Tuy nhiên, để viễn cảnh này xảy ra, thỏa thuận Brexit mới cần được đa số nghị sĩ trong Hạ viện Anh thông qua tại phiên họp ngày 19.10.
Theo giới quan sát, khả năng trên là khá mong manh vì Thủ tướng Boris Johnson đã mất thế đa số tại Hạ viện. Đó là chưa kể việc phe đối lập đã đánh tiếng sẽ phản đối thỏa thuận mới. Thậm chí, đảng Dân chủ Liên hiệp (DUP) ở Bắc Ireland, liên minh của đảng Bảo thủ do ông Johnson làm chủ tịch, cũng tuyên bố không ủng hộ văn kiện trên.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Johnson đã thúc đẩy kế hoạch đưa Anh rời EU vào ngày 31.10, dù có hay không có thỏa thuận. Nếu vượt qua cửa ải ngày 19.10 tại Hạ viện, vị thủ tướng 55 tuổi sẽ ghi tên mình vào lịch sử với vai trò là nhà lãnh đạo đã đưa Anh rời EU.
Điều này tốt hay xấu thì hạ hồi phán xét, nhưng nếu thất bại, ông Johnson sẽ bị bẽ mặt sau khi liên tục khẳng định mình sẽ làm tốt công việc trên.
Trong trường hợp thất bại, ông Johnson phải yêu cầu EU trì hoãn Brexit thêm 3 tháng, cho đến ngày 31.1.2020, theo một đạo luật đã được quốc hội Anh thông qua hồi tháng trước.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo “tình hình cực kỳ phức tạp” nếu các nghị sĩ Anh không bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit mới.
Bình luận (0)