Hết cách ly xã hội: Cư dân mạng phấn khởi nhưng vẫn cảnh giác cao độ

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
23/04/2020 08:09 GMT+7

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc nới lỏng cách ly xã hội trên cả nước (trừ vài nơi có nguy cơ cao) từ 0 giờ 23.4 đã khiến cư dân mạng ngập tràn cảm xúc hạnh phúc sau bao ngày chống dịch Covid-19.

Thông tin được chia sẻ chóng mặt với cơn mưa tim, kèm theo đó cũng là những lời nhắc nhở, cảnh báo nhau tuyệt đối không lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19.

Mừng rỡ và nghe ngóng

Cả ngày 22.4, cư dân mạng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đều nóng lòng chờ đợi thông tin quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sau 22 ngày thực hiện cách ly xã hội nghiêm túc, quyết liệt, nhiều người không khỏi mong chờ việc hết cách ly xã hội để nhiều hoạt động cuộc sống có thể hoạt động trở lại bình thường. Trước đó, nhiều hội nhóm được lập ra trên Facebook để cổ vũ người dân vẫn ở nhà nếu không có việc quá cấp thiết.
Chiều tối, khi kết quả cuộc họp được công bố, mạng xã hội đã thực sự bùng nổ. Theo kết luận của Thủ tướng, từ ngày mai 28 tỉnh thành thuộc nhóm “nguy cơ cao” và “có nguy cơ” bùng phát dịch Covid-19 sẽ dừng thực hiện CLXH như quy định của Chỉ thị 16 (trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh). Từ 0 giờ ngày 23.4, không còn tỉnh, thành trực thuộc T.Ư nào phải cách ly xã hội.

Cập nhật sáng 23.4: Tròn 1 tuần Việt Nam không có bệnh nhân Covid-19 mới

Thông tin trên nhanh chóng được chia sẻ rầm rộ và hàng loạt bình luận dự định kế hoạch đã được nhiều cư dân mạng liệt kê. Bạn Quang Minh Phạm ở Hà Nội hào hứng: “Thế là ngày mai mình sẽ được đi làm tại công ty, hết cảnh làm việc ở nhà rồi. Mai mình sẽ dậy thật sớm, đến công ty thật sớm sau nhiều ngày xa cách”.
Nhiều dòng trạng thái cùng được mọi người đăng tải là: “Thế là mai ta lại được gặp nhau”. Có tài khoản thì hóm hỉnh hơn: “Mai mình gặp nhau nhưng vẫn khẩu trang và cách xa 2 m nhé”…

Tổng hợp tin dịch bệnh virus corona tối 22/4: Cả nước kết thúc cách ly xã hội

Tùy theo quy định của địa phương, mỗi người đã lên sẵn phương án cho mình. Tại TP.HCM, cho đến 21 giờ đêm qua, nhiều thắc mắc về chuyện quán ăn, tiệm cắt tóc đã được mở lại chưa vẫn được mọi người rôm rả đăng tải.
Nhìn Hà Nội cho phép taxi, nhà hàng, quán ăn được phép hoạt động trở lại, bạn Ngọc Khải ghen tị: “Nãy giờ tìm thông tin mà cũng chưa biết quán xá, hay tiệm hớt tóc ở TP mở lại chưa. Nếu có mai mình sẽ đường hoàng đi ăn một tô phở, rồi xếp hàng cắt tóc thôi”.
Ở TP.HCM, taxi và Grab công nghệ vẫn bị cấm khiến nhiều thành viên trong group này tiếp tục buồn. Trong hội nhóm “Đà Nẵng”, những câu hỏi tương tự cũng được đặt ra…

Nhắc nhau phòng dịch: “Vui thôi, đừng vui quá”

Bên cạnh việc chia vui thì những dòng trạng thái rủ rê nhau mai tụ tập cũng nhận được những ý kiến trái chiều, phê phán của cộng đồng mạng khi cho rằng: nới lỏng cách ly chứ không phải là hết dịch và cho rằng: “Dường như có một số bộ phận vui mừng quá sớm mà quên mất trách nhiệm phòng dịch”.
Cộng đồng mạng đa phần nhắc nhở nhau phải cẩn thận hết mức và không được vui mừng quá vì nước ta hiện vẫn còn ca nhiễm Covid-19 đang điều trị và vẫn còn nhiều người đang trong giai đoạn cách ly tập trung.

Bên cạnh vui mừng, nhiều tài khoản vẫn không quên nhắc nhở tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch

Ảnh: Chụp màn hình

Cư dân mạng hoàn toàn đồng ý với yêu cầu của Thủ tướng đây không phải là lúc ăn mừng. “Chỉ nên ăn mừng, tụ tập bạn bè khi đã công bố hết dịch hoàn toàn để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng”, nhiều status đã được viết.
Tài khoản Da Thao Thalia nói: “Dù gì ai cũng đã có được 21 ngày để xây dựng một thói quen mới rồi ha. Sống chậm bớt vội vàng mà ùn ùn ra đường nghen”. Bạn Ri Cao nhắc nhở: “Hết cách ly nhưng nhớ vẫn phải mang khẩu trang nha, chứ ngoài đường nhiều người bắt đầu tháo khẩu trang rồi”. Những người khác cẩn trọng hơn thì cho rằng chậm một chút cho chắc.
Bạn Huệ Vương viết: “Hãy cứ vẫn ở yên một chỗ nếu không có việc gì cần. Chậm một tí nữa cho chắc ăn!”. Bạn Chinh Nguyễn cũng ủng hộ: “Em vẫn sẽ tự hạn chế thêm một tuần nữa cho hết hẳn vì xã hội”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.