Hệ thống ngân hàng Trung Quốc cần gói cứu trợ nghìn tỉ USD

25/05/2016 11:41 GMT+7

Nhà phân tích ngân hàng từng gây chú ý khi cảnh báo về rủi ro tín dụng Trung Quốc mới đây cho rằng Đại lục cần gói cứu trợ nghìn tỉ USD để giải quyết gánh nặng nợ xấu.

Theo Bloomberg, bà Charlene Chu, nhà phân tích từng làm việc tại hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho hay Trung Quốc cần gói cứu trợ nghìn tỉ USD để giải quyết gánh nặng nợ đang đè lên nền kinh tế. Bà Chu phát biểu ý kiến trên tám ngày sau khi một tờ báo Trung Quốc nhấn mạnh tính nguy hiểm của việc tích lũy nợ trong nước.
Bà Chu, hiện là đối tác tại viện nghiên cứu Autonomous Research, cho hay mình vẫn chưa bị thuyết phục rằng chính phủ Đại lục đang nghiêm túc trong quá trình giảm nợ và loại bỏ sản lượng công nghiệp dư thừa. Hiện tại, mối đe dọa lớn nhất với hệ thống tài chính Trung Quốc là danh mục đầu tư thiếu cân bằng của các nhà băng, tương tự như những gì một loạt ngân hàng phương Tây từng vướng phải hồi năm 2008 và là nguyên nhân kích hoạt cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Cựu chuyên gia của Fitch Ratings sử dụng phương thức tiếp cận từ trên xuống để tính toán mức nợ xấu ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới khi tỷ lệ tín dụng so với GDP đã tệ hơn, hay nước này đòi hỏi phải có nhiều tín dụng hơn để tạo ra mỗi đơn vị tổng sản phẩm quốc nội.
Bà Chu không phải là chuyên gia duy nhất có cái nhìn ảm đạm về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Hôm 24.5, ngân hàng Societe Generale cho hay các nhà băng quốc gia đông Á cuối cùng có thể phải đối mặt với khoản lỗ 8.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 1.200 tỉ USD, và một gói cứu trợ từ chính phủ vì quy mô tín dụng xấu đang tăng lên giữa các doanh nghiệp quốc doanh.
Trả lời phỏng vấn ở Hồng Kông hồi tuần trước, bà Chu cho hay nợ là mối nguy lớn nhất với nền kinh tế Trung Quốc: “Vấn đề nợ nần của Trung Quốc là rất lớn và nghiêm trọng, song xét một số khía cạnh thì nó bùng nổ chậm. Trong ngắn hạn, chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ lớn nhất nằm ở danh mục đầu tư WMP (công cụ tài chính phái sinh tương tự như một chứng chỉ tiền gửi ngân hàng nhưng lại có lợi suất cao hơn cho người mua) của các nhà băng”.
Tuy nhiên, bà Chu cho biết một cuộc khủng hoảng tài chính hay suy thoái kinh tế hiện chưa là nguy cơ rõ ràng.
So sánh quá trình tích lũy nợ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, bà Chu nhận định: “Việc mở rộng tín dụng của Nhật Bản không có kích thước đến mức như Trung Quốc và Trung Quốc đang tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh. Điểm tích cực đối với Đại lục là họ có đội ngũ lãnh đạo không lo sợ nhiều về các thay đổi triệt để như Nhật Bản. Vì thế, nếu giới chức Trung Quốc xác định nợ là trung tâm của các vấn đề họ gặp phải, chúng ta sẽ không phải mất nhiều thập kỷ để thấy vấn đề dường như chẳng được giải quyết bao nhiêu. Song xét khía cạnh tiêu cực, Trung Quốc có mạng lưới an toàn xã hội yếu hơn và dân số nghèo nhiều hơn so với Nhật Bản”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.