Hành trình vượt khó của con chú lùn 70 cm

29/07/2019 10:40 GMT+7

'Con của chú lùn', đó là câu nói khiến thầy giáo Trần Quốc Toản, 41 tuổi, hiện đang trú ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM hãnh diện nhất suốt một thời thơ bé.

Cha của Toản cao vỏn vẹn 70 cm, nhưng ông nhất định chối từ lời mời tham gia xác lập kỷ lục Guinness người thấp nhất VN hồi năm 2000. Điều này với ông không quan trọng bằng việc xấp vé số bán có hết, bầy con có bữa cơm no.
“Con của chú lùn”, đó là câu nói khiến thầy giáo Trần Quốc Toản, 41 tuổi, hiện đang trú ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM hãnh diện nhất suốt một thời thơ bé. Khi đó, cha anh dù chỉ đi bán vé số nhưng với tài năng diễn sân khấu, cải lương đi đến đâu cũng được mọi người hò reo, tán thưởng.

Cuộc hôn nhân kỳ diệu của chú lùn

Cha của anh Toản tên là Trần Đại Hải (sinh năm 1947) quê ở H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. Là người độc nhất trong dòng họ có hình dáng của chú lùn, bù lại ông Hải rất thông minh (ông từng tự hào về thành tích là người duy nhất trong một làng ở Huế nhận bằng tiểu học), có nhiều tài lẻ như ca hát, diễn xướng trên sân khấu. Chính vì điều ấy, ông Hải đã chinh phục được bố vợ của mình để cưới được cô vợ cao 1,6 m (hơn ông 90 cm), đẹp nổi tiếng trong vùng ngày ấy, tuy khả năng hạn chế, lúc nhớ lúc quên sau một lần tai nạn ngày nhỏ.

Anh Toản nhìn lại những hình ảnh của cha

Ảnh: Thúy Hằng

Chồng thông minh hoạt bát nhưng lùn; vợ cao đẹp nhưng hơi chậm chạp, người ta lo âu liệu các con của ông Hải có gì bất thường? Thật may mắn, vợ chồng ông sinh được 6 người con (nay còn 5) thì tất cả đều giống mẹ cao lớn, giống cha nhanh nhẹn, tinh tường, đặc biệt là Toản, vầng trán cao, đôi mắt khôi ngô. Cả làng ai cũng trầm trồ về gia đình của chú lùn Hải. Sau này, ông Hải đưa vợ con về vùng kinh tế mới ở Gia Lai làm nương rẫy, chăn nuôi, chàng trai nặng hơn 40 kg và cao 70 cm một mình làm đủ việc nặng nhọc để nuôi vợ và đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn, từ cuốc đất, trồng cây, nuôi lợn gà. Ông cũng khôn khéo nhờ sự hỗ trợ của người dân bản xứ, nhờ thế mà bầy con được ăn cơm no.
Anh Toản còn nhớ mãi, lúc đó mới 3 tuổi, trong túp lều dột nát tứ bề ở Gia Lai, mỗi khi trời mưa thì nước chảy khắp nơi, một mình cha anh cứ cầm những cái thau chậu chạy hết góc này tới góc khác để hứng nước. Buổi đêm, trong nhà thắp những ngọn đèn dầu, những con mối say ánh đèn ngã hết xuống các chậu nước, cha của anh lại lọ mọ vợt hết số mối ấy, mang đổi cho bà con các dân tộc ở Gia Lai lấy gạo, khoai, sắn mang về cho vợ con.
Hành trình vượt khó của con chú lùn 70 cm

Những hình ảnh của gia đình chú lùn Trần Đại Hải

Bà Phạm Thị Bòng, năm nay 65 tuổi, mẹ của anh Toản lúc nhớ lúc quên, thế nhưng vẫn không quên được trong suốt cuộc hôn nhân lắm nụ cười và cũng nhiều nước mắt của mình, bà nhiều lần bồng người chồng của mình qua những đoạn đường đầy ổ voi hay những vũng nước lầy lội. Còn trong tâm trí anh Toản, cha mình chỉ cần nhảy phắt một cái là lên tất cả những đồ vật có độ cao gấp hai lần chiều cao của ông. Thể hình thấp bé, nhưng cha dạy dỗ các con rất nghiêm, trong nhà lúc nào cũng có cây roi mây, anh Toản hay bất cứ ai không nghe lời, lười học, hỗn hào… ông bắt nằm dài trên sàn nhà, rồi cứ đi qua một lượt, cầm roi quất thẳng tay, cho đến khi mông lằn vết, thật đau, để nhớ.

