Tôi đọc bài viết của tác giả Bùi An về Một xã hội thích 'lên đồng' và đã giật mình khi thấy một phần cá nhân mình trong câu kết.
Người dân Hà Nội xuống đường tuần hành bảo vệ cây xanh - một kiểu 'lên đồng' giá trị
- Ảnh chụp từ clip |
Vâng, so với bạn bè xung quanh thì tôi thường suy nghĩ khá kỹ và bỏ nhiều công sức để hiểu chuyện trước khi làm. Bùi An thì nói rằng “Ngồi xuống và nghĩ cho kỹ trước khi định làm một điều gì đó, xã hội cần những người hiểu chuyện hơn là những kẻ thích lên đồng”.
Nhưng đã từ rất lâu tôi đã không còn ngưỡng mộ sự thận trọng của mình.
Trong câu chuyện cây xanh chẳng hạn, tôi đã hoàn toàn thờ ơ trước những tin tức đầu tiên về dự án chặt hạ và thay thế cây xanh ở chính thành phố tôi đang sống. Tôi quá “hiểu chuyện” và đã thông thái tới mức cho rằng câu chuyện rồi sẽ không đi đến đâu như rất nhiều sự vụ khác. Lên tiếng hay không thì đường Trường Chinh vẫn cong mềm mại, phố Vương Thừa Vũ chỗ nhà tôi vẫn hằng ngày tắc nghẽn và chỗ chơi cho con tôi vẫn thiếu. Tôi bỏ qua những bài báo đó để kiếm tiền, ai cũng phải nuôi con cơ mà.
|
Dù ủng hộ tư duy độc lập và sợ hãi tâm lý đám đông, tôi chưa thể hình dung một ngày nào đấy con người không còn biết “lên đồng”. Sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 70 năm trước cũng nhờ ở sự “lên đồng” của hơn hai chục triệu người khi đó đang kiệt quệ bởi nạn đói. Mọi cuộc cách mạng cũng sẽ không xảy ra nếu như không có những cuộc “lên đồng”. Và có lẽ cũng vì chúng ta chưa bao giờ tạo ra được cơn “lên đồng” như người Nhật sau Thế chiến nên nước Việt Nam đầu thế kỷ 21 vẫn lững thững theo sau Thái Lan, Malaysia, ngay cả khi tàu chiến Trung Quốc vẫn hằng ngày nhắc nhở chúng ta về mối họa tụt hậu.
Mọi cơn lên đồng đều có giá trị của nó. Đồng ý với Bùi An rằng một nền nông nghiệp không thể phát triển dựa vào hoạt động từ thiện và hoạt động cứu dưa tự phát không bao giờ là giải pháp bền vững cho một xã hội phát triển lành mạnh. Nhưng chứng kiến giọt mồ hôi trên mặt những sinh viên áo xanh bán dưa từ thiện, chứng kiến nụ cười của người mẹ dẫn con đi mua dưa ủng hộ đồng bào, tôi hiểu rằng ít nhất thì “cơn lên đồng dưa hấu” cũng có giá trị ở chỗ giúp người ta hướng thiện.
Bùi An ngờ rằng những con người đó cứu thêm gì nữa sau dưa hấu và hành tím hay là cứu chính tâm hồn họ. Tôi thì không ngờ gì, tôi tin rằng họ đang cứu tâm hồn tôi và cả xã hội. Cứu tâm hồn thì có gì sai, nếu như nhờ cái phao cứu rỗi đấy mà con cái chúng ta lớn lên biết tin vào cái thiện và sự hướng thiện?
Đồng ý rằng nhiều giá trị thật đang không nhận được sự quan tâm đủ lớn và nhiều vấn đề được mổ xẻ thái quá trong những đám đông a dua hời hợt. Tuy nhiên, tôi không bị thuyết phục rằng sự vô cảm có thể được loại bỏ bằng cách bớt lên đồng. Nhiều kẻ hô hào cứu cây hoàn toàn có thể sẽ thờ ơ khi gặp chuyện bất bình ngoài đường, và những kẻ không hô hào cứu cây cũng vậy. Nhưng nếu làm một bài phân tích thống kê, tôi tin rằng tỷ lệ người thờ ơ trong tập hợp “biết lên đồng” sẽ thấp hơn hẳn tập hợp người luôn “ngồi xuống và nghĩ cho kỹ”. Lý do người ta bỏ qua giá trị thật, do đó, không liên quan đến sự “lên đồng”.
Một nhóm đồng nghiệp cũ của tôi lập ra một nhóm trên facebook có tên là “Responsibility”, nghĩa là Trách nhiệm. Cái group lúc đầu chỉ vài người và mới chỉ tồn tại vài tháng nhưng họ đã làm được nhiều việc đến mức chỉ có những kẻ nhập đồng mới có thể tin được. Họ đi khắp nơi, phát màn chống muỗi cho trẻ em, may chăn chống rét cho trâu bò, chia sẻ những cuốn sách và hướng dẫn nhau cách dạy con học tiếng Anh. Những điều họ làm là những giá trị thật, nhưng họ đạt được giá trị thật bằng cách “lên đồng”.
Vậy đấy, xã hội sẽ không bao giờ hết những cơn “lên đồng”. Nếu cho rằng có giá trị thật đang bị bỏ qua bởi đám đông “lên đồng” không đúng cách, hãy tìm cách để hướng giá trị đó vào một cơn “lên đồng” mới, có ích cho xã hội.
Bình luận (0)