Đổ lỗi luôn là phản ứng tự vệ đầu tiên khi có sai sót hậu quả xảy ra. Đổ lỗi khiến chúng ta an tâm và thanh thản nhanh hơn. Đổ lỗi cho nhau là chuyện chúng ta thường thấy hằng ngày.
Khi chúng ta đứng trước việc mất những cây cổ thụ lâu năm, thay bằng những cây mới phù hợp hơn với đô thị theo như đề án thay thế cây xanh ở thủ đô, rất nhiều người đã phản đối và nhiều người ủng hộ. Nhiều cây đã được chặt trước khi tạm dừng triển khai đề án. Đi giữa trời nắng nóng, họ đổ lỗi cho những người đã chặt cây. Trời mưa giông cây đổ, họ đổ lỗi cho người chưa chịu chặt cây và những người phản đối chặt cây.
Đất nước chưa phát triển chúng ta đổ lỗi cho khách quan, cho hoàn cảnh, cho bối cảnh thế giới phức tạp. Nền giáo dục yếu kém chúng ta đổ lỗi cho người dạy, người học và sách giáo khoa. Nông sản bán không được chúng ta đổ lỗi cho … Trung Quốc. Cây đổ chúng ta đổ lỗi cho việc không chịu tỉa cành trước mưa bão và bê tông hóa vỉa hè… Hiếm khi nào thấy chúng ta nhận lỗi, nhìn ra lỗi và tìm biện pháp sửa lỗi.
Giống như câu chuyện đứa con học chưa được giỏi, ứng xử chưa được tốt, được ngoan, ông bố thì trách bà mẹ, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Ngược lại, bà mẹ lại trách ông bố đi làm suốt ngày, nhậu nhẹt với bạn bè thì nhiều chứ ít quan tâm đến con cái. Cứ thế, họ tranh cãi chuyện ai đúng ai sai, leo thang bằng những lời chì chiết nhau ngọt nhạt và thằng con ngơ ngác vẫn học chưa giỏi, vẫn chưa ngoan.
Những người ủng hộ chặt cây hả hê khi cây đổ, vì điều đó cho thấy chính kiến của họ có phần đúng, ngược lại, những người không ủng hộ chặt cây lại đổ sang cho công ty cây xanh, đổ sang cho những người đào cống, đào cáp ngầm. Ít ai quan tâm đến chuyện phải làm sao để cây đừng đổ nữa, không phải cây đã đứng đấy cả mấy chục năm, trăm năm thì nó sẽ không bao giờ đổ. Đừng cố gắng đổ lỗi cho nhau, vì những lỗi lầm ấy sẽ mãi vẫn ở trong một vòng tròn luẩn quẩn.
Chúng ta cứ đổ lỗi cho nhau vì thói quen phản kháng những gì không tốt đẹp đến với mình hoặc cho mình là người hiểu biết hơn kẻ khác. Hằng ngày, hằng giờ, ta luôn thấy người này đổ lỗi cho người kia, nhà thầu đổ lỗi cho thi công, người hâm mộ đổ lỗi cho huấn luyện viên, nghị sĩ đổ lỗi cho dân trí thấp… đổ lỗi ở khắp mọi nơi, ở bất cứ lĩnh vực nào. Đổ lỗi luôn là hành động thiếu dũng cảm và chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Chỉ ra cái sai, cái thiếu sót là điều nên làm nhưng đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau và phủi tay xong chuyện thì đáng chê trách. Nếu chỉ chăm chăm lo đổ lỗi mà không tìm cách giải quyết gốc rễ thì mọi thứ sẽ ngày càng hỏng bét, đâu phải cứ đổ lỗi là mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.
Nếu muốn mọi thứ tiếp tục rối rắm, xã hội chia rẽ với những tranh cãi không hồi kết, nếu muốn làm một kẻ hèn yếu không dám nhìn sự thật, không dám nhận trách nhiện thì hãy tiếp tục đổ lỗi cho nhau đi, ai cũng có lỗi cả.
Bình luận (0)