Hệ lụy từ cách giáo dục 'nuông chiều'?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
11/01/2023 04:15 GMT+7

Khi một trường tiểu học tư thục cho học sinh tự phục vụ bữa ăn trưa để rèn tính tự lập và kỹ năng sống, thì một số phụ huynh đã than phiền “tôi đóng tiền cho con học là để được chăm lo chứ không phải bắt con tự bưng bê như vậy!”.

Đó là chia sẻ của một chuyên gia giáo dục về cách giáo dục của nhiều bậc cha mẹ ngày nay khiến cho một bộ phận gen Z khi trưởng thành bị than phiền là thiếu trách nhiệm, thiếu tự lập, thái độ và tính kỷ luật còn rất kém.

Không dám trách mắng, uốn nắn con

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM (nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại ĐH Illinois, Mỹ), kể lại câu chuyện: “Trong những bữa ăn trưa, có trường muốn rèn tính tự lập và kỹ năng sống cho trẻ nên để các con tự chuẩn bị bữa ăn, tự phục vụ. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không đồng ý, cho rằng mình đóng tiền học cao hằng tháng cho trường là để con được chăm lo chứ không phải tự phục vụ như vậy!”.

Bà Uyên Phương nhận định đó chính là “tâm thế” nuông chiều. Nghĩa là cha mẹ không muốn con cái phải làm gì ngoài việc học, ở nhà có người giúp việc lo từ bữa ăn, lau dọn nhà cửa đến giặt giũ thì tại sao đến trường con lại phải làm những việc đó? “Không chỉ nuông chiều con, không cho con đụng vào bất cứ việc gì, mà thậm chí con làm sai, con mắc lỗi nhiều phụ huynh cũng không dám la mắng hay uốn nắn, điều chỉnh. Đây chính là một thái cực đối lập với quan điểm dạy con bằng kỷ luật hà khắc. Cả hai thái cực này đều không tốt cho con cái”, bà Uyên Phương chia sẻ.

Trẻ được giáo dục về kỹ năng tự phục vụ ngay từ nhỏ, lớn lên sẽ không ỉ lại, tự lập, có trách nhiệm với bản thân và người khác

Thúy Hằng

Bà Phương cho rằng quan điểm giáo dục trên của phụ huynh đã tác động rất nhiều đến cách ứng xử của nhà trường đối với học sinh. Theo đó, nhiều thầy cô cũng không dám dùng hình phạt hay kỷ luật học sinh khi các em mắc lỗi vì ngại phụ huynh, vì sợ bị quay clip tung lên mạng với quy chụp “bạo lực học đường”… Một giáo viên khác ngần ngại nêu quan điểm: Ranh giới giữa đánh mắng học trò và quở phạt không bạo lực đôi khi rất mong manh dưới áp lực môi trường giáo dục thân thiện, khiến thầy cô thường… thôi kệ.

Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên Trường THCS Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai, cũng chia sẻ: “Làm giáo viên thời nay áp lực không phải vì sự vất vả, mà áp lực nhiều khi đến từ cách ứng xử của phụ huynh. Có nhiều cha mẹ chỉ cần thấy con có một vết xước nhỏ hay bị trách phạt nhẹ nhàng cũng xót con và họ sẵn sàng đến trường trách mắng thầy cô, thậm chí đánh giáo viên. Sự nuông chiều con bất kể đúng sai, thể hiện thái độ gay gắt với thầy cô trước mặt con, vô tình khiến trẻ nghĩ mình là số một, từ đó ra ngoài xã hội, trẻ cũng sẽ ngạo mạn, coi thường người khác”.

Nhiều nhà tuyển dụng gần đây thường xuyên than phiền về thái độ, kỹ năng, cách ứng xử thiếu trách nhiệm của giới trẻ đối với công việc cũng như với các mối quan hệ trong xã hội. Chẳng hạn như hẹn phỏng vấn không tới nhưng cũng không báo lại, đi làm thì đi trễ về sớm, tự tin thái quá về bản thân... Đại diện một doanh nghiệp cho biết công ty mình phải chiều chuộng nhân viên trẻ “từng li từng tí” vì nếu không thì họ sẽ bỏ việc, gây xáo trộn và khó khăn… Có chuyên gia chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến gen Z có biểu hiện như vậy là vì được nuông chiều từ nhỏ trong gia đình và trưởng thành trong môi trường học tập cũng được nuông chiều không kém, nhất là ở các cơ sở giáo dục xác định không chỉ là dạy mà còn là nơi cung cấp dịch vụ.

Lối giáo dục nguy hại

Thạc sĩ Lê Minh Tiến, giảng viên Khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, lý giải:

“Thế hệ gen Z được sinh ra trong giai đoạn mà các yếu tố về kinh tế, công nghệ, quá trình toàn cầu hóa đều ở mức tốt hơn hẳn so với các thế hệ trước đây. Phần lớn gia đình các em có điều kiện về tài chính. Các em cũng có cơ hội tiếp xúc sớm với những tiến bộ của công nghệ và tham gia rất sớm vào tiến trình toàn cầu hóa thông qua internet và mạng xã hội. Từ đó, suy nghĩ, thái độ và quan niệm sống của các em thuộc thế hệ này cũng có sự khác biệt rất lớn”.

Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Tiến, đa số gen Z ở trong gia đình ít con, thường chỉ từ một đến hai con. Điều đó khiến nhiều đứa trẻ trở thành những “đứa con vua” trong gia đình.

“Phụ huynh ngày nay rất khó hoặc rất ngại áp đặt những kỷ luật, những giới hạn cho trẻ và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của con, con muốn gì được nấy và chỉ làm những gì mình thích. Từ đó, khi lớn lên vào trường học, thầy cô cũng không thể thay đổi được lối suy nghĩ thích làm gì thì làm nơi học sinh”, thạc sĩ Tiến nhìn nhận.

Bà Uyên Phương cho rằng thái cực dạy con theo cách nuông chiều được xuất phát từ tâm lý muốn thành cha mẹ tốt, muốn sửa chữa những sai lầm về giáo dục của thế hệ trước mà ở đó cha mẹ chính là “nạn nhân” của thái cực giáo dục theo kỷ luật hà khắc. “Hơn nữa, nhiều cha mẹ du nhập tư tưởng tiến bộ và giáo dục mới từ nước ngoài đó là luôn tôn trọng, lắng nghe con nhưng lại cực đoan theo kiểu không dám uốn nắn, không dám trách phạt con vì sợ như thế sẽ là hà khắc. Cha mẹ và ngay cả giáo viên còn đang lúng túng, không biết cân bằng giữa yêu thương và kỷ luật tích cực”, bà Phương nhận định.

Với lối giáo dục nuông chiều con cái, bà Phương khẳng định sẽ khiến cho một bộ phận thế hệ trẻ đến tuổi trưởng thành vẫn bị thiếu hụt rất nhiều về kỹ năng, thái độ, ứng xử với xã hội có vấn đề, khi gặp tình huống khó khăn thì không biết cách xoay xở, ích kỷ, ít biết sẻ chia…

Trẻ chưa được dạy về cách lắng nghe và thấu cảm

Ở một góc độ khác, ông Bùi Quang Tinh Tú, Giám đốc phát triển của JobHopin - nền tảng tuyển dụng thông minh bằng công nghệ AI đồng thời là nhà sáng lập của UAN - cộng đồng marketing và truyền thông với hơn 50.000 thành viên đa số là người trẻ, đánh giá: “Sự nuông chiều từ nhỏ khiến gen Z khi ra đời bước chân vào môi trường làm việc, xa rời khỏi gia đình đã có những mong đợi không thực tế về cuộc sống. Các bạn trẻ có thể cảm thấy bị “đàn áp” bởi cấp quản lý, bởi quy trình, bởi văn hóa của doanh nghiệp. Đứng trước khó khăn và thách thức, các bạn ít kiên nhẫn hơn, dễ có những hành vi bộc phát hơn. Các bạn cũng có thể dễ dàng dừng công việc tại một công ty chỉ vì bất đồng quan điểm với sếp hoặc đồng nghiệp”.

Cảm giác bị đàn áp, cảm giác stress đến từ việc đối diện các thách thức của gen Z phần nào tạo ra một vấn đề thứ 3 là thế hệ này ít bền bỉ hơn về mặt tinh thần, dễ mắc phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn so với các thế hệ trước, từ đó ảnh hưởng đến khả năng và năng lực làm việc, theo ông Tinh Tú.

Để hạn chế những vấn đề như vậy cho thế hệ gen Z cũng như những thế hệ tương lai về sau (gen Alpha), ông Tú cho rằng cần phải có sự nỗ lực từ gia đình, hệ thống giáo dục và xã hội.

“Cần có nhiều hơn các hoạt động khuyến khích các gen Z tham gia vào việc chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn, tạo ra các giá trị xã hội. Điều này giúp cho các bạn giảm bớt được cảm giác đặc quyền, các bạn thấy được những mảnh đời khó khăn trong xã hội và các bạn thấy được rằng mình có thể làm được nhiều thứ hơn để giúp tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên có một cái nhìn thiện cảm hơn về những thách thức đặc biệt mà thế hệ này đối diện. Hiểu rằng bất cứ thế hệ nào cũng có những vấn đề riêng và phần nhiều chúng được tạo ra do hoàn cảnh vĩ mô của xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát. Một cái nhìn và sự thấu hiểu đúng đắn sẽ giúp cho gen Z có thể cảm thấy bớt áp lực, bớt bất công và có thể tập trung nhiều hơn vào những giá trị tốt đẹp”, ông Tinh Tú đề nghị.

Bà Uyên Phương nêu một nghịch lý là lâu nay cha mẹ, thầy cô và những người lớn vẫn được khuyên là phải luôn biết lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng trẻ nhưng ngược lại trẻ lại không được dạy điều đó đối với người lớn và những người xung quanh. “Không chỉ cha mẹ, thầy cô lắng nghe các con mà các con cũng cần được dạy cách lắng nghe, thấu hiểu cha mẹ, thầy cô. Có được điều đó, gen Z hay các thế hệ sau gen Z lớn lên sẽ bớt ích kỷ, biết nghĩ đến người khác, có trách nhiệm với người khác”, bà Uyên Phương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.