Ngay từ khi sinh ra, Hoàng Thị Phương đã bị khuyết thiếu xương bánh chè khiến chân không thể co gập được như người bình thường. Suốt những năm tháng còn nhỏ, cô bé đã trải qua biết bao cuộc phẫu thuật để có thể đứng được trên đôi chân của mình.
Vậy mà kể cả khi đã 3 tuổi, Phương vẫn chưa thể tự đi mà phải dùng đôi tay thay cho bàn chân của mình. Đến năm 4 tuổi, Phương mới có thể chập chững được những bước đi đầu tiên, dẫu còn vô cùng khó khăn, chật vật. Cũng vì khiếm khuyết trên cơ thể, Phương dần thu mình lại trước sự trêu chọc của bạn bè.
Học hết lớp 9, Phương quyết định không thi cấp 3 mà học trường nghề cho thanh niên khuyết tật, bất chấp sự phản đối của bố mẹ, thầy cô và bạn bè. Cũng từ đây, cuộc đời của Hoàng Thị Phương được mở sang một trang mới.
Học tập tại môi trường có nhiều bạn với những dạng khuyết tật khác nhau, Phương dần nhận thức được rõ ràng hơn về khó khăn của bản thân và đồng cảm với những hoàn cảnh kém may mắn hơn. Từ đó, cô luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như vậy. Sau 2 tháng gắn bó với trường nghề, Hoàng Thị Phương được truyền cảm hứng để quay trở lại tiếp tục học hết cấp 3. Đến năm 2020, Phương đăng ký thi đại học và xuất sắc đỗ vào ngành Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
Tưởng chừng như khiếm khuyết cơ thể sẽ khiến Hoàng Thị Phương gặp khó khăn trong những năm tháng học đại học, thế nhưng cô gái trẻ vẫn có thời sinh viên rực rỡ như bao người. Thậm chí, Phương còn "mượn" những khó khăn của mình làm động lực để giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh kém may mắn hơn nữa.
Ngay từ năm nhất, Phương đã tham gia tình nguyện cho các chương trình như Trao yêu thương cho các em nhỏ vùng cao hay Hiến máu tình nguyện. Dần dần, Phương nhận được sự tín nhiệm của mọi người và trở thành Phó chủ tịch CLB Sinh viên Khuyết tật Hà Nội. Năm 2023, Hoàng Thị Phương trở thành đại biểu tại chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt", đại diện cho thế hệ thanh niên khuyết tật Việt Nam vươn lên trong cuộc sống.
Không chỉ học tập chăm chỉ và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, Hoàng Thị Phương còn chú trọng rèn luyện sức khỏe. Cô gái trẻ mang một tình yêu lớn với thể thao, bởi với cô, thể thao không chỉ giúp bản thân mạnh mẽ hơn mà còn giải tỏa được tâm lý, cảm xúc của mình. Chứng kiến những thay đổi tích cực mà thể thao mang lại, Phương quyết định đăng ký tham gia vào CLB thể thao dành cho người khuyết tật và xuất sắc dành thêm một số thành tích trong thể thao. Hiện tại, Phương cũng vinh dự được góp mặt trong tổ trọng tài đầu tiên của thể thao khuyết tật Việt Nam được cấp chứng nhận quốc gia.
Trên chặng hành trình lan tỏa yêu thương của mình, Hoàng Thị Phương luôn có những người bạn, những người đồng đội thân thương. Phương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người luôn đồng hành cùng cô từ những bước đi chập chững đầu tiên, cho đến tận bây giờ khi cô tiếp tục dấn thân trên chặng hành trình đầy ý nghĩa phía trước. Đối với Phương, tình yêu thương của mọi người và niềm đam mê với thể thao đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô.
Suốt 4 năm học tập ở Hà Nội, Hoàng Thị Phương đã thay đổi rất nhiều. Không còn là cô gái tự tin, rụt rè vì sợ bạn bè trêu chọc như hồi còn nhỏ, giờ đây Phương được đi, được làm và được khai phá hết tiềm năng của bản thân. Cô gái trẻ đã đi một hành trình dài với sứ mệnh lan tỏa yêu thương và chưa hề có ý định dừng lại. Sau khi tốt nghiệp đại học, ngoài việc công tác trong mảng giáo dục, Phương vẫn mong muốn được tiếp tục phát triển các dự án vì cộng đồng người khuyết tật.
Cô gái trẻ Hoàng Thị Phương là minh chứng sống động cho thái độ sống tích cực, luôn có thể bay vào ngày xanh với những niềm vui dẫu cho cuộc sống còn đầy gian nan phía trước.
Bình luận (0)