Quảng Ninh là tỉnh thứ 2 của cả nước (sau Bình Dương) xin phép thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, sau khi đã thực hiện với 5 đơn vị tương tự ở cấp huyện.
Nhưng nếu trung tâm hành chính công của Bình Dương chủ yếu phục vụ giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp thì Quảng Ninh đang hướng tới việc phục vụ tới mọi công dân, với khoảng 1.000 thủ tục hành chính thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành cấp tỉnh đưa vào trung tâm.
Theo đề án Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh thì với mô hình trung tâm “Một thẩm định - một phê duyệt” này, rất nhiều dịch vụ công vụ đang được thực hiện ở “một cửa” của các sở, ngành sẽ được giải quyết tại trung tâm. Điều này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức của công dân, doanh nghiệp. Thực sự thì nếu mô hình này được nhân rộng sẽ giúp cho công cuộc cải cách hành chính của chúng ta thay đổi về chất.
Tuy nhiên, trong đề án kể trên, chưa thấy Quảng Ninh nói về việc trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ hành chính công vụ bình đẳng cho mọi đối tượng công dân hay có sự phân biệt “cấp độ” theo mức phí được trả. Cũng nên nhắc lại một nguyên tắc là nhà nước luôn cung cấp hành chính công vụ bình đẳng cho mọi đối tượng, ai đến trước làm trước, ai đến sau làm sau. Với hành chính công vụ, không có khái niệm công dân trả tiền nhiều hơn để được (nhà nước) phục vụ nhanh hơn, tốt hơn. Bất cứ ai nghĩ rằng, thành lập các trung tâm hành chính công để hợp thức hóa việc làm “dịch vụ”, kể cả núp dưới danh nghĩa “tư vấn”, đều là làm sai lệch bản chất của quản lý công và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.
Trong khoa học hành chính có thuật ngữ “hành chính phát triển”, nó khác với hành chính truyền thống vốn để chỉ hoạt động của các cơ quan nhà nước mà phương thức hoạt động dựa trên cơ sở thi hành các quy định một cách cứng nhắc, bản chất chủ yếu thiên về tính “cai trị”.
Hành chính phát triển buộc các nhà nước phải một mặt xã hội hóa, tư nhân hóa, chấp nhận sự tham gia của công chúng vào công việc quản lý nhà nước (xã hội hóa các dịch vụ công), đồng thời cải tiến mô hình nền hành chính công và nâng cao chất lượng phục vụ.
Nguyên tắc “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo” của Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã có vẻ rất gần với thuật ngữ “khách hàng là thượng đế” đang được nhiều nước sử dụng để đổi mới mối quan hệ giữa các cơ quan công quyền với công dân. Tuy nhiên, để đạt được việc đó thì thay đổi mô hình vận hành, công khai quy trình giải quyết công việc và áp dụng cơ chế “một cửa” thôi chưa đủ, các quy định liên quan đến thủ tục hành chính cần được luật hóa, ngăn chặn tình trạng công chức có thể đặt ra thủ tục để sách nhiễu. Các thủ tục hành chính cũng cần phải được rà soát để đảm bảo tiêu chí: đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện. Và việc này thì không chỉ một mình Quảng Ninh hay Bình Dương làm được.
Đồng Nhân
>> Quảng Ninh xin thành lập Trung tâm hành chính công
>> Dịch vụ hành chính công qua mạng internet: Website của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đứng đầu
>> TP.HCM: Thôi thí điểm tổ dịch vụ hành chính công và mô hình một dấu
>> Thực hiện Tổ nghiệp vụ hành chính công tại TP.HCM: Dân hết bị làm phiền, nhưng...
Bình luận (0)