Một số nguồn thạo tin vừa tiết lộ với Tân Hoa xã về cách thức, thủ tục, tiêu chuẩn và cơ chế mới bầu chọn dàn lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hôm 25.10, tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tiếp tục bầu làm tổng bí thư CPC. Ban Chấp hành trung ương mới, với 204 ủy viên và 172 ủy viên dự khuyết, đã được bầu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của CPC, diễn ra từ ngày 18-24.10. Phiên họp toàn thể còn bầu các ủy viên của Bộ Chính trị CPC (25 người) và Ban Thường vụ Bộ Chính trị (7 người).
Sáng 25.10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 19 tổ chức phiên họp toàn thể đầu tiên và bầu ra các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới.
Để có được dàn lãnh đạo CPC mới, từ đầu năm 2017, ông Tập Cận Bình đã bắt đầu làm việc với những ủy viên còn lại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 về quy trình cân nhắc và quyết định giới thiệu ứng viên, theo Tân Hoa xã. Đến ngày 24.4, Ban Thường vụ Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp đặc biệt do ông Tập chủ trì và thông qua kế hoạch giới thiệu ứng viên.
Trong đó, các ứng viên phải có niềm tin vững chắc, trung thành với CPC và duy trì “việc tuân theo Ban Chấp hành trung ương với hạt nhân là đồng chí Tập ở mức độ cao”, theo một số nguồn tin tiết lộ với Tân Hoa xã. Ngoài ra, họ phải có khả năng lãnh đạo vượt trội; là người có nhiều kinh nghiệm với quyết tâm đẩy mạnh cải cách và đổi mới; đi đầu trong việc thực hiện chế độ tập trung dân chủ; và là người công bằng, chính trực có quan điểm về thế giới, cuộc sống và các giá trị theo Chủ nghĩa Cộng sản.
Cơ chế mới
Cũng theo kế hoạch, hồi cuối tháng 5, một lãnh đạo tỉnh ở Trung Quốc được triệu tập tới Bắc Kinh để làm việc trực tiếp với một quan chức cấp cao về giới thiệu ứng viên vào dàn lãnh đạo mới, xem xét danh sách các gương mặt cấp bộ và cấp tỉnh. Đây là một ví dụ cho thấy cách thức các cuộc tham vấn trực tiếp lần đầu tiên được đưa vào quy trình giới thiệu ứng viên lãnh đạo, theo Tân Hoa xã.
Việc bổ sung “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc nâng vị thế của nhà lãnh đạo này lên ngang hàng với Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Trước đó, 2 đại hội lần thứ 17 (2007) và 18 (2012) áp dụng cơ chế tiến cử dựa trên lá phiếu. Các ủy viên chính thức lẫn dự khuyết của Ban Chấp hành trung ương đảng bỏ phiếu chọn ra các thành viên Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nhiều ủy viên bị cho là bỏ phiếu cho có hoặc chỉ ủng hộ những nhân vật cùng “phe cánh”, theo Tân Hoa xã.
Từ tình trạng trên, đến Đại hội 19, CPC quyết định thay thế bằng cơ chế “tham vấn” để lựa chọn các lãnh đạo cấp cao. Dù hình thức vẫn là bỏ phiếu, nhưng dựa trên “tham vấn trực tiếp”. Từ tháng 4 đến tháng 6.2017, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tham vấn với 57 đại biểu trong khi những lãnh đạo cấp cao khác đã gặp gỡ hơn 200 đại biểu để nghe họ bày tỏ ý kiến đề cử. Trong các cuộc gặp, nhiều vị lãnh đạo cấp cao tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho người trẻ hơn, theo Tân Hoa xã.
Dựa trên ý kiến từ các cuộc tham vấn, Ban Thường vụ Bộ Chính trị ngày 25.9 đưa ra đề xuất cấu trúc của dàn lãnh đạo trung ương mới. Đến ngày 29.9, Bộ Chính trị thông qua đề xuất này và quyết định trình lên phiên họp toàn thể đầu tiên của Ban Chấp hành trung ương và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương khóa 19, theo Tân Hoa xã.
Bình luận (0)