Lộ trình 8 năm và tầm nhìn 2050
Theo lộ trình của Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL, trong năm 2022, UBND TP.Cần Thơ và Bộ NN-PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trung tâm. Cùng với đó là lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng và triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng.
Năm 2023, sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, chất thải khác có liên quan và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đưa trung tâm vào hoạt động. Trong quá trình này sẽ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2024, tiếp tục các hoạt động đầu tư vào trung tâm và hoạt động của các doanh nghiệp trong trung tâm. Năm 2025, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, mở rộng thị trường, đồng thời cập nhật các công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất kinh doanh. Năm 2026 là giai đoạn quyết liệt nhất, vừa là năm then chốt để xác định, đánh giá hiệu quả hoạt động của trung tâm, cùng hiệu quả của chính sách đặc thù đối với TP.Cần Thơ...
Đến năm 2030, trung tâm sẽ trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại ĐBSCL. Tại đây, sẽ bao hàm đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cho cả vùng. Đặc biệt, tầm nhìn đến năm 2050, trung tâm sẽ là hạt nhân của đô thị sân bay và là đầu mối của chuỗi các trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh toàn vùng ĐBSCL.
4 lĩnh vực thu hút đầu tư chính
Đề án Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL cũng đưa ra 4 lĩnh vực chính ưu tiên mời gọi đầu tư vào trung tâm.
Cụ thể, ở lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phải đảm bảo vận tải hàng hóa đến và đi từ trung tâm thuận tiện từ mọi hướng, mọi phương thức (đường bộ, đường thủy, hàng không, đường biển).
Địa điểm xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ |
Lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, trung tâm cần mời gọi các nhà đầu tư và các đối tác sở hữu công nghệ cao trong việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chia sẻ và nông nghiệp số trong cả 4 lĩnh vực của kinh tế nông nghiệp là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Trung tâm sẽ ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực trong việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ cao, tiên tiến trong các lĩnh vực chế biến nông sản, phát triển mạng lưới tiêu thụ, logistics…
Về lĩnh vực sản xuất, chế biến được ví như “trái tim” của trung tâm. Đây không phải là những hoạt động tách rời trong trung tâm mà có vai trò dẫn dắt và thúc đẩy sản xuất, chế biến cả ĐBSCL.
Vì thế, trung tâm sẽ mời gọi các nhà đầu tư có năng lực và giải pháp công nghệ để thực hiện sứ mệnh đó.
Về sản xuất, trung tâm sẽ thu hút nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm là vật tư nông nghiệp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó là nhà đầu tư sản xuất máy móc, thiết bị, nông cụ thông minh, các thiết bị dùng trong nông nghiệp công nghệ cao...
Về chế biến, trung tâm chỉ thu hút nhà đầu tư có năng lực chế biến sâu (chế biến tinh) có khả năng tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần so với giá trị của nguyên liệu đầu vào. Những nhà máy chế biến tại trung tâm là đầu mối của các chuỗi liên kết chế biến sơ cấp ở các địa phương trước khi xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa.
Cuối cùng là lĩnh vực cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản và tiêu thụ. Ở đây, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp xuất khẩu nông sản ĐBSCL ra thị trường quốc tế là 2 nhiệm vụ trọng tâm. Vì thế, trung tâm sẽ thu hút các nhà đầu tư sở hữu các giải pháp công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số tham gia cung cấp các dịch vụ này. Chẳng hạn như nhà đầu tư hệ thống kho lạnh tiêu chuẩn (có thể bảo quản nông sản đến 90 ngày), hệ thống vận tải thông minh, cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa toàn chuỗi...
Bình luận (0)