Đọc bài Một xã hội thích ‘lên đồng’! của tác giả Bùi An trên Thanh Niên Online, tôi lại nghĩ khác. Theo tôi, thế giới mạng có ‘lên đồng’ hay quá khích thì cũng chả có gì phải làm lớn chuyện. Người ta sinh ra mạng xã hội để chia sẻ, để ‘xả stress’ mà.
Nhờ dư luận lên tiếng mạnh mẽ, hoạt động lấp sông Đồng Nai buộc phải ngưng. Trong ảnh là đoàn công tác liên bộ đi thị sát tại dự án lấp sông - Ảnh: Lê Nguyễn
|
Vì sao những thông tin mang tiếng lá cải lại được khá nhiều người quan tâm? Đơn giản vì nó mang đến thông tin mà những đối tượng này cần. Tôi không nghĩ báo lá cải xấu, giá trị thông tin nó mang lại suy cho cùng vẫn cần thiết.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là giới hạn của thông tin. Và cái mà người ta đang “dị ứng” với báo chí là việc quá đà trong những thông tin kiểu này. Viết quá nhiều về những vấn đề, những việc không cần thiết cho đời sống xã hội, thậm chí có hại cho xã hội như kiểu “phong thánh” cho một người phụ nữ bình thường, hay vẽ nên chân dung một kẻ giết người giống như một người hùng với vẻ lạnh lùng trước vành móng ngựa, cái cười khẩy ngang tàng khi nghe tuyên án tử hình thì quả là… hết chịu nổi.
Nhưng nếu chúng ta chỉ quan tâm đến những tin tức mà mình quan tâm, chắc rằng sẽ chẳng buồn để mắt tới mấy thông tin được xem là “rẻ tiền” đó. Đâu có ai bắt bạn phải đọc mấy tin lá cải đó để rồi mang uất hận vào mình?
Nhắc đến những ngày sôi sục bảo vệ những hàng cây ở Hà Nội, tôi lại thấy những người “lên đồng” bằng cách ôm cây, đọc văn tế, những thanh niên vác biểu ngữ đi cổ động là những người “lên đồng” thật đáng quý. Nếu không có sự phản đối từ mọi phía một cách mạnh mẽ như vừa rồi, thử hỏi giờ này cái dự án chặt cây ấy đã đi tới đâu rồi.
|
Thực ra, mạng xã hội sẽ chẳng còn gì hấp dẫn nếu như thỉnh thoảng không có những đợt “lên đồng” kiểu này. Tại sao lại trách những người ở TP.HCM lên mạng hô hào cứu cây xanh tận ngoài Hà Nội. Đừng nghĩ rằng những người ở phía Nam này chẳng liên quan gì tới Hà Nội nói riêng hay bất kỳ mảnh đất nào thuộc đất nước này. Hay chuyện lấp sông thực ra không phải là chuyện của những cư dân sống trong khu vực. Nó là chuyện chung của mỗi người Việt trước vấn nạn tàn phá môi trường để đạt lợi ích riêng. Khi chỉ chích việc này, tôi nghĩ, chính bạn mới là người thờ ơ và vô cảm với mọi việc xảy ra quanh mình. Bạn mới là người tự cho mình cái quyền được phán xét người khác theo cái nhìn hạn hẹp của mình.
Tôi nghĩ, có tên gọi mạng xã hội bởi nó đã phản ánh đúng thực trạng trong xã hội. Cộng đồng mạng phải chăng chính là cộng đồng ở ngoài đời thực kia lâu nay ẩn danh, nay có “đất” nên mới bộc phát? Nên những “cơn sốt” như hot boy Lệ Rơi, hot girl bán bánh tráng trộn, đến hiệp sĩ cứu cây xanh, cứu sông Đồng Nai…chỉ là phần nổi của tảng băng trôi mà thôi, phần chìm nằm ở ngoài đời thực đã có từ rất lâu.
Tôi đồng ý một phần với ý kiến của tác giả Bùi An khi viết rằng đừng “lên đồng” với những chuyện không đâu, đừng hô hào theo đám đông. Nhưng tôi lại sợ, nếu một ngày những đám đông chỉ biết im lặng, không “lên đồng” nữa thì không biết xã hội này sẽ đi về đâu?
Bình luận (0)