổ chức các chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ Việt Nam, giúp đưa các sản phẩm Việt đạt chất lượng vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại. Đồng thời, phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan liên tục từ năm 2016 - 2019. Trong 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, chương trình đưa hàng Việt ra nước ngoài bị gián đoạn, song chúng tôi sẽ khởi động lại vào cuối năm nay”, bà Vân nói.

Tương tự, ông Lê Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đạt trên 90% và tỷ lệ này đã được duy trì suốt nhiều năm qua. Để hàng Việt có sức lan tỏa và lớn mạnh, không chỉ là phân phối bán lẻ trực tiếp, việc áp dụng số hóa và công nghệ 4.0 để phân phối, cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới, hiện đại, tiện lợi hơn… tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong phát triển chuỗi cung ứng, gia tăng nội lực cạnh tranh cho các thương hiệu Việt. Vai trò của nhà phân phối rất quan trọng, giúp định hướng, khuyến khích hàng Việt đi theo xu hướng thị trường và hiện đại. Đại diện hệ thống siêu thị LotteMart cho hay, ngoài hàng điện tử, hệ thống bán lẻ này không nhập hàng tiêu dùng, thực phẩm từ Trung Quốc, qua đó giúp người tiêu dùng trong nước tiếp cận được với hàng Việt nhiều hơn.

Không chỉ hàng Việt thắng thế trong siêu thị, tại chợ chuyên kinh doanh mặt hàng áo quần như An Đông, Tân Bình, trả lời Thanh Niên, nhiều tiểu thương cho biết, từ sau đại dịch, đặc biệt sau năm 2021, rất nhiều hàng áo quần được cung cấp từ trong nước, thay vì trước đây phụ thuộc vào hàng Trung Quốc.

Bà Đặng Diệu Hồng (tiểu thương chợ Tân Bình) cho biết: Trước dịch, hàng hóa của bà phụ thuộc lớn vào đối tác ở Quảng Ninh mang từ Trung Quốc về gửi vào. Giai đoạn Trung Quốc đóng cửa chống dịch, nhiều tiểu thương tại chợ tìm nguồn hàng mới, nay không quay lại lấy hàng Trung Quốc nữa. Dẫn chứng, bà Hồng chỉ những kiện hàng áo chống nắng, quần thun, đồ bộ ở nhà… đều là hàng của các xưởng may từ Hóc Môn, Long An, Đồng Nai… cung cấp.

Nâng tầm sản phẩm nội địa theo chuẩn quốc tế

Tại Hội nghị tổng kết, đại diện nhiều địa phương, DN chia sẻ, hàng Việt sẽ tiếp tục khẳng định vị thế nhiều hơn nữa nếu vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng bớt hoành hành.

Đại diện Saigon Co.op kiến nghị cần có sự hỗ trợ chuyển đổi số cho khu vực DN vừa và nhỏ, TP đầu tư mạnh hệ thống hạ tầng để giảm chi phí logistics… Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực TP.HCM, đề nghị TP cần đẩy mạnh việc tuyên truyền người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thường xuyên chứ không làm theo từng đợt phong trào mới hiệu quả. Sự lên ngôi của hàng Việt trong thói quen tiêu dùng của người Việt là không thể chối cãi, song nhiều DN cũng bày tỏ cách tốt nhất để cả xã hội đồng lòng tham gia chiến dịch này là chính bản thân DN phải nâng chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm của mình lên ngang hàng chuẩn quốc tế. Bán hàng ra nước ngoài thế nào, bán trong nước y như vậy, không có sự phân biệt đối xử. Thứ hai, phải liên tục đổi mới thích ứng với thói quen người tiêu dùng, không nên “đóng khung” trong một sản phẩm truyền thống nào đó quá lâu. Chính người tiêu dùng nội địa là “phép thử” tốt nhất cho các nhà sản xuất muốn lớn mạnh và đưa hàng ra nhiều thị trường lớn khác.

Đại diện Q.Tân Phú (TP.HCM) kiến nghị: TP cần thực hiện tốt quản lý thị trường, chống hàng kém chất lượng, hàng giả và hàng trôi nổi. Chính những sản phẩm này đang làm bào mòn nhiệt huyết của DN nội địa. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn hàng, sản phẩm rao bán trên các trang thương mại điện tử nhiều hơn. Các ngành chức năng cần tham mưu cho chính quyền TP ban hành các chính sách như vốn, thuế, công nghệ, thị trường tiêu thụ… nhằm hỗ trợ DN đầu tư phát triển hàng Việt Nam chất lượng, giá cả phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.