Hé lộ cơ cấu quyền lực của Taliban
Thập niên 1980, Mỹ ủng hộ một liên minh gọi là các tay súng “mujahideen” trong cuộc chiến chống lại Liên Xô ở Afghanistan. Khi Liên Xô rút quân, nước này rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu. Năm 1994, những tay súng “mujahideen” trỗi dậy thành lập phong trào Taliban và kiểm soát đa số lãnh thổ Afghanistan vào năm 1996. Người sáng lập và cũng là thủ lĩnh đầu tiên của Taliban là Mullah Mohammad Omar.
Sau khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11.9.2001, liên quân do Mỹ dẫn đầu kéo quân vào Afghanistan và lật đổ Taliban. Thủ lĩnh Omar tháo chạy và chết trong vòng bí mật vào năm 2013. Mới đây, với thắng lợi quân sự giòn giã cho phép cầm quyền Afghanistan, Taliban lần lượt công khai danh tính dàn lãnh đạo.
Haibatullah Akhundzada
Thủ lĩnh tối cao Taliban là Haibatullah Akhundzada, học giả về đạo Hồi. Ông Akhundzada có quyền quyết định cuối cùng trong các vấn đề chính trị, tôn giáo và quân sự của Taliban. Được gọi với biệt danh “vị chỉ huy của sự trung thành”, ông Akhundzada được bầu vào vị trí tối cao khi người tiền nhiệm Akhtar Mansour bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích bằng thiết bị bay không người lái của Mỹ tại biên giới Afghanistan - Pakistan vào năm 2016, theo Hãng tin AFP.
Tuy nhiên, ông Akhundzada bất ngờ biến mất khỏi tầm mắt của các thủ lĩnh cấp cao khác trong suốt 6 tháng qua. Đài NDTV dẫn nguồn tin quan chức Ấn Độ cho hay dựa trên các nguồn tin tình báo nước ngoài, có vẻ như ông Akhundzada đang nằm trong tay quân đội Pakistan. Trong khi quân đội Pakistan chưa lên tiếng về vụ việc, một số người cho rằng ông Akhundzada sẽ không đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chính quyền, mà duy trì vai trò đằng sau như các đời thủ lĩnh tối cao khác của Taliban trước đó, theo Đài NPR dẫn lời chuyên gia Michael Kugelman của Trung tâm Wilson (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ).
Mullah Abdul Ghani Baradar
|
Thủ lĩnh tối cao có 3 người phó, lần lượt là Mawlavi Yaqoob, con trai của thủ lĩnh Omar; Sirajuddin Haqqani, đứng đầu mạng lưới các tay súng vũ trang khét tiếng Haqqani; và Abdul Ghani Baradar, một trong những thành viên sáng lập của Taliban. Trong đó, ông Baradar được cho là thủ lĩnh trên thực tế của Taliban hiện tại.
Năm 2010, chính quyền Pakistan đã bắt ông Baradar tại TP.Karachi và cầm tù nhân vật này suốt 8 năm. Đến năm 2018, tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump yêu cầu phía Pakistan phóng thích ông Baradar để người này dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình ở Doha (Qatar). “Ông Baradar sẽ là sự lựa chọn an toàn nhất để đảm nhiệm vị trí quan trọng trong chính quyền mới của Taliban”, chuyên gia Kugelman dự đoán.
Những nhân vật khác
|
|
Trong số những nhân vật cộm cán của dàn thủ lĩnh Taliban, Yaqoob dẫn dắt việc thực thi các chiến dịch quân sự của Taliban. Năm 2016, lẽ ra Yaqoob được chọn cho vị trí thủ lĩnh tối cao, nhưng người này đề cử ông Akhundzada vì cho rằng bản thân thiếu kinh nghiệm chiến trường và còn quá trẻ. Yaqoob được cho mới hơn 30 tuổi.
