Hành trình bánh mì Việt Nam: Xe bánh mì nhỏ, hiệu quả kinh tế lớn

10/10/2022 06:42 GMT+7

Với mạng lưới bán hàng phủ khắp từ ngoài đường tới ngõ hẻm, bánh mì không chỉ mang lại sinh kế cho người dân mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế VN.

Những xe bánh mì chở tương lai cả gia đình

Với những người sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, tiếng rao “Ai bánh mì nóng không… Bánh mì nóng giòn, đặc ruột, thơm bơ” trên những chiếc xe đạp chở theo thúng bánh mì nóng hổi đã trở nên quen thuộc. TP.HCM có thể nói là “thủ phủ” của các loại bánh mì. Hiếm thấy con đường nào ở TP.HCM mà không san sát những tiệm bánh mì nối kề nhau. Xen lẫn những cửa hàng lớn của các thương hiệu bánh mì nổi tiếng mà người ta thường xếp hàng dài chờ mua như bánh mì Như Lan, Huỳnh Hoa, Tuấn Mập, Minh Châu… là hàng ngàn xe bánh mì nhỏ. Thậm chí, chỉ 1 m2 ở con hẻm nào đó cũng có thể hình thành nên 1 “cơ sở kinh doanh” bánh mì tấp nập người mua.

Theo các chuyên gia, mạng lưới phân phối bánh mì VN còn là một cấu thành kinh tế quan trọng

Nhật Thịnh

Ngay một đoạn đường ngắn Nguyễn Thị Nhỏ (Q.11) chưa tới 1 km, mỗi buổi sáng có gần chục xe bánh mì đứng bán. Đó là tủ bánh mì thịt giá 25.000 đồng/ổ, bánh mì que Đà Nẵng, bánh mì thịt nướng Đà Nẵng, bánh mì cô Ba, bánh mì Hưng, bánh mì Tuấn Mập hay 2 tủ bánh mì không tên đặt cạnh Trường tiểu học Trưng Trắc… Nếu quẹo qua đường Tân Phước cách đó 50 m, có thêm 4 xe bánh mì đối diện Trường trung học Lý Thường Kiệt, tiếp đó là 2 xe bánh mì chả cá Má Hải... Tương tự, trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình), một đoạn đường ngắn từ Lũy Bán Bích về Lạc Long Quân, thử đếm cũng đã có gần chục tủ bánh mì lớn nhỏ, từ tủ bánh mì cô Ánh (có lò bánh mì làm tại chỗ) quy mô, đến tủ bánh bé xíu đặt ngay đầu hẻm nhỏ gần ngã tư Lạc Long Quân… Đằng sau những xe bánh mì tạm bợ đó là cuộc sống của cả gia đình.

Bánh mì Việt Nam: Từ xe đẩy vỉa hè đến món ăn nổi tiếng thế giới

Vừa thoăn thoắt xẻ bánh, phết patê, cho thịt gà xé, chả và đồ chua vào ngập chiếc bánh mì trong tay, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh (60 tuổi, chủ tiệm bánh mì Cô Bích trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp) vừa kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện đổi đời nhờ xe bánh mì “cóc” của mình. “Trước cô ở đợ cho chủ tiệm bánh mì nổi tiếng nhất Sài Gòn nhưng sau đó nghỉ, làm công nhân cho các xí nghiệp nhưng không đủ tiền nuôi 2 đứa con. Chồng thì thất nghiệp, cuộc sống khó khăn vô cùng. Năm 1992, hai vợ chồng tính toán rồi gom hết vốn liếng mở 1 xe bánh mì nhỏ xíu ngay đầu hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thái Sơn. Mỗi ngày bán vài ba chục ổ, tuy không dư dả gì nhưng vẫn có đồng ra đồng vô để nuôi con. Đây, mỗi ngày xé hàng chục ký thịt gà nóng chai sần hết cả tay”, cô Ánh rút bao tay ra chìa trước mặt chúng tôi, nhưng giọng thì đầy niềm tự hào.

Tròn 30 năm làm nghề, từ vài chục ổ bánh, bánh mì Cô Bích tăng từ từ lên 100 ổ và rồi đến nay đã tiêu thụ từ 1.600 - 1.700 ổ/ngày. Dần dà, cô Ánh mua được nhà và mở thêm tiệm thứ 2 cùng tên bên đường Lê Quang Định (Q.Gò Vấp). Trung bình, 1 ổ bánh mì Cô Bích giá 20.000 đồng, doanh thu tiệm bánh mì “cóc” này lên tới khoảng 32 - 34 triệu đồng/ngày, giải quyết công ăn việc làm cho 4 người. “Tiệm bánh giúp cô nuôi 4 đứa con lên đại học. Có 3 trong 4 đứa quay về nối nghiệp cha mẹ nữa. Nhờ bánh mì mà gia đình cô có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay”, cô Ánh kể.

Trong khu vực Lữ Gia (Q.11), vợ chồng anh Tuấn - chị Hương, chủ xe bánh mì, nước giải khát cũng “đổi đời” nhờ bánh mì. Không biển hiệu cầu kỳ, xe bánh mì của anh chị Tuấn Hương đặt ngay khu vực có 2 trường học, 1 tòa nhà văn phòng và hội sở của một ngân hàng nên bán buổi sáng đến trưa thu về được 2,5 - 3 triệu đồng. “Trước tôi làm phụ vác, đóng hàng áo quần cho sạp ở chợ Tân Bình, lương 8 triệu đồng/tháng.

