Hậu Covid-19 có đáng sợ?: Cần chính sách hỗ trợ bệnh nhân

Duy Tính
Duy Tính
02/04/2022 05:30 GMT+7

Hiện nay, tất cả các quốc gia và ngành y tế xem hậu Covid-19 là một trong những ưu tiên giải quyết. Vậy Nhà nước có hỗ trợ gì cho hậu Covid-19?

Hậu Covid-19 tác động đến sức khỏe cá nhân rõ rệt, trong đó dễ thấy nhất là người bệnh giảm sức lao động, sa sút trí tuệ, thậm chí có thể bị tai biến nằm viện dài ngày, điều trị tốn nhiều tiền. Do đó, Nhà nước, xã hội cần có giải pháp để hỗ trợ người bệnh.

Bệnh nhân hậu Covid-19 bị cục máu đông gây thuyên tắc phổi, tim

CTV

Gánh nặng không nhỏ

Thực tế cho thấy, một số bệnh nhân (BN) chọn gói khám hậu Covid-19 từ vài triệu đến cả chục triệu đồng cho hàng loạt xét nghiệm (XN), chẩn đoán hình ảnh để an tâm. Có BN lo lắng quá phải đi từ miền Trung vào TP.HCM khám hậu Covid-19 với chứng khó thở. Chưa bàn đến dịch vụ khám hậu Covid-19 tốn kém bao nhiêu, chỉ với tiền tàu xe cũng gây tốn kém không nhỏ cho BN. Có những BN làm ca đêm để tăng thêm thu nhập nhưng vì bị rối loạn đông máu, mất tập trung hậu Covid-19 nên phải xin chuyển qua làm ca ngày để tăng thời gian nghỉ ngơi.

Ở góc độ điều trị, nói về gánh nặng cho BN hậu Covid-19, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cho rằng hiện nay một số bệnh viện (BV) đưa ra gói khám hậu Covid-19 “vô thưởng vô phạt”. Nơi nào có tâm thì làm gói tốt, còn không thì ngược lại. BV thuộc Nhà nước có nơi làm đàng hoàng, có nơi xé rào làm dịch vụ và BS nói chuyện gì với BN thì không kiểm soát được. Do đó, gánh nặng dồn về phía người dân.

Tôi khuyên người dân cứ đi khám bệnh định kỳ, có bệnh gì khám bệnh đó, có giấy chuyển tuyến để hưởng BHYT. Nếu cứ lo lắng quá mức mà đi khám ở một số nơi sẽ tốn nhiều tiền.

BS Trương Hữu Khanh

Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng hiện nay nhiều nơi đưa ra gói khám hậu Covid-19 và kèm nhiều XN rất lãng phí. Người dân nhiều khi không hiểu, không an tâm nên đi làm khá nhiều XN. Có BN hậu Covid-19 đi chụp CT-scanner phổi, nhưng đó là do lao phổi đã có từ trước nhưng họ vẫn nghĩ do Covid-19, điều này khiến BN hoang mang, làm tốn kém nhiều hơn.

Cũng theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, với hậu Covid-19 cũng nên khám từ tuyến dưới trở lên. Ở Anh, tất cả trường hợp liên quan Covid-19 đều khám ở y tế tuyến cơ sở, những BN nặng hơn như viêm cơ tim thì chuyển lên BV tuyến trên, nặng hơn nữa mới chuyển đến các trung tâm điều trị Covid-19. Còn ở Việt Nam chưa phân cấp rõ ràng và chi phí y tế tùy theo khả năng chi trả của người bệnh, điều này chưa tạo ra sự công bằng.

Kiểm soát những “bày vẽ”

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hậu Covid-19 là vấn đề y tế có thật đang diễn ra. Hiện nay, tất cả các quốc gia và ngành y tế xem hậu Covid-19 là một trong những ưu tiên giải quyết. Vậy Nhà nước có hỗ trợ gì cho hậu Covid-19?

“Điều này là khó. Một tháng trước, Nhà Trắng (Mỹ) có chính sách đưa Covid-19 trở lại bệnh bình thường. Một trong những nội dung mà họ đề nghị Quốc hội Mỹ là chi tiền viện phí để điều trị hậu Covid-19 cho người dân, nhưng chưa được phê duyệt hoàn toàn. Còn ở Việt Nam, Nhà nước xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, vì bảo vệ cộng đồng nên Nhà nước sẵn sàng điều trị miễn phí để giúp BN điều trị tập trung và cách ly nhằm tránh lây lan cho cộng đồng. Nhưng Nhà nước chưa có cơ sở hoàn toàn để có chính sách hỗ trợ BN hậu Covid-19”, TS Dũng nói.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, BN mất ngủ, lo sợ trong một giai đoạn dịch bệnh, nhất là những người có người thân đã mất trong đại dịch. Bên cạnh đó, người dân nghèo đi vì mất việc 2 năm qua, đã đau bệnh lại lo công ăn việc làm, lo con cái, gia đình, cuộc sống… Bao nhiêu tác động đó làm cho BN phải suy nghĩ, mệt mỏi, lo lắng, mất ngủ… Do đó, các tổ chức, đoàn thể xã hội cần động viên, thăm hỏi BN. Song song đó là các chính sách xã hội của Nhà nước về thuốc men và các chế độ khác. Bản thân người bệnh cũng cần cân bằng lại.

