Ngày 25.10, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Hậu Giang.
Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu đến từ Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT các tỉnh, các viện, trường, trung tâm khuyến nông, HTX, doanh nghiệp, nông dân sản xuất tiêu biểu...
Đang thí điểm đề án trên diện tích 180 ha
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết ngày 12.12.2023, Hậu Giang vinh dự là tỉnh đầu tiên được Bộ NN- PTNT chọn tổ chức lễ phát động đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Hiện, Hậu Giang đã hoàn thành việc triển khai lựa chọn, xác định các vùng tham gia đề án, rà soát đáp ứng tiêu chí và đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Tổng diện tích 180 ha sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như: tưới nước ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP…
Ông Tuyên phấn khởi chia sẻ: "Mặc dù chỉ mới triển khai thí điểm tại một số HTX trên địa bàn tỉnh nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Các mô hình giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho bà con, người tiêu dùng và môi trường".
Từ đây, Hậu Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai thực hiện 28.000 ha lúa chất lượng cao, tập trung vào củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Đến năm 2030, tỉnh tăng lên diện tích 46.000 ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện.
Dù vậy, ông Tuyên thừa nhận, việc kêu gọi doanh nghiệp vào chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Việc đo đếm phát thải, chi trả tín chỉ cacbon chưa có quy định cụ thể khiến một bộ phận nông dân không mặn mà. Vai trò của doanh nghiệp tham gia đề án chưa được quy định cụ thể. Điều này dẫn đến việc xây dựng chuỗi giá trị gạo phát thải thấp và tăng trưởng xanh chưa được như kỳ vọng.
Chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh lúa gạo còn rời rạc
Liên quan đến vấn đề liên kết, ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác (Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT), đánh giá sản lượng lúa tại ĐBSCL những năm gần đây ổn định khoảng 24 - 25 triệu tấn. Toàn vùng có khoảng 1.300 HTX và 180 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có tham gia thu mua lúa gạo.
Dù vậy, số doanh nghiệp có đủ năng lực để trực tiếp mua lúa của nông dân hoặc HTX có cơ sở sấy, xay chà, đánh bóng để sản xuất ra gạo không nhiều. "HTX ở ĐBSCL có quy mô thành viên rất nhỏ. Trung bình chỉ có 75 -80 thành viên/HTX, thấp hơn cả nước rất nhiều. Trong khi đó, bản chất của HTX là dựa trên lợi thế quy mô về thành viên. Càng nhiều thành viên càng tốt, càng áp dụng quy trình canh tác kỹ thuật càng lớn", ông Định nói.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ĐBSCL có 3 kênh tiêu thụ lúa chủ yếu là nông dân bán trực tiếp cho doanh nghiệp (12,1%), bán qua HTX (37,5%), bán qua thương lái ( 50,4%). Trong đó, kênh bán qua doanh nghiệp có xu hướng tăng nhưng vẫn chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ, dài hạn và hiệu quả cao. Diện tích có liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân/HTX và doanh nghiệp vẫn còn rất thấp.
Theo ông Định, những hạn chế trong chuỗi liên kết lúa gạo vùng ĐBSCL xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến việc doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư cho liên kết. Phần lớn HTX thiếu năng lực hỗ trợ doanh nghiệp và thiếu nguồn lực cung cấp các dịch vụ cho nông dân (vật tư đầu vào, máy móc…). Sản xuất lúa ở quy mô nông hộ nhỏ, nông dân chậm, thậm chí ngại thay đổi. Nếu giải quyết được những vấn đề này, chuỗi liên kết lúa gạo trong vùng sẽ bền vững, dễ truy xuất nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm để nâng tầm thương hiệu hơn.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra việc ký kết chương trình thỏa thuận hợp tác giữa Sở NN-PTNT Hậu Giang với doanh nghiệp cung ứng thiết bị, máy móc nông nghiệp. Bên cạnh đó là việc ký kết giữa doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng lúa gạo và các HTX về phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, sản xuất giảm phát thải, tăng trưởng xanh.
Bình luận (0)