Chú ong cần mẫn trong đêm
Tiết trời miền Bắc mùa đông thật lạnh, thế nhưng tôi vẫn nhận được tin nhắn của anh Hiếu vào lúc 21 giờ để rủ đi vá đường: "Em cố gắng ra nhé! Nhóm anh lần này đi đông lắm!".
Trong khi tôi đang đứng co ro vì lạnh bên lề đường thì Hiếu vừa điều phối xe tải chở vật liệu, phân luồng giao thông và cùng một số bạn trẻ vá đường. Trong chiếc áo phản quang, đi ủng và đeo găng tay, nhiều người qua đường sẽ nghĩ nhóm của Hiếu thuộc đơn vị chuyên trách nhưng thực tế đây đều là những "chú ong" tình nguyện, cần mẫn "trị thương" cho những đoạn đường hỏng mà cơ quan chức năng chưa kịp xử lý.
Chỉ trong khoảng 30 phút, nhóm của Hiếu mỗi người một việc đã vá xong vài ổ gà. Trước ánh đèn pin loang loáng, tôi thấy những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má, những vệt nhọ lấm lem trên khuôn mặt của Hiếu và nụ cười hạnh phúc khi thấy đoạn đường được chữa lành lặn. Rồi, họ cùng nhau chụp bức ảnh kỷ niệm trước khi trở về nhà, có người còn chưa kịp ăn cơm tối - như Hiếu.
Hiếu kể, vào một ngày năm 2010, khi Hiếu đang đi giao hàng bằng xe máy và chẳng may đi vào một ổ gà ngập nước. Hiếu ngã nhào ra đường, rất may chỉ bị xây xước ngoài da. Hoảng hồn tấp vào lề đường chưa được mấy phút, Hiếu tận mắt chứng kiến một người phụ nữ khác cũng bị ngã nhào tại chính ổ gà Hiếu vừa ngã. "Phải làm gì đó với cái ổ gà này, nếu không sẽ có thêm những người khác gặp nạn", Hiếu nhớ lại.
Về nhà, sau một vài ngày suy nghĩ, Hiếu quyết định sẽ đi vá đường. Vốn là một công nhân giao hàng, hằng ngày Hiếu di chuyển cả trăm km và gặp không ít ổ gà lớn bé. Nhiệm vụ khá nặng nề do chính Hiếu đặt ra: anh ghi chú lại thông tin và về nhà chuẩn bị đồ nghề vá đường để buổi tối sau khi hết giờ làm, Hiếu lại... ra đường đi làm - một công việc hoàn toàn không lương.
Để có nguyên liệu vá đường, ban đầu Hiếu tự bỏ tiền ra mua hoặc đi xin nguyên liệu thừa tại các công trình xây dựng. Những lần đầu đi vá đường, nhiều người chưa hiểu việc làm của Hiếu, thấy chàng trai lụi hụi một mình dàn nhựa đường, san san lấp lấp, họ tưởng anh "phá đường" nên báo chính quyền địa phương. Sau khi nghe giải thích, mọi người hiểu nên đã chung tay giúp đỡ, phân luồng giao thông...
Thấy con đi sớm về khuya làm việc bao đồng vừa hao mòn sức khỏe vừa không còn nhiều thời gian cho hạnh phúc cá nhân, cô Lê Thị Chiến - mẹ Hiếu hết sức nóng ruột. Nhưng như duyên trời định, chính từ những lần đi vá đường trong đêm như thế, anh Hiếu đã quen biết chị Lê Thị Phượng (quê Nam Định) và sớm nên duyên vợ chồng. Khi về chung một nhà, hai vợ chồng vẫn thường xuyên cùng nhau đi vá đường, chẳng quản ngại vất vả.