Còn Sirajuddin Haqqani, con trai của thủ lĩnh Jalaluddin Haqqani của phong trào “mujahideen”, là người chỉ huy mạng lưới Haqqani. Đây là hệ thống quản lý các tài sản về tài chính và quân sự dọc theo biên giới Pakistan và Afghanistan. Một số chuyên gia cho rằng cha con nhà Haqqani là những người đầu tiên triển khai các vụ đánh bom tự sát ở Afghanistan và từng thực thi một số vụ tấn công khét tiếng. Trong số đó có thể kể đến vụ đột kích khách sạn Kabul, âm mưu ám sát ông Hamid Karzai khi còn là Tổng thống Afghanistan và tổ chức vụ tấn công tự sát sứ quán Ấn Độ ở Kabul.
Các nhân vật còn lại bao gồm Sher Mohammad Abbas Stanekzai, cựu thứ trưởng của chính quyền Taliban trước biến cố năm 2001 và sau đó dẫn đầu văn phòng chính trị ở Doha; Abdul Hakim Haqqani, người được ông Akhundzada tin tưởng nhất. Trong quá trình đàm phán, Reuters dẫn lời một thành viên của Taliban khẳng định: “Sự hiện diện của ông ấy trên cơ bản giống như thủ lĩnh tối cao đang đích thân ngồi vào bàn thương thuyết”.
Trong khi đó, Suhail Shaheen là người phát ngôn của Taliban và từng là thành viên của ủy ban đàm phán. Đây là nhân vật liên tục xuất hiện và phát ngôn trên các báo đài sau khi Kabul thất thủ vào cuối tuần trước. Một phát ngôn viên khác của Taliban là Zabihullah Mujahid. Người này đảm nhiệm vai trò phát ngôn cho Taliban từ năm 2007 nhưng mới lộ diện trước công chúng trong tuần này.
Ngoài thủ lĩnh tối cao, các nhân vật còn lại của bộ máy Taliban lần lượt xuất hiện tại Afghanistan. Vẫn chưa rõ vai trò của các thủ lĩnh Taliban trong chính quyền mới.
Mỹ điều trực thăng sơ tán công dân
AFP dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby ngày 20.8 cho biết quân đội Mỹ đã triển khai 3 trực thăng CH-47 Chinook để sơ tán 169 công dân nước này. Nhóm người trên tập trung tại khách sạn Baron gần sân bay Kabul, Afghanistan.
Theo kế hoạch ban đầu, nhóm này sẽ đi bộ từ khách sạn đến cổng chính sân bay Kabul cách đó 200 m. Tuy nhiên, một đám đông đã tụ tập tại cổng sân bay, đe dọa đến an ninh. Vì vậy, chỉ huy tại sân bay đã triển khai trực thăng đến khách sạn. Đây là lần đầu tiên lực lượng Mỹ vượt khỏi phạm vi sân bay Kabul để sơ tán người dân, gây nguy cơ xung đột với Taliban.
Phát ngôn viên chính phủ Đức ngày 20.8 cũng cho biết một công dân nước này đã bị bắn và bị thương trên đường đến sân bay. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông tin đến các hạ nghị sĩ rằng một số công dân Mỹ bị lực lượng Taliban hành hung khi cố gắng rời khỏi Afghanistan, theo tờ Politico. Ông Austin cho biết Mỹ đã nhấn mạnh với thủ lĩnh Taliban về việc công dân nước này phải được an toàn di chuyển ra sân bay. Các tuyên bố của ông Austin dường như trái ngược với phát biểu của Tổng thống Joe Biden vài phút trước đó. Theo ông Biden, không có dấu hiệu cho thấy người Mỹ gặp khó khăn khi đi qua các trạm kiểm soát của Taliban và đến sân bay ở Kabul.
Trong 24 giờ tính đến sáng sớm 20.8, Mỹ đã đưa khoảng 6.000 người rời Afghanistan.
Đông A
|
Bình luận (0)