Trước khi là giảng viên đại học, Lê Kiên Cường từng là người tham gia lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý nước thải của một công ty Nhật. Thời gian làm việc với người Nhật đã giúp cho anh có kiến thức, kinh nghiệm về xử lý chất thải cũng như thói quen phải bảo vệ môi trường.
Năm 2003, Lê Kiên Cường trở thành giảng viên bộ môn Ăn mòn và bảo vệ kim loại thuộc khoa Công nghệ - Môi trường và Sinh học trường ĐH Lạc Hồng. Vốn là một kỹ sư thực hành nên những bài giảng của anh đều hướng tới những mô hình, điều thực tế tại các nhà máy, chính vì thế SV rất thích giờ học của thầy Cường. Xuất phát từ thực tế SV thực hành thí nghiệm đã đổ các hóa chất thẳng ra môi trường mà không qua xử lý, Lê Kiên Cường đã đề xuất nghiên cứu một hệ thống vừa làm mô hình để giảng dạy vừa xử lý các hóa chất trên. Chính vì đáp ứng được các yếu tố: nhu cầu thực tế của SV là cần hệ thống xử lý nước thải, sự quyết tâm, kiến thức, kinh nghiệm thực tế của người thực hiện nên hội đồng khoa học nhà trường đã quyết định cấp gần 70 triệu đồng làm kinh phí thực hiện. 6 tháng ròng rã làm việc cùng với hai SV và được sự cố vấn của vài người bạn, hệ thống xử lý nước thải ion kim loại đã hoàn chỉnh và được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Pilot hệ thống xử lý nước thải có nhiều bể chứa: bể thu gom vừa có nhiệm vụ thu gom nước thải vừa điều hòa lưu lượng, thành phần nước thải; bể khử; bể lắng; bể điều chỉnh pH... nên hệ thống được đánh giá có tính an toàn cao. Pilot hoàn chỉnh quy trình xử lý nước thải có chứa ion kim loại theo mô hình thực tế công nghiệp, kích thước 1,4 x 2m bằng vật liệu epoxy composite cốt thép. Pilot cũng được thiết kế hướng tới tự động hóa hoàn toàn, dễ dàng trong giai đoạn tiếp theo... Hệ thống đã vận hành với mẫu nước thải chứa ion Cr6+, Ni2+ trong công nghiệp và thu được nước thải đạt yêu cầu nước thải loại B theo quy định của Nhà nước. Với hệ thống này, Lạc Hồng trở thành một trong số rất ít các trường ĐH có hệ thống xử lý nước thải hóa chất trong phòng thí nghiệm.
Tại buổi báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học của trường diễn ra hôm 16.6, đề tài chế tạo Pilot hệ thống xử lý nước thải chứa ion kim loại được hội đồng khoa học đánh giá cao nhờ vào tính thực tiễn và hiệu quả. PGS-TS Đống Thị Anh Đào nhận xét: "Đề tài mang tính cấp thiết đối với các phòng thí nghiệm, các cơ sở phân tích hóa lý làm dịch vụ. Hệ thống xử lý thể hiện được tính hiệu quả về kinh tế, xã hội và giáo dục...".
* Ý tưởng marketing xuất sắc nhất khu vực
* Đề tài từ hoa sen
* Nhất toàn cầu nhờ... heo
Thiên Long
Bình luận (0)