Hiếu hiền lành, chất phác với vẻ bề ngoài có phần thô ráp, mái đầu cua, chân tay vạm vỡ. Hiếu chẳng mấy khi nói về bản thân hay đăng những bức ảnh đi vá đường lên mạng. Nhờ duyên, một số bạn trẻ biết đến việc làm của Hiếu đã xin gia nhập và lập Nhóm vá đường huyện Thường Tín từ năm 2016. Kể từ đó, Hiếu có thêm đồng đội chia lửa, hễ thành viên nào phát hiện ổ gà, ổ voi sẽ chụp hình ảnh và gửi lên nhóm Zalo; rồi Hiếu sẽ lên kế hoạch chuẩn bị nhân sự, vật liệu và tiến hành vá ổ gà đó sớm nhất. Tính đến nay, Hiếu không nhớ nổi đã xóa sổ bao nhiêu ổ gà, ổ voi ở TP.Hà Nội và một số tỉnh lân cận, chỉ biết hầu như ngày nào Hiếu cũng đi vá đường và 23-24 giờ mới về nhà nghỉ ngơi.
"Cây ATM máu sống"
Về thăm ngôi nhà nho nhỏ của Hiếu, ngoài nhóm đồ nghề với những bao tải nhựa đường, đá dăm, găng tay cao su, áo phản quang... cất trong chái bếp, tôi còn thấy những cuốn "sổ đỏ" chứng nhận hiến máu của Hiếu từ năm 2010.
Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo có đông chị em, Hiếu được bố mẹ cho ăn học hết lớp 12 và sau đó tình nguyện nhập ngũ. Trong môi trường quân ngũ, Hiếu bắt đầu biết đến ý nghĩa nhân văn của hiến máu cứu người và anh hăng hái tham gia.
Kể từ đó, cứ đều đặn khi đủ điều kiện, Hiếu lại tìm đến Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư để hiến máu. Gần đây, Hiếu còn hiến thêm tiểu cầu, tổng số lần hiến máu và tiểu cầu của Hiếu đã lên đến con số gần 90. Hiếu trở thành "khách quen" đối với cán bộ của viện.
Cũng chính từ lý lẽ trong trái tim rằng, khi thấy người gặp nạn thì phải cố gắng giúp đỡ nên hễ gặp ai bị tai nạn giao thông trên đường, Hiếu đều là người đầu tiên chạy đến giúp đỡ họ, đưa họ vào bệnh viện gần nhất. Mấy lần đưa nạn nhân vào bệnh viện, họ cần máu gấp để cấp cứu thì Hiếu sẵn sàng trao đi. Thế nên, Hiếu còn trở thành "địa chỉ đỏ" của một số bệnh viện mỗi khi cần máu; thậm chí có những lần Hiếu sẵn sàng vượt hơn 30 km kể cả lúc đêm khuya hay mưa giông gió bão để hiến máu.
Ngoài ra, Hiếu còn là một tuyên truyền viên về hiến máu với người thân bạn bè. Hiếu cười hiền và nhẩm tính với tôi rằng, giờ mỗi lần đi hiến máu anh cố gắng vận động thêm ít nhất 10 người cùng hiến. Đợt cuối năm 2023, Hiếu đã vận động được gần 20 người cùng tham gia hiến máu và tiểu cầu tại Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư.
Người đam mê làm việc thiện như Hiếu thì chẳng giây phút nào không nghĩ tới trao đi và cố gắng làm mọi điều tốt có thể để trong lòng được an yên, trong trái tim được ấm áp. Điều lạ rằng, Hiếu chẳng bao giờ khoe khoang với ai, cứ âm thầm lặng lẽ dâng hoa thơm cho đời. Song, không vì thế mà các chương trình do Hiếu tổ chức (như trồng cây xanh, dọn rác kênh mương, vận động quà tết cho người nghèo...) trên địa bàn huyện Thường Tín suốt nhiều năm qua nhỏ lẻ, đơn độc.
Anh Lý Văn Sơn, Bí thư Đoàn thanh niên xã Hà Hồi, nhận xét: "Suốt 14 năm qua, anh Hiếu đã tình nguyện vá đường, việc làm của anh thể hiện tinh thần sống đẹp vì cộng đồng cho dù anh cũng rất bận rộn với công việc mưu sinh. Ngoài ra, anh còn kêu gọi được một số bạn trẻ tham gia vá đường và hiến máu nhân đạo, các hoạt động xã hội. Đây đều là những việc làm ý nghĩa và nhân văn". Năm 2023, anh Hiếu vinh dự được UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt việc tốt", ghi nhận những đóng góp thầm lặng của anh cho cộng đồng.
Bình luận (0)