Chiều 12.10, HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp chuyên đề để thảo luận, xem xét và thông qua nghị quyết về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2021.
Nếu được thông qua, TP.Thủ Đức sẽ rộng 211 km2 với hơn 1 triệu người
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết việc sáp nhập các phường không đủ tiêu chuẩn nhằm giúp bộ máy tinh giản, sử dụng hiệu quả ngân sách; đồng thời sắp xếp đơn vị hành chính kết hợp tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, lựa chọn cán bộ đáp ứng nhu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP.Thủ Đức để tập trung nguồn lực, tạo cơ hội phát triển, kỳ vọng đóng góp 30% GRDP của TP.HCM. Sau khi sáp nhập, TP.Thủ Đức rộng hơn 211 km2 và dân số hơn 1 triệu người, dự kiến có 34 phường.
TP.Thủ Đức được tổ chức bộ máy quản lý hành chính theo một cấp chính quyền đô thị có tình chủ động cao. Ông Liêm cho biết kết quả lấy ý kiến cử tri về đề án sáp nhập có trên 50% cử tri đồng ý về phương án sáp nhập và tên gọi sau sáp nhập.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết có 4 vấn đề mà cử tri quan tâm đến việc sáp nhập 3 quận để lập TP.Thủ Đức. Thứ nhất là tổ chức bộ máy chính quyền cần hiện đại, chuyên nghiệp; lựa chọn đội ngũ cán bộ có đạo đức, ý thức phục vụ nhân dân, phù hợp với tầm nhìn phát triển đô thị.
Thứ 2 là về chuyển đổi giấy tờ, bà Tâm cho rằng cần nghiên cứu kỹ để có phương pháp giúp người dân tiếp cận đổi nhanh, ít phiền hà và không nhũng nhiễu người dân. Thứ 3, cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải quyết những bức xúc của người dân.
“Bộ máy chính quyền mới cần làm gì đó mới mẻ chứ không phải ngồi lại để giải quyết câu chuyện cũ của Khu đô thị mới Thủ Thiêm hay Khu Công nghệ cao bởi chưa chắc bộ máy mới đã hiểu được và giải quyết bức xúc của người dân”, bà Tâm nhìn nhận và đề nghị HĐND TP.HCM cần phải giám sát tiến độ thực hiện các nghị quyết và các kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến 2 điểm nóng này.
Cuối cùng, về tên gọi cho thành phố mới khi được thành lập, bà Tâm cho rằng cần lắng nghe thêm ý kiến người dân về các tên gọi khác, nếu quyết định lấy tên là TP.Thủ Đức thì cần luận giải để tạo sự đồng thuận.
Sát nhập 19 phường
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN TP.HCM cho biết cơ quan này đã tổ chức phản biện đối với đề án sắp xếp các đơn vị hành chính, trong đó nhận được sự đồng tình của chuyên gia và nhà khoa học. Dù vậy, vẫn còn băn khoăn về cơ chế đặc thù thế nào để thành phố mới mang lại tính đột phá; vấn đề an ninh trật tự với một một quy mô một triệu dân, nhất là đối với khu vực giáp ranh...
|
Tiếp thu góp ý của đại biểu, Phó chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết nếu được HĐND TP.HCM thông qua thì UBND TP.HCM sẽ hoàn chỉnh đề án trình Bộ Nội vụ. Sau đó, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị thẩm định liên bộ cùng với Bộ Tư pháp, trên cơ sở đó sẽ xin ý kiến Chính phủ. Sau đó, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thông qua Ủy ban Pháp luật thẩm định trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Nếu được thông qua, TP.HCM giảm từ 24 quận, huyện xuống còn 16 quận, 5 huyện, 1 thành phố và giảm từ 322 phường, xã, thị trấn còn 312 phường, xã, thị trấn.
Danh sách các phường thuộc diện sáp nhập gồm: P.An Khánh và P.Thủ Thiêm sáp nhập thành P.Thủ Thiêm, P.Bình Khánh và P.Bình An thành P.An Khánh (Q.2); P.6, P.7 và P.8 thành P.Võ Thị Sáu (Q.3); P.2 và P.5 thành P.2, P.12 và P.13 thành P.13 (Q.4); P.12 và P.15 thành P.12 (Q.5); P.2 và P.3 thành P.2 (Q.10); P.11 và P.12 thành P.11, P.13 và P.14 thành P.13 (Q.Phú Nhuận).
Bình luận (0)