Hết ám ảnh 'rồng rắn' chờ khám bệnh

09/09/2019 05:01 GMT+7

Tình trạng người tới khám bệnh ở nhiều bệnh viện phải chờ có khi cả buổi mới đến lượt sẽ không còn nếu bệnh nhân biết cách đặt lịch khám trước qua tổng đài, phần mềm của các bệnh viện.

Sáng 6.9, PV Thanh Niên đến khu khám theo yêu cầu Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM thấy không có cảnh chen lấn lấy số. Đây là khu khám bệnh đặt hẹn trước. Anh Nguyễn Ngọc An (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết anh đặt hẹn qua tổng đài cho con khám lúc 9 giờ. Đến 9 giờ 20 con anh được khám, không phải đi sớm xếp hàng lấy số.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tâm (ngụ Đồng Tháp) cho biết chị tải app có tên “Bệnh viện Nhi đồng 1 - đăng ký khám bệnh online” về điện thoại để đặt lịch khám trước. Một tuần trước, chị đặt hẹn thành công khám cho con lúc 9 giờ ngày 6.9 và thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng. “Tôi từ quê lên tới BV lúc 8 giờ sáng, mẹ con đi thẳng vào phòng khám (PK), chỉ đưa cho nhân viên tiếp nhận thông tin trên điện thoại đã đăng ký trước đó. Rất nhanh và thuận tiện. Tôi về sẽ tuyên truyền cho các đồng nghiệp biết”, chị Tâm nói.
Khi BN đặt hẹn, BV có trước thông tin BN thì BV cũng rất khỏe, giảm áp lực hành chính và BV biết ngày đó có bao nhiêu BN để chuẩn bị, điều động thêm BS, dụng cụ nếu đông BN
BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM
 
Bệnh nhi được cha mẹ đăng ký qua tổng đài đặt hẹn hoặc app tại Bệnh viện Nhi đồng 1, đỡ mất thời gian hơn ẢNH: DUY TÍNH

Bệnh nhi được cha mẹ đăng ký qua tổng đài đặt hẹn hoặc app tại Bệnh viện Nhi đồng 1, đỡ mất thời gian hơn

Ảnh: Duy Tính

Bác sĩ (BS) Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, cho biết BV có 3 đầu số đặt hẹn khám bệnh trước. Bệnh nhân (BN) có thể gọi qua tổng đài 1080, hoặc 19007289 khám hẹn theo yêu cầu; 19007299 đặt hẹn khám tâm lý, trả cước phí theo quy định của nhà mạng từ 3.000 đồng/phút. Mỗi ngày BV tiếp nhận từ 1.000 - 1.400 BN đặt hẹn trước.
Ngoài ra, từ 17.7 BV áp dụng app khám bệnh online, hiện ứng dụng mới chỉ được cài đặt trên hệ điều hành Android, sắp tới thực hiện trên hệ điều hành IOS. Trung bình mỗi ngày có 10 - 15 BN khám bệnh đặt hẹn qua app này. Theo BS Liên, BN cài đặt, đặt hẹn đều miễn phí nhưng đóng tiền khám trước qua tài khoản ngân hàng, phí khám bệnh từ 70.000 - 150.000 đồng tùy BN chọn. Tuy nhiên, hiện BV mới chỉ áp dụng đăng ký trước khám cho khu dịch vụ.

