Hạt Dẻ cười - truyện ngắn dự thi của Đào Văn Hợp (Vĩnh Phúc)

17/09/2023 16:00 GMT+7

Hạt Dẻ là tên một thiếu nữ. Năm nay cô bé học lớp chín. Bố mẹ Hạt Dẻ rất hiểu tâm lý tuổi teen, nên không đặt nặng thành tích hình thức, không gây áp lực bài vở, điểm số ở trường.

Nhiều bài kiểm tra chẳng được như ý muốn, bố thường động viên còn cả một hành trình dài phía trước để mà phấn đấu. Thảng buồn, bố hay triết lý, kiếp người sống suy cho cùng đều là học cách chấp nhận và chịu đựng. Chấp nhận và chịu đựng cái gì thì bố không nói hẳn ra. Mẹ nghe thế thì bảo cái đầu non nớt của cô chớ có dung chứa những điều lý luận ba xu nhá. Mỗi lẫn như vậy y như rằng bố thường im lặng hoặc bâng quơ đọc ca dao, tục ngữ, thành ngữ kiểu "người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo". Mẹ giả vờ công nghệ bốn chấm không: không nghe không thấy không biết không thèm hiểu. Nhưng trong bốn không ấy bao giờ cũng kèm thêm cái nguýt dài tới mười lăm phút, khuyến mãi thêm cái liếc xéo và nụ cười nửa miệng đầy ẩn ý tìm kiếm đồng minh về phía con gái.

Hạt Dẻ cười - truyện ngắn dự thi của Đào Văn Hợp (Vĩnh Phúc) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Có một lần, Hạt Dẻ tò mò hỏi mẹ thích món hạt dẻ đúng không? Mẹ bảo không thích lắm dù món hạt này vị béo, bùi, ngọt đủ cả. Ngày xưa nhập học mẹ kết bạn chơi thân với một cô huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Mỗi năm nhà bạn thu hoạch cả tấn hạt. Bạn khoe đây là đặc sản duy nhất vùng đất bạn sinh ra mới có. Mẹ phản đối nhà tớ đầy. Bạn không tin, ngay mùa hè đầu tiên mẹ dẫn bạn về chơi. Bạn ngạc nhiên mắt tròn xoe ngơ ngác, sao lạ thế? Mẹ trả lời tớ có biết đâu, lớn lên đã thấy đồi đất nhà mình bao phủ toàn dẻ là dẻ. Bố tớ thì cho rằng chim chóc cắp hạt, hoặc lũ lụt, gió cuốn đưa những hạt từ đâu đó tới đây.

Dù mẹ nói một lô một lốc nữa về tên khoa học, giá trị dinh dưỡng của hạt dẻ nhưng tóm lại Hạt Dẻ vẫn chưa biết được nguồn gốc tên mình.

Chuyện ấy kể sau. Giờ kể chuyện trường lớp. Hạt Dẻ nhớ nhất mùa hè năm lớp hai. Lớp học nhạc Nhà thiếu nhi thành phố. Phố tỉnh lẻ nên nó cũng tĩnh lặng như nhiều làng quê khác. Lớp có đứa con trai bằng tuổi Hạt Dẻ. Nhà nó khác phường. Nó ăn nói năng rất bậy, toàn xưng hô "mày, tao" với tất cả các bạn, kể cả các anh chị lớn tuổi hơn. Hạt Dẻ thắc mắc:

- Ở nhà bạn cũng gọi anh chị lớn như vậy?

- Ờ, tao quen rồi - Nó cộc lốc.

- Tại sao?

- Tại anh tao toàn giành đồ ăn, đồ chơi, chẳng chịu nhường gì cả. À, mày thích học đàn không?