Bản lĩnh như con của chú lùn

Sau năm 1982, cuộc sống ở Gia Lai quá cực khổ, cả đại gia đình nhà ông Hải lại dắt díu nhau về TP.HCM, ở nhờ nhà bà con, lúc ở Q.3, khi sang Q.8, ông Hải mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Thông minh, vui tính, cộng thêm khả năng biết ca hát, diễn cải lương, gây chú ý trên đường phố, ông luôn bán được nhiều vé số hơn người khác, nhưng vợ không thể đi làm, bầy con càng lớn càng nhiều thứ phải lo, đôi vai của chú lùn Hải lại nặng thêm, mỗi ngày ông đi bộ rạc cả đôi chân. Thương cha quá vất vả, anh Toản xin được đi bán vé số cùng cha, vậy là từ lúc 5 tuổi, chàng trai đã lăn lộn ngoài đời.
Anh Toản giống cha nhất ở sự thông minh, học giỏi, ham học, khát học, biết gia đình quá khó khăn, chỉ có học mới có thể đổi đời, anh Toản sẵn sàng học nửa ngày, còn lại đi buôn bán thêm, phụ giúp gia đình. Ngày anh Toản học lớp 7, ông Hải bệnh nặng, gia cảnh kiệt quệ, không đủ sức nuôi bất cứ ai đến trường. Rưng rưng nước mắt, anh kể lại: “Tôi không thể quên được ngày ấy, đang học thì thấy chị gái tới, chị bảo tôi thu xếp sách vở rồi về, nghỉ học luôn, không còn tiền mà đi học nữa. Tôi khóc òa, tôi xin chị cho tôi học nốt ngày hôm ấy thôi, nhưng chị cứ kéo tôi phải về, bảo là học thêm chút có khác gì. Tôi chạy về nhà, van xin ba tôi, cho tôi làm bất cứ việc gì cũng được, miễn là đừng bắt tôi nghỉ học. Ba gật đầu”. Để được đi học, cậu bé Toản kiêm thêm đủ nghề, từ bán trái cây, tự nấu sữa, bán nghêu sò ốc hến... tới bán thêm báo, vé số, các loại bánh... Cả khu xóm nơi Toản ở mọi người đều khen cậu bé có nghị lực, học giỏi.
Hành trình vượt khó của con chú lùn 70 cm

Bài báo viết về chú lùn Trần Đại Hải ngày trước

Ảnh: Lê Nam chụp lại tư liệu gia đình

Từ cậu bé mưu sinh đường phố tới ông chủ nhiều trung tâm mỹ thuật Khi anh Toản học lớp 9, cả nhà lại chuyển về trọ ở Q.Tân Bình, ngày nào anh cũng lọc cọc đạp xe hai mấy cây số cả đi lẫn về, để học trường THCS ở Q.8. Phải học cả ngày, không có tiền để mua quà bánh, cơm trưa như các bạn, mỗi ngày anh bỏ vào cặp một gói mì tôm, cứ đến trưa mang ra trệu trạo nhai, rồi uống nước cho nở ra, no bụng. “Ngày một, ngày hai thì thấy bình thường, cho tới gần mười ngày nửa tháng, thấy cồn cào, miếng mì tôm trong cổ họng nghẹn đắng lại, tủi thân, nghĩ mình cơ cực thế này biết tới khi nào, hay là bỏ cuộc, nghỉ học, đi làm thuê. Nghĩ về ba, lúc lâm bệnh vẫn mong con trai nên người, tình cảm của thầy cô giáo luôn động viên, khích lệ tôi lại nhủ phải ráng tiếp…”, anh Toản kể.
Tốt nghiệp thủ khoa THCS, anh Toản tiếp tục học lên THPT, vẫn vừa học vừa kiêm các công việc như bán cà phê, bánh dạo, làm hàng thủ công và là ông chủ quán chè khi còn đang học lớp 11. Thi đậu á khoa, ngành sư phạm mỹ thuật, Trường CĐ Sư phạm TP.HCM (bây giờ là Trường ĐH Sài Gòn) và ngành kiến trúc, anh Toản chọn học trường sư phạm để không phải lo học phí, đồng thời vẫn miệt mài làm thêm ở các quán cà phê, biểu diễn sân khấu ở Nhà văn hóa Thanh niên để trang trải cuộc sống. Tốt nghiệp ĐH, anh đi dạy môn mỹ thuật hợp đồng ở nhiều trường tiểu học Q.Phú Nhuận, mãi sau này mới được xét vào biên chế vì thời điểm đó chưa có hộ khẩu thường trú TP.HCM. Không cam chịu trong vòng an toàn, tiền lương được bao nhiêu lại tằn tiện tích cóp để tiếp tục thử sức kinh doanh từ cà phê, tới nội thất, học thêm các ngành thiết kế nội thất, quản trị kinh doanh… Cách đây 8 năm, công ty giáo dục mang tên anh ra đời, anh Toản bán vé số ngày nào khắp ngõ ngách đã thành ông chủ nhiều trung tâm giảng dạy mỹ thuật, thiết kế nội thất có tiếng ở Sài Gòn.

Trái tim của ba

Năm 2010, ông Trần Đại Hải, cha anh Toản qua đời ở tuổi 63 vì ung thư đại tràng, trước đó 10 năm, ông nhất định chối từ lời mời tham gia xác lập kỷ lục Guinness người thấp nhất VN vì nghĩ nó không quan trọng bằng việc ông có bán hết xấp vé số, để lo cho đàn con.
Năm 2012, anh Toản mới có được căn nhà đầu tiên của riêng mình, ở tuổi 34, sau ngần đó năm phải nay đây mai đó ở trọ bên ngoài. Đêm nằm trong căn nhà mới không ngủ được, rớt nước mắt, bởi thương cha, cả một đời người, cha bươn chải ngoài sương gió, một ngày đi bộ vài chục cây số với xấp vé số, chuyển biết bao gian nhà trọ khắp các tỉnh thành, cực nhọc cho tới ngày qua đời, nhưng chưa từng được có một mái nhà riêng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.