Hành trình vào vùng đất chết- Kỳ 2: Hiểm họa tiềm tàng

09/07/2012 03:00 GMT+7

Sau khoảng 2 giờ chạy xe, chúng tôi bắt đầu thấy hai bên đường thưa dần bóng nhà cửa và mỗi lúc một nhiều hơn những “bông hoa 3 cánh”.

>> Kỳ 1: Chernobyl hành trình vào vùng đất chết

Kế hoạch B của tôi là một tổ chức khác, theo sự giới thiệu của Diễn đàn Prypiat. Lần này, sau khi đã đóng đủ tiền cho đại diện của Tour 2 Kiev, tôi vẫn chưa cảm thấy an tâm: “Vậy là chắc chắn rồi chứ?”. Cô quản lý Svetlana cười: “Đối với Chernobyl thì không gì chắc chắn cả, nhưng có vẻ mọi chuyện sẽ diễn ra đúng kế hoạch” và rồi lại đưa ra cam kết mà tôi chẳng muốn nghe chút nào: “Nếu chuyến đi bị hủy, anh sẽ được hoàn lại tiền cọc”. 

Chàng thanh niên tên Mark

Buổi sáng, tôi đến quán McDonald bên ngoài ga tàu điện ngầm Minska ở phía bắc Kiev, theo lời hẹn của Svetlana. Cứ tưởng rằng mình sẽ đi cùng một đoàn nhiều người, nhưng rốt cuộc chỉ có 4, gồm tôi, một gã Thụy Điển nhỏ con tên Eryk Larsson, một gã Nga phốp pháp tên Dmitar Yushev, và cô hướng dẫn xinh đẹp Elena. “Các anh mang theo hộ chiếu, áo dài tay chứ?” là câu hỏi đầu tiên của Elena, tất cả chúng tôi cùng gật đầu. Thế là chiếc Kia Rio màu nâu nhỏ xíu bon bon hướng về phương bắc.

Hành trình vào vùng đất chết: Hiểm họa tiềm tàng
Một góc Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - Ảnh: Đỗ Hùng 

Sau chừng hai tiếng đồng hồ, chúng tôi bắt đầu thấy hai bên đường thưa dần bóng nhà cửa và mỗi lúc một nhiều hơn những “bông hoa 3 cánh”. Đấy là các biển báo khu vực nhiễm xạ, loại biển hình tam giác màu vàng, bên giữa có ký hiệu hình “bông hoa 3 cánh”. Nhiều biển báo, sau thời gian lâu không sơn phết lại, trở nên xám xịt, nên “bông hoa 3 cánh” trông giống như hình đầu lâu.

“Tại sao anh lại muốn đến Chernobyl?”, tôi hỏi Larsson. Chàng trai Thụy Điển ngoài 30 tuổi cười: “Vì nơi này ít người tới. Tôi thích đến những nơi như vậy. Tôi muốn tìm hiểu chuyện gì đã và đang xảy ra ở Chernobyl”. Larsson làm cho một cơ quan cứu trợ thuộc chính phủ Thụy Điển. Yushev là một kiến trúc sư ở thành phố Murmansk của Nga, anh muốn tìm lại những dấu ấn kiến trúc Xô Viết tại thành phố ma Prypiat.

Tầm trưa, chúng tôi tới trạm kiểm soát đầu tiên của Khu phong tỏa Chernobyl. Thủ tục kiểm tra khá lâu. Đi kèm chúng tôi suốt ngày hôm ấy là một chàng thanh niên tên Mark, nhân viên của Ban quản lý Chernobyl. 

Nhìn Mark còn rất trẻ, tôi băn khoăn: “Cậu làm việc ở đây không sợ nhiễm phóng xạ sao?”. Mark cười: “Không hề. Thảm họa đã xảy ra lâu rồi và được xử lý rất tốt, bây giờ thì chất phóng xạ cũng đã tiêu tán hết. Độ phóng xạ đo được ở đây thường ở mức trung bình của trái đất, không có hại cho sức khỏe. Công tác kiểm soát luôn được thực hiện chặt chẽ nên có bất cứ nguy cơ nào thì tụi em cũng có thể tránh được”.  

Ngày thảm họa

Nhà máy điện hạt nhân mang tên V.I.Lenin ở Chernobyl là một tổ hợp công nghiệp đồ sộ, với 4 lò phản ứng, mỗi lò công suất 1.000 MW. Nhà máy nằm bên bờ sông Prypiat, cách thủ đô Kiev hơn 100 km về phía bắc, và cách biên giới Ukraine - Belarus (lúc bấy giờ đều thuộc Liên Xô) chưa đầy 20 km. 