Câu hỏi của nó khiến Hạt Dẻ bần thần. Chính cô bé cũng không biết mình thích hay không. Một đứa trẻ lớp hai thì không thực sự biết mình muốn gì, chứ nói gì đến yêu thích một bộ môn nghệ thuật nào đó. Phần lớn niềm đam mê của cha mẹ được đặt lên vai thế hệ sau. Cũng là những ham muốn lành mạnh. Mãi sau Hạt Dẻ đáp:

- Chắc thích chút chút. Bố tớ bảo học đàn để cân bằng giải trí sau những giờ học căng thẳng. Chưa kể khi buồn phiền có cây đàn làm bạn. Và người bạn này luôn gần gũi ta lúc cần.

- Ừ, có lý.

Đấy có lẽ là ngôn từ lịch sự nhất Hạt Dẻ được nghe từ người bạn mới.

- Còn bố tao bảo học đàn để sau này "câu gái". Tao đếch hiểu câu gái là thế nào. Bố tao giải thích biết chơi nhạc thì nhiều gái theo. Tao thấy hay hay. Thế là tao gật đầu tập đàn.

Buổi tập thứ hai không suôn sẻ. Số là ngón cái bàn tay phải Hạt Dẻ chỉ một gióng như người ta bị cụt, trông kỳ cục như mẩu thịt thừa. Vất vả nhất là lúc tập viết bằng tay trái, nhưng riết rồi Hạt Dẻ cũng quen, viết đẹp và nhanh hơn các bạn khác. Còn lúc này đối diện với các phím đàn, ngón tay chưa mềm dẻo, linh hoạt, Hạt Dẻ cảm giác chán nản thật sự. Bàn tay ai cũng năm ngón chuẩn để vừa luồn, chạy ngón vừa đọc to nốt nhạc hoặc đếm to số ngón khớp phím đàn. Không thể đổi chức năng tay trái, tay phải trong trường hợp này. Vì tay trái làm nhiệm vụ bấm hợp âm, luyến "bend" nhạc cụ dân tộc tranh sáo bầu cò nhị nguyệt..., tay phải chơi giai điệu. Cô giáo biết thế nên bài tập đọc ngón tay Hạt Dẻ không phải thực hiện. Gương mặt cô có chút bối rối do chưa gặp trường hợp nào trước đây. Tuy nhiên, cô vẫn động viên: "Em cố lên, người ta hơn nhau ở ý chí".

Cô thì nói vậy, còn người bạn mới trề môi:

- Bố tao bảo gióng ngón tay phải dài mới dễ dàng tập đàn. Tay mày thế tập không ăn thua.

Hạt Dẻ nghe buồn lắm. Suốt quãng đường về cô bé nín thinh. Gương mặt với đôi mắt trong veo giờ ủ rũ kéo dài như khoảng lặng điệp khúc. Lâu thật lâu, cô gái nhỏ thỏ thẻ:

- Tay con liệu có đánh được đàn không bố?

- Tất nhiên được.

- Bạn con bảo ngón tay dài mới tập được.

- Bạn con nói đúng nhưng chưa chuẩn, ngón tay dài chỉ là lợi thế thôi. Nhiều nhạc sĩ, nhà soạn nhạc lừng danh còn bị điếc, bị mù mà.

- Nhưng tay con thiếu ngón...

Hạt Dẻ bỏ lửng câu nói. Người bố hiểu ý con gái. Ông lại dẫn "Bàn tay kỳ diệu của Sachi" làm ví dụ. Hạt Dẻ đã đọc cả trăm lần cuốn này. Ngày chưa biết chữ bố mẹ thường xuyên đọc cho nghe đến nỗi nhắm mắt cô bé còn hình dung được từng bức tranh minh họa trong sách. Cô bé Sachi không có một bàn tay. Mỗi khi chơi trò chơi tập "làm cha mẹ" thì luôn luôn bị bắt đóng vai con. Hôm đó, Sachi quyết giành phần làm mẹ mà các bạn không đồng ý. Mẹ gì không có tay. Không có tay làm mẹ sao được. Các bạn nhao nhao la ó. Sachi khóc, bỏ về. Mẹ nhẹ nhàng dỗ dành mãi Sachi mới nguôi ngoai. Câu hỏi Sachi lặp đi lặp lại với bố nhiều lần là "Con có làm mẹ được không?". Thông qua tác phẩm, người đọc tự răn mình rằng, sự kỳ thị khiếm khuyết cơ thể không nên tồn tại ở bất cứ môi trường nào.

