Hậu duệ vương quốc Hồi giáo đe dọa tài sản nhà nước Malaysia trên toàn cầu

17/07/2022 07:03 GMT+7

Con cháu Hồi quốc Sulu, hiện là công dân Philippines, đang tìm cách giành lấy tài sản của chính phủ Malaysia trên khắp thế giới , trong nỗ lực thực thi phán quyết trọng tài trị giá 14,9 tỉ USD.

Tài sản chính phủ Malaysia đang bị đe dọa trên toàn cầu vì tranh chấp với các hậu duệ hoàng tộc

afp

Một tòa trọng tài của Pháp hồi tháng 2 đã yêu cầu Malaysia trả số tiền này cho con cháu vị sultan (vua) cuối cùng của Vương quốc Hồi giáo Sulu (Hồi quốc Sulu) để giải quyết tranh chấp về một thỏa thuận đất đai thời thuộc địa. Song Malaysia hôm 13.7 cho biết Tòa án Phúc thẩm Paris đã 'tạm dừng' việc thực thi phán quyết, sau khi nhận thấy rằng việc thực thi có thể xâm phạm chủ quyền Malaysia, theo Reuters.

Bộ trưởng Tư pháp Wan Junaidi Tuanku Jaafar sau đó nói quyết định của Tòa án Phúc thẩm Paris có nghĩa là phán quyết sẽ không được thực thi, giữa lúc Malaysia cố phớt lờ phán quyết này. Malaysia trước đó không tham gia vụ kiện trọng tài.

Tuy nhiên, luật sư của các hậu duệ hoàng tộc Hồi quốc Sulu cho biết phán quyết tháng 2 vẫn có hiệu lực pháp lý bên ngoài nước Pháp thông qua Công ước New York, một điều ước của Liên Hiệp Quốc về trọng tài quốc tế được 170 quốc gia công nhận.

Paul Cohen, một trong các luật sư, từ công ty luật 4-5 Grey's Inn Square có trụ sở tại London, cho biết: "Việc 'tạm dừng' dường như giúp chính phủ Malaysia tạm thời trì hoãn việc thực thi pháp luật địa phương ở một quốc gia, chính là Pháp".

"Việc này không áp dụng cho 169 quốc gia khác", ông nói.

Trừ một số ngoại lệ, chẳng hạn như cơ sở cơ quan ngoại giao, bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu của chính phủ Malaysia nằm tại các quốc gia tham gia Công ước New York đều đủ điều kiện cho mục đích thực thi phán quyết, theo Elisabeth Mason, một luật sư khác của bên nguyên.

Bên nguyên tuyên bố họ là người kế thừa quyền lợi của quốc vương cuối cùng của Hồi quốc Sulu. Năm 1878, vị sultan này đã ký thỏa thuận với một công ty thương mại của Anh để khai thác tài nguyên bên trong lãnh thổ do ông kiểm soát, bao gồm cả khu vực ngày nay là bang Sabah của Malaysia, một vùng đất giàu dầu mỏ nằm ở mũi phía bắc của đảo Borneo.

Malaysia đã tiếp quản thỏa thuận này sau khi độc lập khỏi Anh, hàng năm trả một khoản tiền rất nhỏ cho những hậu duệ hoàng tộc hiện mang quốc tịch Philippines.

Song việc chi trả đã dừng lại vào năm 2013, khi Malaysia cho rằng không ai khác có quyền đối với Sabah, một phần lãnh thổ của nước này.

Bên nguyên đã tiến hành tịch thu hai đơn vị có trụ sở tại Luxembourg của công ty dầu khí nhà nước Malaysia, Petronas, trong nỗ lực thực thi phán quyết.

Cho rằng việc tịch thu này là "vô căn cứ", Petronas đã tuyên bố họ sẽ bảo vệ lập trường pháp lý của mình, đồng thời cho biết các đơn vị nói trên đã thoái hết tài sản của họ.

Luật sư của hậu duệ hoàng tộc Hồi quốc Sulu cho biết các đơn vị này hiện nằm dưới sự kiểm soát của các cơ quan thừa phát lại ở Luxembourg, đang chờ xem liệu Petronas có kháng nghị hay không.

Hồi quốc Sulu tồn tại từ năm 1405 đến năm 1915. Nhà nước này từng cai trị quần đảo Sulu, một phần đảo Mindanao và đảo Palawan thuộc Philippines ngày nay, cũng như một phần khu vực ngày nay là bang Sabah của Malaysia, hai tỉnh Bắc và Đông Kalimantan của Indonesia nằm trên đảo Borneo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.