Hè này thiếu nhi không có sân khấu để xem

Hoàng Kim
Hoàng Kim
27/07/2020 06:55 GMT+7

Hè năm nay, các em thiếu nhi được nghỉ hơn 1 tháng, tuy nhu cầu giải trí với các loại hình văn hóa nghệ thuật vẫn có, nhưng sân khấu lại hoàn toàn đóng cửa.

Mọi năm, chương trình Ngày xửa ngày xưa của Sân khấu IDECAF (TP.HCM) đã rộn ràng từ cuối tháng 5, kéo dài tới cuối tháng 8 với hơn 30 suất diễn hoành tráng tại Nhà hát Bến Thành, mỗi suất hàng ngàn chỗ. Muốn xem Ngày xửa ngày xưa, có khi phải đặt vé trước cả tháng. Chưa kể IDECAF còn có hơn 30 vở rối cạn chuyển thể từ Ngày xửa ngày xưa như Nàng tiên cá, Aladin, Alibaba, Lọ Lem, Sọ Dừa, Lee Kim Chi, Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Tấm Cám… biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Rối nước Rồng Vàng và tại Đầm Sen cùng vài điểm khác. Vậy mà năm nay không có suất nào mở màn.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF, cho biết: “Dịch Covid-19 xảy ra và kéo dài, chúng tôi không tiên đoán được khi nào hết dịch và khi nào sân khấu được hoạt động trở lại, nên không dám chuẩn bị gì. Một vở phải lên sàn tập trước mấy tháng, rồi rao bán trên mạng cũng phải trước cả tháng, mình hoàn toàn bị động với trận dịch này. Lịch nghỉ hè của các em cũng mới vừa thông báo gần đây, chúng tôi không kịp sửa sang, dọn dẹp sân khấu, bởi thời gian qua không có khách du lịch nên chúng tôi cũng đóng cửa Nhà hát Rối nước Rồng Vàng luôn. Thôi đành cho qua năm nay. Các em nhỏ buồn, nghệ sĩ tụi tôi cũng buồn nữa, vì ai cũng thích diễn cho khán giả nhí xem”.
IDECAF không diễn có nghĩa là cả TP.HCM không có sân khấu nào làm kịch thiếu nhi. Hoàng Thái Thanh và Thế Giới Trẻ cách đây nhiều năm cũng có dựng vài vở nhưng rồi quá đuối, ngưng luôn. IDECAF trở thành “độc cô cầu bại” trong một thành phố có cả triệu thiếu nhi. Ông Huỳnh Anh Tuấn lắc đầu: “Chúng tôi không ham điều đó. Một mình một chợ chứng tỏ sân khấu mình yếu, chưa chăm lo cho mầm non của đất nước. Tôi mong các nơi dựng càng nhiều càng tốt vì “thực đơn” càng phong phú, các em càng được thưởng thức nhiều hơn”.
Thật ra, chính nhà nước phải có chiến lược chăm lo cho thiếu nhi chứ không phải để các sân khấu xã hội hóa “tự bơi” như thế. Các đơn vị đã bỏ tiền ra dựng vở, nhà nước chỉ cần mua dàn với giá rẻ để “đãi” các học sinh giỏi, học sinh nghèo, thầy cô giáo, hoặc các sự kiện của Đội, Đoàn, các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi... là nuôi được vở diễn, để nghệ sĩ còn sức mà làm tiếp. Ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết thêm, chỉ cần nhà nước bù 50% giá vé, còn IDECAF sẽ tự bán vé 50%, như vậy cả đôi bên đều nhẹ gánh. “IDECAF chuẩn bị cho 300 suất diễn rối và kịch lịch sử, với mô hình nhà nước kết hợp sân khấu như thế, mỗi vé chỉ còn 15.000 đồng, mới bằng một gói xôi. Quả thật IDECAF đã rất nhiệt tình, mong nhà nước hỗ trợ duyệt kinh phí, để anh em nghệ sĩ có thêm động lực”, ông Tuấn trăn trở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.