Việc xây dựng nhà máy V.I.Lenin cũng như thành phố Prypiat kế cận được thực hiện từ năm 1970, sau đó 7 năm thì lò phản ứng số 1 đi vào hoạt động. Các lò số 2, số 3 và số 4 lần lượt vận hành vào các năm 1978, 1981 và 1983. Người ta còn xây thêm hai lò số 5 và 6 nữa, nhưng giữa chừng thì sự cố xảy ra tại lò số 4 nên công việc bị hủy.

Thảm họa xảy ra vào lúc 1 giờ 23 phút (giờ Moscow) ngày 26.4.1986. Trong khi tiến hành chạy thử hệ thống tua bin hơi nước thì năng lượng và áp suất tăng đột biến, làm vỡ bồn trung tâm lò phản ứng. Nhiều tiếng nổ lớn phát ra, kèm theo là lửa cháy và một lượng bụi phóng xạ cao gấp 400 lần vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima phát tán. Có tới 9 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng. Số liệu được công bố vào thời hậu Liên Xô cho biết Belarus chịu hậu quả nặng nề nhất, khi hứng tới 60% lượng phóng xạ. 

Ban đầu, Moscow cố gắng bưng bít thông tin nên thế giới bên ngoài chỉ có thể đoán già đoán non. Tới ngày 28.4, dân thường Liên Xô mới biết những tin tức đầu tiên về thảm họa, khi Đài truyền hình quốc gia Vremya dành 20 giây để nói về “một sự cố đã được khống chế ở Chernobyl”. Bên ngoài Liên Xô, Nhà máy điện hạt nhân Forsmark ở Thụy Điển, nằm cách Chernobyl tới 1.100 km, là nơi đầu tiên phát hiện bụi phóng xạ. Thoạt tiên, khi các thiết bị tại Forsmark báo động, các chuyên gia Thụy Điển tưởng rằng nhà máy của mình bị rò rỉ, nhưng sau một hồi kiểm tra, họ biết được rằng đó là bụi “ngoại xâm”. Đến lúc này thì Liên Xô mới thừa nhận có sự cố nghiêm trọng.

Sau thảm họa Chernobyl, người ta đã di dời dân đi khỏi khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp để thiết lập vành đai phong tỏa. Theo thống kê của chính quyền, từ năm 1986 tới 2000, người ta đã sơ tán 350.400 dân. Vùng cấm được lập có bán kính 31 km, chỉ nhân viên hữu trách mới được vào. Từ năm 2011, chính quyền tại Ukraine bắt đầu mở cửa có giới hạn cho khách tham quan.

“Có nhiều khách tới đây không?”, tôi hỏi Mark khi xe vừa dừng lại ở trạm kiểm soát thứ hai, ngay trước ngõ vào thị xã Chernobyl. Anh chàng đáp sôi nổi: “Nhiều lắm. Ngày nào cũng có”. Thực ra khái niệm “nhiều” ở đây phải đặt trong sự tương quan với một địa danh đặc biệt như Chernobyl, tức là mỗi ngày có từ vài người tới vài chục người, chủ yếu là nhà báo, nhà nghiên cứu... Một số hãng du lịch đưa du khách tới đây nhưng theo đường “chui”.

Khi gặp Mark và Elena cũng như các nhân viên làm việc trong vùng phong tỏa, chúng tôi luôn được trấn an về sự an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế thì Chernobyl vẫn còn ô nhiễm nặng. Người ta tính rằng, cần phải mất 200 năm thì ô nhiễm phóng xạ mới cơ bản được giải quyết, còn để cho con người trở lại sống bình thường thì phải sau 20.000 năm nữa.

Điều nguy hiểm là trong khu vực phong tỏa, lượng phóng xạ phát tán không đều, có nơi rất cao nhưng có nơi thì ở mức an toàn. Lúc chúng tôi trở về từ thành phố ma Prypiat, khi qua khu vực phía tây nhà máy Chernobyl, Elena đóng kín cửa xe. “Nơi này nằm dưới chiều gió lúc xảy ra thảm họa, nên lượng phóng xạ còn cao. Chỉ chỗ này là nguy hiểm, mấy chỗ khác thì bình thường”, cô giải thích.

Chính vì những nguy cơ tiềm tàng nên các nhân viên trong vùng cấm chỉ làm 5 tiếng mỗi ngày trong vòng một tháng, sau đó được nghỉ 15 ngày và được giám sát sức khỏe chặt chẽ.

Còn chúng tôi chỉ tới đây trong một thời gian ngắn, hy vọng sẽ không sao. (Còn tiếp)

Đỗ Hùng

>> Thảm họa hạt nhân Fukushima là do lỗi con người
>> Nỗ lực chặn thảm họa hạt nhân
>> Thảm họa hạt nhân trong lòng nước Mỹ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.