Hơn 100 năm nay, chỉ có một lần duy nhất vị trí đầu bảng tổng sắp huy chương ở Olympic mùa hè không thuộc về Mỹ, Liên Xô hoặc Trung Quốc. Đó là kỳ Olympic Berlin 1936, mà ai cũng biết là Hitler dùng mọi cách để biến thành một cuộc biểu dương lực lượng cho Đức quốc xã. Nói chung, Mỹ và Liên Xô đã thay nhau thống trị thể thao đỉnh cao suốt hàng chục năm. Gần đây, Trung Quốc vươn lên như một thế lực đáng gờm, trong khi Nga vẫn là cường quốc thế thao sau thời kỳ Liên Xô.
Nhưng, vì sao chẳng bao giờ 3 siêu cường thể thao hàng đầu thế giới là Mỹ, Nga, Trung Quốc thật sự thành công trong bóng đá đỉnh cao? Quá rõ ràng: Môn thể thao vua luôn có lý lẽ riêng của nó. Trong môn chơi này, chẳng phải cứ "muốn" là làm được. Đừng nói Mỹ hoặc Trung Quốc không muốn vươn lên trong bóng đá - nhất là khi bóng đá bây giờ đã mang cả những màu sắc kinh tế, chính trị, nói chung là ngày càng trở nên cực kỳ quan trọng, về rất nhiều mặt.
|
Môn bóng đá vĩ đại đến mức nó vẫn đang ngạo nghễ thách thức... khoa học. Có những điều tưởng chừng là rất đơn giản, nhưng kỳ thực thì trí tuệ tổng thể của cả nhân loại suốt hàng trăm năm qua đã phải... chào thua môn thể thao tuyệt vời này. Người ta có thể du lịch lên mặt trăng, chế tạo được cả "trí thông minh nhân tạo", hoặc làm cái điều chưa ai tưởng tượng nổi như một đầu bếp người Ý vừa biểu diễn trên truyền hình gần đây: chế biến món... không khí chiên giòn! Nhưng, đâu là những điều thật đơn giản mà cả thể giới rút cuộc vẫn chưa bao giờ giải quyết được trong môn bóng đá?
Không có cách nào để trả lời được, rằng đâu là vị trí tốt nhất trên sân, cho một cầu thủ cụ thể, như Lionel Messi (xin được lưu ý: chúng ta đang nói về khoa học). Trên nguyên tắc, có 2 giải pháp để hoán chuyển một đội hình gồm 2 cầu thủ (công thức: 1 x 2). Có 6 giải pháp (1 x 2 x 3) để luân chuyển một đội hình có 3 cầu thủ. Vậy, có đến 39.916.800 giải pháp (1 x 2 x 3 x... x 10 x 11) để người ta có thể luân chuyển 11 cầu thủ trong một đội hình, sao cho mỗi cầu thủ đều có dịp chơi ở cả 11 vị trí (ít nhất 1 lần), xem ai đứng ở đâu là "chuẩn" nhất. Không làm được, dĩ nhiên!
|
|
Chỉ xin nêu vài ví dụ thật nhỏ, để chúng ta hiểu thêm về môn bóng đá thật vĩ đại mà dân Anh nghĩ ra vào giữa thế kỷ 19. Bóng đá bao la, hấp dẫn, kỳ diệu và bí ẩn như thế, nên nó vượt lên trên mọi suy luận, toan tính thông thường. Bản thân đội Anh - đội tuyển của quê hương bóng đá - chưa bao giờ lọt được vào trận chung kết Euro, tức đấu trường châu lục của họ, nhưng lại vô địch World Cup. Đội tuyển Croatia cũng chưa bao giờ tiến xa trong làng cầu khu vực, nhưng ở World Cup thì có lúc họ vào chung kết, có cả lúc khác vào đến bán kết. Đội tuyển Angola gần như là "con số 0" trong làng cầu châu Phi, nhưng họ lấy vé dự VCK World Cup 2006. Nói vậy để thấy cái khái niệm "biển lớn" mà giới bình luận hay nhắc khi đề cập đến những đẳng cấp cao hơn trong môn bóng đá, suy cho cùng, cũng rất mơ hồ. Và đấy là sự mơ hồ tất yếu trong môn bóng đá.
|
Kể cả một đội không mạnh ngay trong khu vực của mình vẫn có thể làm nên chuyện ở một đấu trường lớn hơn - bóng đá "cho phép" điều này. Vậy nên, hãy cứ mơ giấc mơ World Cup, chẳng phải vì giấc mơ ấy có khả thi hay không, mà chỉ vì một lẽ đơn giản: trong bóng đá, có những câu chuyện thực tế còn huy hoàng hơn cả điều người ta chỉ dám mơ. Bao nhiêu người từng nghĩ ngôi vô địch Premier League là "biển lớn" mà đội bóng nhỏ Leicester không thể mơ mộng chinh phục! Dù là World Cup đi nữa, bất quá cũng chỉ có trên dưới 200 đội tranh suất tham dự. Hàng năm, luôn có khoảng... 1.000 đội bóng - từ đẳng cấp "phong trào" cho tới những đội giàu mạnh nhất thế giới - thi đấu ở cúp FA của Anh. Cần làm một cuộc thống kê về những đội bóng "cấp phường" tiến xa ở giải đấu lâu đời nhất thế giới này, thì quá đơn giản.
Trong bóng đá, chỉ có vài điều chắc chắn. Một trong số đó: Xác suất ghi bàn là 0%, nếu bạn không sút bóng!
Bình luận (0)