“Con còn nhỏ chưa biết gì nên phải chọn giúp con” !
Ông Vũ Khắc Ngọc, công tác tại Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, và cũng là một thầy giáo luyện thi môn hóa nổi tiếng tại Hà Nội, kể lại: “Có một bác phụ huynh kiên nhẫn chờ trước lớp học của tôi tới tận 21 giờ 30 để hỏi về việc điều chỉnh nguyện vọng cho con. Bác rất cẩn thận, giấy tờ, tài liệu, sổ sách, bút thước đủ cả. Quá xúc động trước sự cẩn thận, chu đáo của bác, tôi buột miệng hỏi con bác đâu mà sao không thấy đi cùng bác. Bác trả lời do trời mưa nên con ngại không đến, tuy nhiên vẫn đi xem phim cùng bạn. Tôi hỏi tiếp: “Thế những nguyện vọng này do bạn ấy chọn hay bác chọn?”. Bác nói: “Tôi chọn hết thầy ơi, nó có để tâm đến cái gì bao giờ đâu”. Tôi tiếp tục thắc mắc: “Lỡ bác chọn rồi mà bạn ấy không thích thì sao?”. Bác thản nhiên nói: “Kệ nó thầy ạ, con bảo tôi là con đã cố hết sức rồi, chỉ được 23 điểm thôi, giờ mẹ thích chọn ngành gì thì chọn”.
Trước tình huống này, tiến sĩ Ngọc chỉ còn biết lắc đầu. “Đôi khi bố mẹ cẩn thận, chu đáo và chăm chút quá cũng là nguyên nhân sinh ra những bạn trẻ có thái độ thờ ơ. Bố mẹ lo hết phần của con rồi thì con đâu còn gì để lo, và cũng không biết phải lo những gì”, tiến sĩ Ngọc nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết trong suốt nhiều ngày qua, có rất nhiều phụ huynh gọi điện tới trường mỗi ngày nhờ cán bộ tuyển sinh tư vấn để xem mình nên chọn ngành học nào cho con.
“Trước và trong thời gian diễn ra việc điều chỉnh nguyện vọng cũng vậy, có phụ huynh đến tận trường hỏi mà không hề có thí sinh đi theo. Ba mẹ của những thí sinh này chia sẻ mình là người quyết định chọn ngành chứ không cho con chọn. Ở đây có 2 tình huống, một là ba mẹ có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết, nắm được sở thích, năng lực của con cũng như hiểu rõ nhu cầu thị trường lao động, muốn tốt cho con nên định hướng con phải học ngành đó. Hai là ba mẹ thể hiện quyền lực, muốn tự mình quyết định thay con nhưng không có sự am hiểu về ngành nghề, không hiểu khả năng của con, chọn ngành theo đám đông rồi áp đặt con phải học. Tình huống thứ 2 rõ ràng rất nguy hại”, tiến sĩ Trung Nhân nhìn nhận.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, cũng chia sẻ tình trạng cha mẹ gọi điện đến trường hỏi thay con càng ngày càng nhiều hơn trước, nhất là ở các thành phố lớn. “Phụ huynh nói rằng do con vẫn còn nhỏ, chưa biết gì nên mới phải tìm hiểu và lựa chọn giúp con. Có thí sinh lại nói cứ để mẹ chọn trước rồi mình chọn sau, nếu không sẽ bị mẹ la...”, thạc sĩ Sơn cho biết thêm.
Dạy con tự quyết định cuộc đời mình
Lý giải về hiện tượng này, tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng đây là hệ quả của cách giáo dục con từ nhỏ, khi cha mẹ quá nuông chiều con cái, làm thay con tất cả mọi việc.
“Thương con, quan tâm đến con không có nghĩa là như vậy, vì điều đó ảnh hưởng rất nhiều tới tính cách, hành động và cuộc đời của con sau này. Lâu nay ở trong gia đình, rất nhiều trẻ không phải làm gì ngoài việc phải học tập để đạt một thành tích nào đó cho cha mẹ. Do điều kiện kinh tế khá giả nên nhiều phụ huynh luôn muốn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con, những việc như rửa chén, nấu cơm, lao động trong nhà đều không phải đụng tay. Chưa kể mọi nhu cầu đều được thỏa mãn, khiến trẻ không có động cơ để trưởng thành, không có cơ hội tự lập, cho đến khi lớn lên vẫn ỷ lại, phụ thuộc vào cha mẹ, không tự mình quyết định được điều gì của chính bản thân mình”, tiến sĩ Công nêu quan điểm.
Tiến sĩ Công cho rằng việc học một ngành không do chính mình lựa chọn, không yêu thích sẽ khiến thí sinh chán nản, không có động cơ học tập tích cực, dẫn đến nguy cơ bỏ giữa chừng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc.
“Dù có cố gắng học để tốt nghiệp thì sau này đi làm cũng khó đạt được thành công trong công việc cũng như cuộc sống cá nhân. Không những thế, trong quá trình học, do chán nản, có bạn còn mất phương hướng, sa vào tệ nạn. Vì vậy, hãy dạy con các kỹ năng để có thể biết cách lựa chọn không chỉ ngành học mà rất nhiều điều khác trong cuộc sống, biết tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó”, tiến sĩ Công cho hay.
Biết trước những tình huống này năm nào cũng diễn ra, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, Tiền Giang, cho biết tại trường mình, ngay từ lớp 10 đã họp toàn bộ phụ huynh để trao đổi. Trong buổi họp đó, thầy cô nêu ra những hệ lụy của việc ba mẹ chọn ngành thay con và tư vấn, đưa ra lời khuyên để phụ huynh cho con được quyền quyết định.
“Chúng tôi vẫn nói với phụ huynh rằng hãy buông con ra để con có cơ hội tự lập, thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nhiều phụ huynh biết thế là không tốt nhưng vẫn không làm được, do thương con, muốn bao bọc con. Nếu cứ như vậy, con sẽ khó trưởng thành, sau này ra đời sẽ ngơ ngác, không thể tự làm gì, không quyết định được gì”, ông Nguyễn Thanh Hải nhận định.
Bình luận (0)