Nhưng rồi vợ nghỉ sinh con, khó khăn quá, 2 vợ chồng nghĩ tới bán bánh mì, quan trọng phải ngon thì mới “thắng” được. Vợ tôi học cách làm xíu mại, patê, mua chả bò Đà Nẵng… rồi đóng xe bánh mì bán từ đầu năm học đến nay. Một ngày cũng thu về 2,5 - 3 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình và có thêm một ít để dành dụm”, anh Tuấn cho hay.

Mạng lưới bán hàng độc đáo

Có thể nói, hiếm có mặt hàng nào có độ phủ sóng lớn hơn những điểm bán bánh mì tại TP.HCM. Cuối năm 2021, sau cuộc “càn quét” của Covid-19, ước tính giai đoạn giãn cách xã hội đã khiến 28,4 triệu lao động bị ảnh hưởng do mất việc, giãn việc, giảm lương. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,98% - cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Những ngày đầu tiên sau mở cửa phục hồi kinh tế, một trong những công ty giới thiệu việc làm lớn nhất cả nước đã tổ chức chương trình kết nối việc làm và giúp người lao động có nhu cầu kiếm việc ứng tuyển thông qua… các xe bánh mì bán rong. Hàng trăm xe bánh mì bình dân trên đường trở thành trung tâm giới thiệu việc làm lưu động. Ý tưởng kết nối việc làm thông qua những xe bánh mì bắt nguồn từ đặc thù mạng lưới rộng khắp, bao phủ, kết nối nhiều nhất với đối tượng người lao động phổ thông. Chỉ trong 4 tuần triển khai chiến dịch, đã có gần 1 triệu người tìm được việc làm thông qua các xe bánh mì bình dân.

Cũng bởi chi phí đầu tư ban đầu không quá cao nên khởi nghiệp bằng bánh mì đang trở thành trào lưu của các bạn trẻ sau đại dịch. Chia sẻ với Thanh Niên, anh Lê Quốc Thạch, người sáng lập bánh mì Kebab Torki, với gần 200 xe, ki ốt, cửa hàng bánh mì ở 39 tỉnh thành, cho biết: Một xe bánh mì chi phí ban đầu chỉ khoảng 45 triệu đồng. Các xe bánh mì linh động, dễ chuyển tới lui, quan trọng là các “start-up” có thể khởi nghiệp ngay tại địa phương mình mà không nhất thiết phải tới các đô thị lớn. Bởi ở bất cứ đâu, bánh mì đều có thị trường rất tiềm năng. Trong khi đó, trên các trang mạng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, nhiều người đã thành công với những xe bánh mì mà số vốn ban đầu chỉ 1 triệu đồng, thu lời về gấp 3 - 4 lần.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN, đánh giá: Mạng lưới bán bánh mì là một nét văn hóa độc nhất vô nhị ở VN. Bánh mì có mặt ở khắp nơi vì người Việt có thói quen mở cửa ra là có thể mua được đồ ăn dễ dàng, tiện lợi. Thói quen mua bán dân dã này lại vô tình trở thành hiện đại, khi các mô hình bán hàng “door to door” - phục vụ đồ ăn tận cửa - trở thành xu thế sau đại dịch. Điều này tạo nên một nét văn hóa đặc trưng, chỉ có tại VN nhưng vẫn bắt kịp được xu hướng của thế giới.

Bánh mì bì xíu mại nóng hổi đầy ú ụ giá cực bình dân ngay tại Sài Gòn

Ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích, VN là một nước nông nghiệp, một trong các nước đứng đầu thế giới về tiêu thụ heo, gà, cá… Do có nhiều địa hình khác nhau, mỗi vùng lại có một nguồn nguyên liệu đặc trưng, phong phú. Ngay trong chiếc bánh mì, dù chỉ là ít rau thơm nhưng mỗi vùng miền cũng có thể biến tấu để thêm vào đó những lợi riêng của địa phương mình. Vì thế, mạng lưới rộng khắp của bánh mì còn tạo được sự luân chuyển đối lưu trong xã hội, trở thành kênh tiêu thụ nông sản và thực phẩm với số lượng rất lớn, đều đặn hằng ngày. Cùng với đó, số lượng hàng triệu xe bánh mì, cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh mì trên cả nước đã giúp giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động nhàn rỗi, từ không chuyên nghiệp cho tới chuyên nghiệp, tay nghề cao. Nhờ đó, dòng luân chuyển tiền tệ của mạng lưới này cũng hết sức “ghê gớm”. Đây là những mạch nguồn nhỏ, bám sát hệ thống hạ tầng dân cư, tích lũy lại tạo ra một thị trường lớn.

“Bánh mì có thể được bán ở những khách sạn, nhà hàng sang trọng, cũng có thể được phân phối qua những hộ kinh doanh hoặc trải rộng qua các xe bán hàng rong. Mạng lưới này nuôi sống cả người mua và người bán. Trong và sau đại dịch, đây cũng là những thành phần kinh tế có thể dễ dàng linh hoạt mở lại đầu tiên, duy trì nguồn cung hàng hóa, giúp hệ thống cung ứng không bị gãy đổ, tạo tiền đề phục hồi các ngành kinh tế. Không chỉ là một nét văn hóa hiếm có, mạng lưới phân phối bánh mì VN còn là một cấu thành kinh tế quan trọng, ưu việt, có sức sống và tiềm năng phát triển mạnh”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.