Cũng theo TS Dũng, nếu khả thi thì Nhà nước nên có BHYT điều trị hậu Covid-19, qua đó kiểm soát được việc kê toa, XN... Song song đó, nghiên cứu, xây dựng chương trình điều trị hậu Covid-19 rõ ràng thống nhất, có hiệu quả và công bằng để người dân an tâm. Điều này cũng nhằm giảm chi phí y tế.

BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo: “Tôi khuyên người dân cứ đi khám bệnh định kỳ, có bệnh gì khám bệnh đó, có giấy chuyển tuyến để hưởng BHYT. Nếu cứ lo lắng quá mức mà đi khám ở một số nơi sẽ tốn nhiều tiền”. BS Khanh cũng kiến nghị Nhà nước kiểm soát lại vấn đề khám dịch vụ hậu Covid-19, không để xảy ra tình trạng “bày vẽ”, thì mới giải quyết được vấn đề khám hậu Covid-19 mỗi nơi mỗi kiểu như hiện nay. Quan trọng hơn, cần truyền thông đúng để người dân không lo lắng.

Ở góc độ xã hội, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, các cơ quan, đơn vị cũng nên có quỹ phúc lợi để hỗ trợ người lao động bị hậu Covid-19. Mặt khác, với BN hậu Covid-19, qua giám định nếu mất sức nhẹ thì cơ quan, đơn vị cần động viên, giao việc làm phù hợp; còn qua giám định sức khỏe mà bị nặng thì có thể có chế độ nghỉ ngơi phù hợp hoặc nghỉ việc do mất sức để hưởng chế độ.

Nhiều người trẻ nhưng bị rối loạn đông máu sau mắc Covid-19

NGỌC DƯƠNG

Đảm bảo quyền lợi cho người bệnh

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cũng cho biết bị hậu Covid-19 về vấn đề gì thì nên đi khám vấn đề đó, coi như việc bình thường. Nếu có vấn đề về tâm thần, stress thì nên đi khám tâm thần; suy nhược cơ thể, liệt cơ, khó thở... thì tập phục hồi chức năng; bị huyết áp, tiểu đường thì đi khám huyết áp, tiểu đường.

Theo bà Hằng, BHYT vẫn đảm bảo mọi quyền lợi cho người dân có BHYT khi có vấn đề hậu Covid-19, việc chi trả BHYT giống như bệnh lý bình thường khác, không giới hạn. Nếu BV cấp giấy nghỉ bệnh theo chế độ BHXH thì vẫn được hưởng chế độ theo quy định.

Còn theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB, Bộ Y tế), Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB trên cả nước xây dựng hướng dẫn phục hồi chức năng cho BN hậu Covid-19. Các cơ sở KCB có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân, trong đó có những biện pháp không cần dùng thuốc. Bộ Y tế cũng giao BV Tâm thần T.Ư là BV đầu ngành hướng dẫn các vấn đề tâm lý hậu Covid-19 cho người dân. Mặt khác, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả cơ sở KCB thay đổi chiến lược điều trị hậu Covid-19. Theo đó, không cần thành lập thêm BV hay các khoa điều trị hậu Covid-19, vì hiện nay ở các BV đều có sẵn các chuyên khoa. BN nếu có các triệu chứng hậu Covid-19 thì khám, điều trị tại BV hoặc chuyên khoa đó. Tất cả các khoa đều có thể tham gia điều trị, phục hồi chức năng hậu Covid-19 và BN vẫn được hưởng các chế độ KCB như thông thường.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, người dân cần hiểu sau một trận dịch bệnh, nếu bị nặng thì suy giảm miễn dịch, yếu các cơ quan chức năng; sau Covid-19, cơ quan nào của cơ thể chưa phục hồi thì BN đi khám chuyên khoa để chẩn đoán, điều trị. Còn về thuốc men, một số nơi quảng cáo sản phẩm điều trị Covid-19 nhưng chưa được chứng nhận là thuốc điều trị Covid-19, nên các cơ quan phụ trách cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để người dân tốn tiền mua dùng mà hiệu quả chưa được chứng minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.