Nạo vét 3 năm chỉ đạt... 8% khối lượng
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đề án nạo vét bãi bồi lòng suối đầu nguồn, khơi thông dòng chảy và vật liệu bồi lấp lòng hồ chứa nước Cam Ranh được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Công ty TNHH đầu tư và dịch vụ Cát Khánh (gọi tắt là Công ty Cát Khánh) thực hiện từ ngày 24.11.2016, thời gian nạo vét là 3 năm. Khối lượng nạo vét là 901.400 m3, trong đó có khoảng 30% là cát làm vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, sau 3 năm “miệt mài” nạo vét, với hàng chục xe múc, xe đào và xe vận chuyển hối hả xúc - chở, công ty lại báo cáo khối lượng chỉ đạt 8% (72.578 m3/901.400 m3), nên tiếp tục xin gia hạn. Hiện công ty đã cắt cử người canh gác 24/24, không cho bất cứ người lạ nào tiếp cận nơi xử lý việc hút cát lên bể lắng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, việc nạo vét bùn cát bồi lắng trong lòng hồ chứa để khôi phục dung tích trữ nước của hồ là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay cát xây dựng đang là mặt hàng khan hiếm, nên chuyện “núp bóng” nạo vét để tận thu cát là khó tránh khỏi. Dù vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn đồng ý chủ trương cho gia hạn đến 31.12.2021 nhưng giao Sở NN-PTNT phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục theo thẩm quyền. Hiện, Sở đang xem xét hồ sơ để tham mưu UBND tỉnh.
Hệ lụy
Cử tri đã nhiều lần kiến nghị cần phải quản lý chặt việc vận chuyển quá tải dẫn đến tuyến đường liên xã xuống cấp nghiêm trọng, công ty cũng đã khắc phục theo yêu cầu của H.Cam Lâm song tuyến đường vẫn không được cải thiện là bao.
Ngoài ra, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc nạo vét hồ chứa nước Cam Ranh ảnh hưởng đến nguồn nước. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trong năm 2018, do Công ty Cát Khánh chưa có biện pháp hợp lý để xử lý nước đục trong quá trình nạo vét nên hồ Cam Ranh có hiện tượng bị đục, ảnh hưởng đến chất lượng nước thô cung cấp cho các đơn vị sử dụng.
Cụ thể, thay vì để bùn lắng trong bể xong rồi mới xả nước lại xuống hồ, đơn vị chỉ bơm lấy cát xong là cho bùn chảy tự do. Theo số liệu báo cáo của Nhà máy nước Cam Lâm, đơn vị lấy nước sinh hoạt từ hồ nước này, thì trong quá trình nạo vét lòng hồ, Công ty Cát Khánh xả ra hồ hơn 1.000 NTU (Neplelometric Turbidity Units - tiêu chuẩn đo độ đục trong nước sinh hoạt), trong khi tại suối Cốc, một nhánh chảy về hồ là 7.6 NTU và tại suối Valy đổ về hồ là 14.78 NTU. Dầu nhớt chảy ra từ máy hút cát cũng là mối lo ô nhiễm nguồn nước. Việc nạo vét làm nước đục lên là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên nếu đơn vị nạo nét tuân thủ đúng quy trình lắng lọc thì mức độ đục sẽ giảm hơn.
Mới đây, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp với địa phương, các đơn vị liên quan về việc gia hạn nạo vét tại hồ Cam Ranh. Ông Đinh Văn Mỹ, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, đề nghị Công ty Cát Khánh thuê đơn vị tư vấn để đánh giá tác động môi trường; đề ra biện pháp cụ thể cách xử lý để hạn chế độ đục của nguồn nước; lắp camera để địa phương và các đơn vị có thể theo dõi, giám sát. UBND H.Cam Lâm cũng kiến nghị nếu được gia hạn thì các tháng mùa khô không được khai thác hoặc khai thác xa vị trí lấy nước thô vì có thể gây ô nhiễm nguồn nước.
Bình luận (0)