Bây giờ chính bố đang động viên Hạt Dẻ như cách phụ huynh Sachi thường nói với con gái. Bàn tay con dù khuyết tật do lỗi tạo hóa thì con vẫn có thể sống một cuộc đời bình thường như bao người khác. Nghĩ đến Sachi, cô bé vui vẻ trở lại. Cô mơ ước mình ngồi ngăn ngắn bên cây đàn, bàn tay mềm mại lướt phím, các thanh âm du dương ngân nga vang lên. Hạt Dẻ nói nhiều hơn về người bạn mới. Bố ừ à, hóa ra nó là con ông chủ cửa hàng đồ điện tử, mẹ làm kế toán. Chiếc máy tính năm ngoái bố mẹ mua cho Hạt Dẻ, học online do dịch bệnh, từ cửa hàng nhà nó. Bố bảo thằng này cẳng tay chân dài hơn người, thuộc dạng tướng khác biệt, phải cái trán rộng, cao che lấp hết cằm nên càng lớn càng bất trị. Hạt Dẻ bé tí, chả quan tâm những điều xa xôi, nhớ mỗi biệt danh nó là Hươu Cao Cổ.

Quay lại thắc mắc nguồn gốc cái tên Hạt Dẻ. Cách đây khoảng hai năm, mẹ đợi Hạt Dẻ đủ lớn nghe chuyện tế nhị. Đơn giản là cô được hoài thai bên gốc dẻ nhà ông ngoại từ mười mấy năm trước. Thảo nào mỗi lần nghỉ hè, lên chơi nhà ngoại y như rằng ông dẫn Hạt Dẻ lên đồi ngắm những cây dẻ xù xì mấy chục năm tuổi. Những tán lá xanh um phủ tròn như chiếc lồng bàn úp trên ngọn cây. Mùa hè quả dẻ đang độ trưởng thành, cành cây lủng lẳng từng chùm dẻ gai tua tủa như chôm chôm chính vụ. Mùa xuân hương hoa dẻ ngai ngái thoảng qua mũi khá ấn tượng. Không biết gốc cây nào là nơi ra đời của một sinh linh bé bỏng? Hạt Dẻ chưa tiện hỏi. Ngày đó cặp sinh viên năm cuối đưa nhau về nhà bạn nữ chơi. Yêu lâu dài sâu đậm đã tính tới chuyện ra trường đi làm, cưới nhau. Mẹ xác định không bao giờ đi quá giới hạn. Nào ngờ người con trai nỉ non xin xỏ, hứa hẹn nọ kia, mẹ mềm lòng, gật đầu đồng ý.

- Mẹ có hối tiếc không? - Hạt Dẻ bất ngờ hỏi.

- Hối tiếc điều gì?

- Sinh con ngoài dự kiến?

- Không, không bao giờ, ngay cả khi siêu âm biết ngón tay con khuyết thiếu, bác sĩ khuyên cân nhắc giữ hay bỏ, mẹ nhất tâm quyết định con sẽ là con mẹ.

- Con cảm ơn mẹ.

- Sao lại cảm ơn mẹ, mẹ phải cảm ơn con đã đến để trò chuyện tâm tình với mẹ thì đúng hơn.

Hai mẹ con cùng cười vui hạnh phúc. Mỗi người ta gặp trên đường đời đều là kết quả nhân duyên từ nhiều kiếp trước. Sách viết thế. Hạt Dẻ tin thế. Vậy thì cuộc gặp giữa Hạt Dẻ và Hươu Cao Cổ là nhân duyên gì? Xấu hay tốt? Điều ấy khiến cô bé bận tâm bởi vì sau mùa hè học nhạc đầu tiên không bao giờ hai đứa có cơ hội ngồi chung nữa. Thi thoảng chợt thấy nhau trên phố, cả hai ngại ngùng xem như người xa lạ.

