"... Thiên hạ thất kinh
Là chợ Hớn Quản
Khô như bánh tráng
Là chợ Phan Rang
Xe thổ mộ dọc ngang
Là chợ Thủ Dầu Một
Khỏi lo ngập lụt
Là chợ Bưng Cầu..."
(Vè 47 chợ)
Ngày xưa, chợ sầm uất nhất quê tôi là chợ Thủ Dầu Một, đó cũng là trung tâm thương mại lớn của cả tỉnh Sông Bé xưa và sau này là Bình Dương. Mỗi khi nhà có đám tiệc hay vào các dịp lễ tết, các bà và các chị đều đi chợ Thủ. Tôi nhớ mãi những lần ấy, hễ nghe tiếng lộc cộc của xe thổ mộ là tôi hy vọng bà và mẹ sắp về. Mấy anh em dù đang làm gì cũng chạy ra đường đứng ngóng.
Con đường huyết mạch nối liền xã tôi và chợ Thủ khi ấy còn đá lởm chởm. Từ xa đã thấy dáng chiếc xe ngựa nhấp nhô dưới hai hàng cây ven đường mà tán lá cao lớn đã lồng vào nhau như một chiếc nón màu xanh. Ngày thường, xe ngựa chở hàng rau quả từ xã tôi là Phú Chánh hay từ các xã lân cận như Vĩnh Tân, Phú Hòa… ra chợ Hàng Bông ở ngã tư Chợ Đình, chợ đầu mối rau quả của Thủ Dầu Một. Các bà và các chị rất chuộng loại xe này có lẽ vì sự tiện dụng như chở được nhiều hàng hóa, rẻ tiền, có thể di chuyển ở nhiều địa hình phức tạp... Không những người lớn, bọn con nít chúng tôi cũng rất thích thú. Tôi nhớ niềm vui của tôi ngày đó là ra đường xem xe ngựa. Mỗi lần có chiếc xe ngựa từ xa là tôi say mê đứng nhìn cho đến khi xe chạy vụt qua. Chỉ còn thấy phía sau bóng dáng các bà, các chị vui cười hớn hở.
Được biết, Thủ Dầu Một là một trong những chiếc nôi hình thành xe thổ mộ ở Nam bộ. Về cái tên "thổ mộ" có nhiều cách giải thích khác nhau dựa vào hình dáng và công dụng của xe nhưng tôi đặc biệt thích thú với cách giải thích của các cụ già Bình Dương, cho rằng "xe thổ mộ" xuất phát từ lối đọc nhanh của người miền Nam từ "xe Thủ Dầu Một" mà thành. Mặc dù cách giải thích này cần được kiểm chứng thêm, tuy nhiên không thể phủ nhận Thủ Dầu Một đã sớm sử dụng xe thổ mộ vào việc vận chuyển cùng với các tỉnh, thành và thị xã ở phía nam như Sài Gòn - Chợ Lớn, Biên Hòa, Lái Thiêu… và được ưa chuộng, trong thời gian dài, tạo nên một đặc điểm văn hóa riêng biệt.
Theo một số nguồn thì xe thổ mộ xuất phát từ xe song mã, được người Pháp đưa vào Bình Dương và miền Đông Nam bộ để phục vụ các quý tộc thời ấy. Thấy loại xe này tiện dụng, nên người dân Bình Dương đã mô phỏng và chế lại. Thùng xe được làm bằng gỗ quý, chắc chắn, là tài nguyên sẵn có của Đông Nam bộ. Xe có mui che nắng che mưa, có khoảng chiếu sạch cho hành khách ngồi và đặc biệt luôn có một giỏ cỏ cho ngựa ăn, nên còn gọi là xe "thảo mã". Nhiều cụ già ở Bình Dương có các cơ sở đóng xe thổ mộ rất nổi tiếng, nhất là các vùng Tương Bình Hiệp, Phú Cường hay Thuận Giao. Ngày nay, những nghệ nhân ấy có người mất người còn nhưng những chiếc xe thổ mộ cổ vẫn còn nhiều nơi lưu giữ. Đặc biệt hiện nay, người ta hay dùng những chiếc xe mô phỏng để trang trí trong các khu du lịch hoặc sân vườn, như lưu dấu một thời vàng son của loại xe này trên đất Thủ Dầu Một xưa và cả vùng Đông Nam bộ.
Hồi đó, thấy ai đi xe thổ mộ là biết đi chợ Thủ hay ở chợ Thủ về. Kể ra mỗi lần đi chợ là mua sắm đồ nhưng với thời ấy đi chợ Thủ cũng sang không kém gì đi du lịch. Bởi vì được đi xe thổ mộ, được ngồi vắt vẻo trên thùng xe, bên cạnh là các phẩm vật tâm đắc vừa mua được. Có rất nhiều câu chuyện được các bà các cô kể cho nhau rôm rả trên xe, tiếng cười tiếng nói hòa lẫn trong làn gió mát rượi.
Có những buổi trưa trời nắng tôi bị mẹ bắt ngủ trưa, nghe tiếng xe ngựa nhưng không chạy ra xem được, thế là tôi tiếc hùi hụi. Tôi nằm trên chiếc võng sau hè, nghe tiếng lộc cộc của xe ngựa từ xa tới gần rồi từ từ nhỏ dần. Tôi tưởng tượng trên xe là những khuôn mặt vui cười của những người đi xe và cả những khuôn mặt vui cười của những đứa trẻ như tôi khi bà và mẹ bước xuống xe thổ mộ, tay xách mấy cái giỏ mà thế nào cũng có quà bánh mang về từ chợ Thủ.
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.
Bình luận (0)