Hãy để giáo viên được quyền chọn hiệu trưởng

15/01/2022 07:36 GMT+7

Nhiều vụ việc lùm xùm ở các trường trong thời gian qua làm nhạt nhòa hình ảnh, vị thế người thầy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng trong đó trách nhiệm hiệu trưởng là cơ bản.

Cần đưa ra các giải pháp góp phần xây dựng hiệu trưởng nhà trường phổ thông.

Tháng 10.2021, Sở GD-ĐT Lâm Đồng cách chức hiệu trưởng Trường THPT Đức Trọng do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo, chỉ đạo trong việc sửa chữa, xây dựng

CTV

Hiệu trưởng không nên kiêm nhiều chức danh chủ chốt

Quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng hiện nay quy định với các bước tiến hành tuy chặt chẽ nhưng vẫn có thể lách, kết quả phụ thuộc vào cơ cấu chủ quan của cấp trên nhà trường. Vì thế, giáo viên miễn cưỡng chấp nhận người đứng đầu của nhà trường. Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan cần điều chỉnh để giáo viên bầu chọn hiệu trưởng thông qua tranh cử giữa các ứng viên đạt chuẩn theo quy định.

Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 5 năm. Đặt trong bối cảnh hiện nay và đặc thù về thời gian hoạt động trong nhà trường, nhiệm kỳ như vậy chưa thúc đẩy hiệu trưởng làm việc hết công suất. Nếu gặp phải hiệu trưởng kém, thầy trò sẽ chịu nhiều mất mát vì phải chờ hết nhiệm kỳ 5 năm. Một chu trình ở cấp THPT học sinh vào lớp 10, ra lớp 12 là 3 năm; với cấp tiểu học, THCS, qua 3 năm cũng đủ để tập thể và cấp trên đánh giá hiệu trưởng. Vì vậy, nên chăng có thể quy định 3 năm học liên tiếp cho một nhiệm kỳ của hiệu trưởng.

Ở các trường phổ thông, hiệu trưởng thường kiêm nhiệm nhiều chức danh nên giáo viên ngại có ý kiến. Hơn nữa, cùng lúc đảm đương nhiều trọng trách, hiệu trưởng khó chu toàn. Do vậy, hiệu trưởng không nên kiêm nhiệm nhiều chức danh chủ chốt.

Tháng 8.2021, Chủ tịch UBND H.Tịnh Biên (An Giang) ký quyết định cách chức hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Trần Quang Khải vì tổ chức ăn nhậu trong lúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

T.N

Định kỳ sát hạch hiệu trưởng

Từ 1,5 đến 2 năm học, hiệu trưởng nên được kiểm tra về kiến thức, kỹ năng. Kỳ kiểm tra tổ chức nghiêm túc, công bằng, hiệu trưởng nào không đạt yêu cầu thì tổ chức kiểm tra lại và có thu phí, nếu vẫn trượt thì xem xét bố trí việc khác.

Ngoài ra, cần tăng cường giám sát của cộng đồng với các hiệu trưởng. Mỗi xã, phường (đối với tiểu học, THCS) và quận, huyện (đối với THPT và tương đương) có một số tổ công tác giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng. Tổ này gồm các thành viên như: đại diện HĐND, phụ huynh, cựu giáo chức.... Chú trọng giám sát các nội dung liên quan tài trợ giáo dục, quyền lợi của người học, của phụ huynh… Định kỳ giám sát 1 lần/năm học, kinh phí hoạt động do các trường đóng góp.

Đổi mới quản trị trường học

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cần phải đổi mới quản trị trường học, trước mắt tập trung vào các công việc:

Trường phổ thông công lập chỉ có một khoản thu là học phí, được tính phù hợp, không tổ chức dạy thêm trong nhà trường; hiệu trưởng, giáo viên vi phạm thì cho thôi việc.

Việc phân công nhiệm vụ cho giáo viên mỗi năm học là do một hội đồng thực hiện và được thông qua bằng nghị quyết theo nguyên tắc đa số phục tùng thiểu số. Hội đồng này gồm các thành viên trong hội đồng trường, ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, đại diện phụ huynh.

Sắp xếp lại các trường phổ thông, phát triển mô hình trường phổ thông ngoài công lập (tập trung ở THPT), phát huy vai trò hội đồng trường nhằm định hướng, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch giáo dục của hiệu trưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.