Xa lạ mà vẫn có lúc ngồi chung bàn. Lớp học ngoại ngữ trước khi vào cấp ba. Hạt Dẻ tăng tốc ngoại ngữ cho mục tiêu dài hơi phía sau. Hươu Cao Cổ thì khác. Sức học nó không thi nổi cấp ba, bố nó hướng mục tiêu học năm bảy câu tiếng Anh phòng thân, mai kia học xong bổ túc, làm hồ sơ xuất khẩu lao động.

- Bạn còn tập đàn nữa chứ? - Hạt Dẻ hỏi thử.

- Bỏ lâu rồi. Ba bảy hai mốt ngày tao chán tháo bung bét con đàn khám phá, lắp sai, đánh lên nghe lùng bùng, giật cục. Bố tao cáu, đập nát luôn.

- Lỗi tại bạn nghịch quá!

- Chắc thế. Sau này tao học hành lẹt đẹt, bố tao mắng mày chữ nghĩa không xong, đàn ca sáo nhị không nổi, chỉ có nước cu li xứ người thôi.

Hươu Cao Cổ trầm tư. Ánh mắt nó không còn giống ánh mắt cậu học sinh lớp hai năm xưa. Mái tóc nhuộm hoe vàng trước trán nom đúng chất dân chơi. Dân chơi nhận xét:

- Mày chơi đàn hay đấy. Tao xem clip quay mày đàn trong lễ khai giảng năm ngoái.

- Cảm ơn bạn!

- Chả bù cho tao, người ta nhìn nốt nhạc thì nghĩ đến việc diễn tấu nốt đó ra làm sao. Còn tao, nhìn nốt nhạc tao tưởng tượng đến món giá đỗ xào lòng mề gà. Các móc đơn, móc đôi, móc ba khác gì nhúm giá đỗ ngoài chợ.

Hạt Dẻ suýt phì cười bởi liên tưởng, so sánh quá đỗi hài hước của Hươu Cao Cổ.

Sau kỳ thi cấp ba, bố mẹ thưởng Hạt Dẻ kỳ nghỉ hè dài ở nhà ngoại. Bên gốc dẻ bố mẹ ngồi tâm sự ngày trước, ông ngoại đặt một chiếc ghế đá lưng tựa hình bán nguyệt. Mỗi sáng, ông ngồi uống trà, lắng nghe chim hót, đón bình minh. Mỗi chiều, ông ngồi đợi những sợi nắng vàng vọt vương vấn quanh ngọn núi mờ xa tắt dần, lặng ngắm lá dẻ khô rơi lào xào dưới gốc. Lá thực hiện một vòng đời hữu ích. Lúc sống quang hợp, trao đổi khí... Khi chết biến thành một thứ chất hữu cơ, làm màu mỡ đất đai từng nuôi mình. Hè này, Hạt Dẻ ngồi bên ông. Cô bé đàn bài ông yêu thích. Ông thích nghe giai điệu "Về quê". Ông bảo nghe bài hát ông như thấy khung cảnh miền Bắc cổ với cây đa bến nước sân đình, dòng sông, đồng lúa thẳng cánh cò bay. Các sản vật quê từ bánh đa, bánh đúc đến các thứ thảo thơm được người nhạc sĩ gửi gắm nhiều nỗi niềm tâm tình, hoài niệm cố hương. Hạt Dẻ lẩm nhẩm hai câu đầu "rê rê rê đô là đô là sòn là...". Ông khen cháu. Hạt Dẻ mỉm cười khoái trí. Cô bé khoái không vì lời khen. Hạt Dẻ khoái vì ngón tay dài như Hươu Cao Cổ mà không kiên trì thì học gì cũng dở dang.

Thể lệ

Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng

Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.

Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.

Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.

Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).

Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.

Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.

Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.

Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.

Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.

Hạt Dẻ cười - truyện ngắn dự thi của Đào Văn Hợp (Vĩnh Phúc) - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.