Hành quân giữa rừng chiến khu

15/10/2023 10:45 GMT+7

Hành quân giữa rừng chiến khu Đ, mùa thu này thật đẹp. Con đường vào rừng Mã Đà như một nét mày thanh tao cong dài quyến rũ, giữa màu xanh của lá rừng, màu đỏ thắm của hoa giấy, màu trắng muốt của bông sứ và những chùm thành ngạnh trắng hồng, những đốm phượng vĩ cuối mùa vương lẫn với mây trời.

Có được con đường dài 20 km, cùng với không gian điệp trùng xanh ngút tầm mắt là nhờ thiên nhiên miền Đông ban tặng, cùng với bàn tay con người không ngừng đắp bồi, tôn tạo, biến chiến khu xưa thành mảnh đất tràn đầy sinh khí, dạt dào thủy điện, hiện do Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai quản lý.

Hành quân giữa rừng chiến khu - Ảnh 1.

Tạo hình Bia truyền thống Lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai

Hành quân giữa rừng chiến khu - Ảnh 2.

Từ phải sang: họa sĩ Đào Tấn Hưng, đại tá Vũ Văn Điền và một số cán bộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai

TIỂU MAI

Cuộc hành quân này không giống những năm xưa, nhưng lại chất chứa bao tâm tư và mong ước của quân dân Đồng Nai bấy lâu nay. Trong tay đại tá Vũ Văn Điền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, là hồ sơ, bản vẽ công trình Bia truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh. Ông cùng với Bộ chỉ huy về xác định lại vị trí đặt Bia truyền thống, để chuẩn bị cho công trình sắp được khởi công.

Người lính thời bình đứng giữa chiến khu xưa, chỉ với cây bút, chiếc thước dây, tấm sơ đồ… Họ dừng lại bên vườn tượng nghệ thuật chiến khu Đ, nơi các nhà điêu khắc nổi tiếng gửi gắm những tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên và cuộc sống thanh bình trên những phiến đá trắng. Những cái tên: suối Bà Hào, sân bay dã chiến Rang Rang, địa đạo Suối Linh, khu Phước Thành… vẫn văng vẳng trong ký ức, và hiển hiện trong tầm mắt, gợi nhớ những người anh hùng đã khuất, và những đoàn quân từng lưu dấu nơi đây. Công trình Bia truyền thống đặt tại ngã ba Bà Hào (ấp 5, xã Mã Đà) là điểm nhấn quan trọng, mang đến sự hoàn thiện của tổng thể khu Trung tâm văn hóa, lịch sử chiến khu Đ. Công trình Bia truyền thống sẽ nằm trong diện tích trên 1.700 m2, trên đường dẫn vào 3 di tích lịch sử cấp quốc gia: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Di tích Khu ủy miền Đông Nam bộ, Di tích địa đạo Suối Linh.

Lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai được thành lập ngày 15.5.1946. Để thống nhất lãnh đạo các lực lượng kháng chiến trong tỉnh, theo chỉ đạo của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Khu, ngày 15.5.1946, Tỉnh ủy Biên Hòa triệu tập Hội nghị Quân sự toàn tỉnh tại Xóm Đèn (xã Tân Hòa, H.Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cũ - nay thuộc tỉnh Bình Dương). Theo quyết nghị: thống nhất các lực lượng vũ trang - gồm du kích trại huấn luyện Sở Tiêu, Vệ quốc đoàn quận Châu Thành, Vệ quốc đoàn Biên Hòa - lấy tên là Vệ quốc đoàn Biên Hòa; xây dựng Chiến khu Đ thành căn cứ kháng chiến của tỉnh. Sau một thời gian ngắn, lực lượng được chuyển về Hiếu Liêm. Đó cũng là lý do của việc sau nhiều lần nghiên cứu và điều chỉnh kế hoạch, tỉnh Đồng Nai đã quyết định đặt Bia truyền thống ở khu di tích chiến khu Đ.

Đại tá Vũ Văn Điền, người chỉ huy của cuộc hành quân đặc biệt này, luôn xông xáo như thói quen thường nhật. Ông đối chiếu, đo đạc cùng với đại diện của đơn vị quản lý đất, và đồng đội của mình, để tìm những cột mốc đã được đánh dấu trước đó. Định vị được các vị trí theo đúng bản vẽ thiết kế, ông nhận nhiệm vụ đóng chiếc cọc đầu tiên của công trình. Bằng tất cả niềm xúc động, sự chân thành và tác phong dứt khoát của một người lính, ông khuỵu chân xuống để thực hiện những đường búa thật chắc chắn, chính xác. Niềm vui, sự hồ hởi được lan tỏa rất nhanh, những người dân sinh sống gần đó cũng đến thăm hỏi và xem "Chỉ huy đóng cọc Bia truyền thống".

Người Chỉ huy trưởng, kiêm võ sư tài danh của đất miền Đông, cho biết ông rất tâm huyết với công trình này, vốn đã nhiều năm được Đảng ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai bàn thảo, lên kế hoạch. Ông đã luôn trăn trở khi nhận thấy chiến tranh kết thúc gần 50 năm song vẫn chưa có công trình tri ân nguồn cội, và cụ thể hóa những chặng đường, những chiến công của lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Nai. Bia truyền thống sẽ là nơi giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, thanh niên, chiến sĩ. Vị trí của bia, quy mô và thiết kế vừa thể hiện hài hòa các giá trị lịch sử, truyền thống; vừa mang tính nghệ thuật, tăng sức hấp dẫn cho đời sống văn hóa, du lịch "về nguồn", "sinh thái xanh" của tỉnh nhà.

Bên cạnh ông, đại tá Bùi Đăng Ninh, Chính ủy, cùng với lãnh đạo các phòng, ban của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, chia sẻ với nhau ánh mắt quyết tâm, và nụ cười bình dị, tươi sáng, thân thương.

Có mặt trong đoàn quân ấy còn có họa sĩ Đào Tấn Hưng, sinh năm 1951, tác giả của công trình Bia truyền thống. Ông là cựu binh Đoàn 10 rừng Sác, là cán bộ Tuyên huấn của Cục chính trị Quân khu miền Đông. Ông ra quân năm 1984, hành nghề họa sĩ, nhưng tất cả tình yêu, tâm huyết ông đều dành cho đời lính, cho đồng đội, nên hầu hết sáng tác của ông đều mang đề tài này. Họa sĩ Đào Tấn Hưng là tác giả của logo Chiến khu Đ được sử dụng từ năm 1997, và công trình Biểu trưng chiến khu Đ (cũng nằm trong quần thể Di tích chiến khu Đ). Ông cho biết niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là được thấy công trình Bia truyền thống trên mảnh đất chiến khu Đ, nơi ông cùng đồng đội từng vào sinh ra tử, với 16 chữ vàng được khắc lên bia: "Trung hiếu sắt son, dũng cảm kiên cường, chủ động sáng tạo, đoàn kết quyết thắng".

Và sẽ có nhiều cuộc hành quân về với chiến khu xưa, không chỉ ở chiến khu Đ, miền Đông Nam bộ, mà trên khắp cả nước… để tri ân người lính và làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp, vững bền.

Hành quân giữa rừng chiến khu - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.