Không phân biệt bệnh nhân BHYT

Chiều 6.9, PV Thanh Niên đến Khoa nội 4, BV Ung bướu TP.HCM. BN vừa khám bệnh xong tập trung trước phòng hướng dẫn thông tin cài đặt app DR.OH. Người không có điện thoại thông minh thì nhờ nhân viên hướng dẫn lấy điện thoại đặt hẹn giúp cho lượt khám lần sau. Anh Long nhà ở Q.3, TP.HCM đưa mẹ đi khám cũng vừa cài app, đặt hẹn cho mẹ tái khám sáng 12.9. “Mấy bữa đi khám phải đến BV lúc 5 giờ sáng bốc số, nhưng chưa chắc đã khám được buổi sáng, có khi chờ cả buổi chiều. Còn giờ bốc được số 25, chọn được BS. Mỗi lần đặt hẹn tốn 10.000 đồng, nhưng khỏe”, anh Long nói.
BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, cho biết BV có 3 hình thức đặt hẹn khám trước. Lấy số qua gọi tổng đài 1080, gọi đầu số 8088 và app DR.OH. “Trước đây, với BN tái khám, đặt hẹn khám bệnh qua tổng đài 1080 (tốn 2.000 - 5.000 đồng/phút tùy nội hay ngoại tỉnh). BV chuẩn bị hồ sơ trước để tiếp BN. Nếu BN tái khám không hẹn trước, BV phải mất 2 giờ để lục hồ sơ cũ. Hiện mỗi tuần BV tiếp nhận 600 - 700 ca đặt hẹn qua 1080.
Sau đó, BV hợp tác với nhà mạng đặt tổng đài 8088 dành cho BN đăng ký mới khám bệnh. Khi BN đặt hẹn khám tổng đài tự động trả lời số thứ tự khám. Đặt qua 8088, BN có thể nhắn tin hỏi “hiện tại phòng khám A (mà BN đặt hẹn) đã khám tới số mấy?” sẽ được phản hồi. Khi gần đến số khám của BN, tổng đài tự động nhắn cho BN biết. Nếu BN nhắn tin thì tốn phí 1.000 đồng/tin, còn tổng đài phản hồi cho BN thì BN không mất phí. Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 200 ca qua đặt 8088”, BS Tuấn nói.
Cũng theo BS Tuấn, hiện BV Ung bướu TP đang triển khai ứng dụng app DR.OH cài đặt trên cả hệ điều hành IOS và Android. BN có thể tải app, khai thông tin BN và tự chọn khoa, BS, buổi khám, ngày khám (nếu còn số). App này dành cho cả BN có và không có BHYT. Khi đặt hẹn thành công, app sẽ nhắn tin qua sms. Trước 30 phút khám của ngày đặt hẹn app tự động báo nhắc BN. BV triển khai từ ngày 19.8 đến nay và đã có gần 3.000 BN đặt hẹn. BN đặt hẹn đóng tiền bằng thẻ do công ty phát triển app phát hành, thẻ ATM và thẻ tín dụng, mỗi lần là 10.000 đồng, nếu BN hủy hẹn thì được hoàn tiền - trừ vào lần đặt sau.
Tương tự, tại BV Chợ Rẫy, BN được đăng ký khám theo hẹn giờ trước qua tổng đài 1080, 1081, không phân biệt BN BHYT hay dịch vụ. “Trung bình mỗi ngày có 500 ca đăng ký trước”, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, nói. Trong khi đó, BV Nguyễn Tri Phương chấp nhận đăng ký trước khám bệnh qua tổng đài 1080 và cũng không phân biệt có hay không có BHYT.

Bệnh nhân, bệnh viện đều đỡ cực

Ngoài BV Ung bướu, Nhi đồng 1, Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương, hiện ở TP.HCM nhiều BV khác đã thực hiện cho BN đăng ký khám bệnh qua app, tổng đài như: Thống Nhất, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Phạm Ngọc Thạch, Chấn thương chỉnh hình, Mắt, Đa khoa khu vực Thủ Đức, BV Q.2, Q.4, Q.11... và rất nhiều BV tư, PK tư, thậm chí có cả phòng mạch tư của BS. Những thông tin liên quan đến dịch vụ này đều được hướng dẫn trên các trang web của BV, PK...
Tại Hà Nội, phương thức đặt lịch khám bệnh trước cũng đã được triển khai ở nhiều BV. Với BV Ung bướu (Hà Nội), khi đăng ký hẹn khám bệnh dịch vụ qua website của BV, BN có thể lựa chọn dịch vụ, ngày khám, giờ khám... Lịch làm việc, khung giờ khám từng PK của BV có thể thay đổi, nhưng được lên lịch trước 30 ngày. Bệnh nhân đặt trước lịch khám chỉ cần đến BV đúng giờ, đỡ mất thời gian chờ đợi. Nhờ vậy, số người đăng ký khám, tầm soát ung thư đã tăng lên rõ rệt.
Chị Tuyết Minh (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, đi khám tại BV Hữu nghị Việt Đức luôn là nỗi ám ảnh của chị và bạn bè, bởi lúc nào cũng rất đông người chờ khám. Vì vậy, việc đăng ký khám trước qua tổng đài khách hàng khá thuận lợi. “Người đến khám có thể biết lịch khám của các giáo sư, BS giỏi của từng chuyên khoa và đăng ký được đúng như mình mong muốn”, chị Tuyết Minh cho hay.
Cùng chung cái nhìn như BN, TS-BS Bùi Vinh Quang, Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội, cho biết việc triển khai khám chữa bệnh theo đăng ký trên web của BV tại mục “Đặt lịch hẹn” cho thấy kết quả rất tốt, số lượt đăng ký khám tăng lên, việc này giúp BS, BV sắp xếp, cung ứng dịch vụ chủ động nhất, với chất lượng tốt nhất cho BN. Còn BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, chia sẻ: "Khi BN đặt hẹn, BV có trước thông tin BN thì BV cũng rất khỏe, giảm áp lực hành chính và BV biết ngày đó có bao nhiêu BN để chuẩn bị, điều động thêm BS, dụng cụ nếu đông BN... BV Ung bướu TP sẽ nghiên cứu chia khung giờ cho BN, như: từ số thứ tự 1 - 10 thì BN đến giờ nào, từ số 11 - 20 đến giờ nào...".
Một chia sẻ đáng lưu ý khác, theo BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, mặc dù BV khuyến khích BN đăng ký buổi chiều để đỡ quá tải, nhưng nhiều BN thích buổi sáng vì các BN ở tỉnh xa muốn khám buổi sáng kịp chiều về. Với thực tế này, những BN ở TP nếu đăng ký khám buổi chiều sẽ rất “dễ thở”.
Theo PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT - Bộ Y tế), việc ứng dụng CNTT đang được áp dụng ở nhiều BV, để nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian chờ đợi cho BN. Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh, có hiệu lực từ 27.2 năm nay.
Các BV phải hướng đến BV thông minh, không chỉ đảm bảo minh bạch về giá dịch vụ, chất lượng dịch vụ, mà còn về chất lượng phục vụ cho người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh.

Cảnh giác tổng đài “móc túi” khách hàng

Theo khuyến cáo của nhiều BV, hiện có những đầu số giới thiệu tư vấn khám chữa bệnh, đặt hẹn khám bệnh... đặt ra chỉ để lấy tiền cước điện thoại giá cao của khách hàng. Vì vậy, người dân có nhu cầu nên tìm hiểu trực tiếp tại các trang web của BV để được hướng dẫn.
PV Thanh Niên đã thử gọi đến một tổng đài giới thiệu là tư vấn sức khỏe, đặt hẹn BV nhi. Tổng đài này vừa mở nhạc chờ, đến 1 phút 20 giây thì tư vấn viên bắt máy. PV hỏi đây có phải là tổng đài tư vấn của BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 không? Cô nhân viên khẳng định "bên em không phải là tổng đài BV Nhi đồng 2 và sẽ cung cấp cho anh tổng đài BV Nhi đồng 2 để BV này hỗ trợ".
“Nhưng tôi thấy ghi là tổng đài hỗ trợ tư vấn Nhi đồng 1, Nhi đồng 2?”, cô nhân viên một lần nữa nói tổng đài không hỗ trợ tư vấn BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2. Kết thúc cuộc gọi 2 phút 27 giây, PV mất 15.000 đồng trong tài khoản! 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.